Bí ẩn “làng tiến sĩ”

Thứ tư, ngày 20/11/2013 06:36 AM (GMT+7)
Những câu chuyện kì bí cách đây hơn 500 năm sắp được hoá giải. Cách hoá giải hiện đại thể hiện đúng chất của người dân đất học: Con cháu gia tộc có nhiều tiến sĩ nhất nước, họ Nguyễn làng Kim Đôi .
Bình luận 0
Những câu chuyện bí ẩn chưa có lời giải

Khi tìm hiểu về những dòng họ có nhiều tiến sĩ nhất trong lịch sử thế giới, tôi được biết gia tộc họ Đậu ở Trung Quốc đang đứng đầu bảng. Và thật bất ngờ khi biết rằng gia tộc đứng thứ 2 ở chính nước ta.

Không khó khăn để tôi tìm được đến ngôi làng của dòng họ ấy. Đó là làng Kim Đôi bên dòng sông Cầu thuộc TP.Bắc Ninh. Làng Kim Đôi có 25 tiến sĩ trong đó họ Nguyễn chiếm ưu thế với 18 tiến sĩ, 7 tiến sĩ còn lại thuộc họ Phạm. Và vào thời Lê làng được phong danh hiệu Làng tiến sĩ. Theo các tài liệu, làng tiến sĩ Kim Đôi đứng thứ 2 cả nước về số lượng tiến sĩ, sau làng Mộ Trạch ở Hải Dương. Số lượng tiến sĩ của họ Vũ (Võ) làng Mộ Trạch cũng nhiều hơn họ Nguyễn. Tuy nhiên, họ Nguyễn là dòng họ duy nhất có gia đình có 5 anh em ruột cùng đỗ tiến sĩ.
Từ đường họ Nguyễn, làng Kim Đôi thờ 18 vị tiến sỹ.
Từ đường họ Nguyễn, làng Kim Đôi thờ 18 vị tiến sỹ.
Cũng như nhiều ngôi làng cổ danh tiếng, làng Tiến sĩ Kim Đôi có những bí ẩn từ xa xưa khó giải thích nổi. Nhưng điểm khác biệt là những câu chuyện ấy không dừng lại ở ngày xưa mà còn ảnh hưởng cho tới bây giờ. Công cuộc tìm kiếm của tôi chỉ thực sự sáng tỏ khi gặp được ông Nguyễn Văn Bảo, trưởng ban đại diện của dòng họ Nguyễn với những câu chuyện khá thú vị và không kém phần logic.

Tấm bia cổ lạ kỳ: Tấm bia cổ thờ trong từ đường họ Nguyễn có khắc tên 18 vị tiến sĩ qua các thời kỳ do ông Lương Thế Vinh soạn thảo, được lập từ năm 1484. Tấm bia này không có gì quí giá chỉ là 2 phiến đá úp vào nhau. Nhưng điều đặc biệt là qua hơn 500 năm, tấm bia chỉ mờ mờ nét chữ chứ không có dấu hiệu bị huỷ hoại.
img
Ông Bảo đã nhiều lần được Bảo tàng văn hoá Bắc Ninh gợi ý nên di chuyển tấm bia đến khu di tích văn hoá của thành phố để trưng bày nhưng ông chưa đồng ý vì ông cho rằng: “Sắp tới họ Nguyễn xây Thuỷ đình, tấm bia sẽ được đem ra đó để thờ cúng. Sự linh thiêng là ở tấm bia, bằng chứng hiếu học ở đó, không thể mang đi trưng bày được”.

Lời nguyền đứt long mạch: Truyện kể rằng năm đó, ở làng Gội (nay thuộc xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, Tỉnh Bắc Ninh) có một người đỗ tiến sĩ được quen gọi với tên Trạng Gội. Ngày vinh quy bái tổ, Trang Gội mời các vị tiến sĩ cao niên ở làng kế bên sang chơi. Các cụ nhà họ Nguyễn đã đúc một con chạch bằng vàng để làm quà biếu.

