Là địa bàn xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu, 90% diện tích tự nhiên của Mường Tè là rừng núi với độ dốc cao, bị chia cắt dữ dội. Hầu hết cư dân là đồng bào dân tộc Thái, Mông, La Hủ, Hà Nhì, Si La, Cống... nên trong phát triển kinh tế, Mường Tè gặp rất nhiều thách thức.
Nhân rộng mô hình, điển hình
Chúng tôi đến bản Mu Chi-bản của người La Hủ thuộc xã Pa Ủ, nằm chon von trên lưng chừng núi ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, gặp anh Thà Mà Đư. Chỉ lên dãy núi Phù Sì Luông, cao hơn 3.000m mờ trong mây phủ, anh Đơ tâm sự: “Người La Hủ ngày trước sống lang thang trên núi cao ấy, không biết trồng lúa nước, không nuôi lợn, gà, chẳng mấy khi có áo ấm, cơm no. Từ ngày về định cư ở bản Mu Chi, được Hội ND và cán bộ, bộ đội biên phòng giúp đỡ, bà con đã biết trồng nhiều cây, chăn nuôi nhiều con để không bị đói; lại được dạy cách làm ra nhiều hàng hoá để bán lấy tiền. Dân Pa Ủ mấy năm nay đang tập trung phát triển cây thảo quả, nhiều nhà thu cả trăm triệu đồng mỗi năm.
ND xã Pa Ủ trồng thảo quả từ vốn đầu tư của Nhà nước và hướng dẫn của Hội ND.
Già bản Ky Ca Chờ, gật gù: “Cán bộ Hội ND bảo mình, khi cái bụng no, cái lưng ấm rồi thì phải lo làm giàu. Cán bộ đưa mình đi sang các xã khác học cách chăn nuôi trâu, bò, lợn, trồng thảo quả, bảo vệ rừng ở xã Pa Vệ Sử, Mù Cả, Thu Lũm, Ka Lăng.... Mình thấy người Mông, người Dao, người Si La ở đó trồng nhiều thảo quả, có nhiều tiền lắm. Nhà nước cho cây giống, cán bộ dạy cách trồng, cách thu hoạch. Vậy là mình về bảo con cháu làm theo. Dân Pa Ủ đã có cả trăm hộ đang trồng thảo quả đấy. Tiền Nhà nước cho, cách trồng thì hỏi cán bộ, cứ chịu khó làm là sẽ giàu thôi”.
Xoá nghèo song hành làm giàu
"Giải bài toán xoá nghèo đã khó nhưng vẫn phải song hành thực hiện bài toán giúp dân làm giàu. Và bài toán ấy đã từng bước có lời giải. Giờ đây không ít hộ có thu nhập cả trăm triệu đồng/năm" - ông Nguyễn Xuân Trường- Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè tâm sự.
"Cán bộ Hội ND bảo mình, khi cái bụng no, cái lưng ấm rồi thì phải lo làm giàu. Cán bộ đưa mình đi sang các xã khác học cách chăn nuôi trâu, bò, lợn, trồng thảo quả, bảo vệ rừng”.
Già bản Ky Ca Chờ
|
Ông Trần Văn Toàn - Chủ tịch Hội ND huyện Mường Tè cho biết: Những năm gần đây, huyện đã chỉ rõ những lợi thế về sức lao động, khí hậu, đồng cỏ, cây-con giống bản địa... của địa phương, đồng thời đầu tư có trọng điểm để đưa những lợi thế ấy trở thành hàng hoá. Những địa bàn có lợi thế về sản xuất lương thực được hỗ trợ giống lúa, ngô, kỹ thuật canh tác, phân bón, máy móc... để nâng cao năng suất, sản lượng, giúp ND tự chủ về lương thực. Những địa bàn có lợi thế chăn nuôi gia súc, phát triển cây trên nương thì huyện tập trung đầu tư sản xuất hàng hoá.
Trong các loại cây, thảo quả được coi là thế mạnh làm giàu. Ông Toàn khẳng định: Lợi thế về thảo quả đã trở thành một mũi nhọn hàng hoá của Mường Tè. Hiện diện tích thảo quả của Mường Tè lên tới gần 1.500ha phát triển ở hầu hết các địa bàn. Việc trồng thảo quả được gắn với bảo vệ rừng, giúp người dân nâng cao thu nhập, không du canh, du cư, tích cực tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới. Những mô hình, điển hình về trồng thảo quả gắn với bảo vệ rừng đang được nhân rộng là giải pháp hữu hiệu giúp bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu này thoát nghèo, vươn lên
Về cây lương thực, đến nay, bà con đã cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa mùa 2013, năng suất lúa bình quân mỗi ha cao hơn năm 2012 từ 6-10 tạ. Đó là bước khởi đầu, tạo tiền đề cho những đột phá để ND làm giàu. Hội ND các cấp phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các đoàn thể vận động, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra thực hiện nhiệm vụ xoá nghèo, làm giàu trong ND. Thu hoạch vụ mùa chưa kết thúc, huyện đã xây dựng và chỉ đạo phương án sản xuất vụ đông xuân tới với quyết tâm diện tích, năng suất cao hơn năm trước.
Kiều Thiện (Kiều Thiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.