Trước đây các nông dân Ninh Thuận chỉ trồng mãng cầu theo cách truyền thống nên mỗi năm cho ra quả 1 đợt, cách làm này nông dân cho thu nhập rất thấp. Kể từ lúc làm theo cách mới đã giúp cho nông dân trồng mãng cầu cho thu nhập cao.
Theo những hộ trồng mãng cầu tại xã Phước Dinh, Nhị Hà, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), khí hậu tại đây rất khắc nghiệt. Nhiều loại cây như: Mít, bưởi, xoài... đều không phù hợp với khí hậu của địa phương. Sau đó nông dân thí nghiệm trồng mãng cầu dai. Năm đầu do không biết kỹ thuật nên cây cho quả chỉ 1 đợt/năm. Với cách làm mới sử dụng phương pháp cắt cành, tỉa lá không những giúp cho mãng cầu tăng năng suất mà còn giúp mãng cầu quả to, tỷ lệ đậu quả tăng, gai to và màu sắc đẹp.
Mãng cầu cho ra quả nhiều.
Cắt cành, tỉa lá giúp tăng tỷ lệ đậu quả.
Ông Nguyễn Văn Quang (xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam) cho biết: “Trước đây gia đình trồng 8 sào mít, bưởi nhưng hiệu quả mang lại không như mong đợi. Năm 1999, gia đình đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng mãng cầu dai”. Thời gian đầu do chưa biết kỹ thuật nên mãng cầu chỉ cho quả 1 đợt/năm, thu nhập không được cao, những vụ sau đó ông học hỏi kỹ thuật xử lý cho ra quả 2 đợt/năm và cách làm này giúp ông có được thành công.
Mãng cầu áp dụng cách mới giúp tăng năng suất.
Theo ông, nếu trước đây chỉ cho năng suất 2,5 tấn/năm, sau khi áp dụng cách mới năng suất đạt hơn 5 tấn/năm. Với giá bán từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, hiện bình quân mỗi năm cho thu hoạch lãi từ 35 – 40 triệu đồng/năm, tăng hơn 19 triệu đồng/năm so với trước đây. Theo ông Quang, mãng cầu hiện nay có 2 loại mãng cầu bở và mãng cầu dai, tuy nhiên mãng cầu dai có giá trị hơn bởi vận chuyển được xa. Mỗi năm ông thường cắt cành, tỉa lá vào thời điểm tháng 6,7 âm lịch (đợt 1) và tháng 12 (đợt 2).
Ông Quang chia sẻ, sau khi thu hoạch thì tiến hành cắt bỏ những cành bị sâu ăn, cành khô và thời gian này giảm lượng nước tưới tiêu. Hơn 13 ngày sau quan sát thấy những lá mãng cầu già tiến hành lặt lá và cắt cành (cắt khoảng 10 – 20cm, tùy theo cành). Giai đoạn cuối cùng chăm sóc phun thuốc và bón phân đến khi ra hoa, quả.
Nông dân vùng hạn đang phấn khởi với cây mãng cầu.
Mát mắt với vườn mãng cầu dai.
Ông Nguyễn Minh cùng trú tại địa phương cho biết, gia đình trồng mãng cầu từ năm 2012, với diện tích 3 sào. Những năm đầu mặc dù chăm sóc kỹ nhưng năng suất rất thấp, chỉ ra quả 1 đợt/năm. Sau khi rút được kinh nghiệm và học hỏi ông đã vận dụng kỹ thuật mới, cho ra quả 2 đợt/năm. Theo ông, cây mãng cầu đẻ nhánh khỏe, đồng thời cây chịu được khí hậu khắc nghiệt nên xử lý cắt cành, tỉa lá sẽ giúp cho cây và quả phát triển tốt hơn. Hiện nay, ông đang thu nhập trung bình 15 triệu đồng/năm, tăng gấp đôi so với trước đây.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.