Không hiểu sao, Trạng Gội và dân làng khi đó đã hiểu rằng món quà là sự khích bác, khinh miệt. Lần sau, khi họ Nguyễn có người đỗ đạt liền mời Trạng Gội tới chia vui và đáp lễ. Trạng Gội không quên hiềm khích xưa liền đúc một quả cau xanh bằng vàng sang tặng. Sự mâu thuẫn từ đó ngày một sâu sắc bởi những lần đối đáp qua lại.

Trạng Gội sau nhiều ngày nghiên cứu đường đi lối lại của hai bên liền xúi người dân trong làng đào một con mương cắt ngang giữa làng Gội và làng Kim Đôi. Con mương đào lên, 3 tháng sau vẫn gỉ nước màu đỏ. Người dân làng Kim Đôi khi đó kháo nhau rằng Trạng Gội chơi khăm đào con mương đúng vị trí long mạch của làng. Thứ nước đỏ kia chính là máu của long mạch bị đứt. Không biết lời đồn đoán là thật hay giả nhưng kể từ đó, họ Nguyễn và cả làng Kim Đôi không còn ai đỗ tiến sĩ nữa.
Ông Nguyễn Văn Bảo.
Ông Nguyễn Văn Bảo.
Cách hóa giải lời nguyền thời hiện đại

Cách lí giải xưa: Nhiều người nói rằng con cháu họ Nguyễn làng Kim Đôi đã vượt qua lời nguyền và ngày nay trong làng những người đỗ cử nhân, thạc sĩ rất nhiều, trong đó có ít nhất 3 tiến sĩ. Tuy nhiên, 18 tiến sĩ xưa của họ Nguyễn có 7 người làm tới chức thượng thư (tương đương Bộ trưởng ngày nay) còn con cháu họ Nguyễn bây giờ dù có học cao, biết rộng cũng không thấy vinh danh hiển hách.

Người dân Kim Đôi thì kháo nhau rằng nhiều năm sau, họ Nguyễn không có người đỗ đạt, người ta bàn nhau lấp con mương. Nhưng lấp mương rồi con cháu họ Nguyễn có đỗ đạt cũng không giữ trọng trách cao, vì vậy họ lại bảo nhau cần phải tìm kế hàn long mạch mới triệt hết lời nguyền.

Còn đối với ông Bảo lại có những suy nghĩ rất thấu đáo và không nhuốm màu huyền thoại: “Đứt long mạch chỉ là cái cớ mà người ta thêu dệt nên còn thực tế thì khu đất đó là đất son đỏ nên khi nước chảy qua thì tạo màu như thế. Còn việc hàn long mạch, quả thực chúng tôi bây giờ cũng không biết hàn kiểu gì vì nó chỉ là dải đất bị cắt ngang mà thôi.”

Xây Thuỷ đình để hoá giải lời nguyền: Ông Bảo cho rằng: “Chuyện khoa cử mỗi thời mỗi khác, họ Nguyễn vẫn luôn đứng đầu thôn xã về tỉ lệ đỗ đạt của con cháu. Còn việc làm cao làm thấp bây giờ cũng khác xưa nhiều rồi. Chuyện hoá giải, sau nhiều năm bàn tính, chúng tôi đã quyết định xây dựng Thuỷ đình, để truyền dạy cho con cháu sau này về truyền thống của cha ông”.

Ông Bảo vừa nói vừa dẫn tôi ra khu đất để xây dựng Thủy đình. Ông cũng đưa cho tôi bản in lá thư ngỏ dự án xây dựng Thuỷ đình và nói: “Công trình này dự định hết 1,3 tỷ. Hiện tại có 2 người con của họ đứng ra ứng vốn cho công trình sau đó họ sẽ công đức, quyên góp để trả lại sau”.

Khu đất để xây dựng Thuỷ đình ngay trước cửa đình thờ họ Nguyễn. Từ cửa nhìn vào tôi thấy một tấm bia đầu rùa y như ở Quốc Tử Giám, đằng sau là các tấm bia cổ khắc chi chít chữ Quốc ngữ. Bên tay trái là Nguyễn tộc từ đường. Thuỷ đình cũng sẽ là nơi tôn nghiêm để người dân đến dâng hương, xin chữ, cầu tài. Truyền thống cần được khơi dậy ở chỗ đó, hoá giải như thế mới hợp tình, hợp lý, thuận lòng người.
Làng Việt (Theo Làng Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem