Bỏ bớt lúa, tăng ngô và đậu nành

Thứ sáu, ngày 12/07/2013 06:32 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 11.7, tại Đồng Tháp, Cục Trồng trọt - Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả ở các tỉnh Nam Bộ.
Bình luận 0

Chăn nuôi, trồng trọt đều gặp khó

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, ngành sản xuất lúa gạo của nước ta đang gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ hẹp, giá gạo xuất khẩu liên tục giảm. Bên cạnh đó, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng gặp không ít khó khăn, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng.

Nguyên nhân là do 60% nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc (bắp, đậu nành) phải nhập từ nước ngoài. Hàng năm nước ta phải nhập khẩu từ 1,5 – 1,6 triệu tấn bắp hạt, 2,4 triệu tấn khô dầu đậu nành, 600.000 tấn hạt đậu nành và một số nguyên liệu khác. Tổng ngoại tệ chi cho việc nhập khẩu ước đạt gần 3 tỷ USD gần tương đương với tổng kim ngạch xuất khẩu gạo.

Trước sự đối lập giữa trồng trọt và chăn nuôi, Bộ NNPTNT đã xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa hiện nay, nhất là đất lúa kém hiệu quả là xu thế tất yếu để phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân và bắp (ngô) lai và đậu nành là 2 loại cây trồng chính trong chiến lược này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Dương cũng cho rằng việc giảm lúa, chuyển sang trồng các loại cây màu là nhu cầu bức xúc của rất nhiều người dân tại ĐBSCL.

Gắn với nhu cầu thị trường

Theo ông Phạm Văn Dư – Cục Phó Cục Trồng trọt, vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây ngô và cây đậu nành. Hiện nước ta đang thiếu ít nhất là 1,7 triệu tấn ngô hạt mỗi năm, vì vậy mục tiêu đến năm 2020 sẽ nâng sản lượng ngô hạt từ 6 triệu tấn lên 7,5 triệu tấn. Hướng chuyển đổi là tiếp tục ổn định diện tích đất lúa tưới tiêu chủ động để sản xuất 2 vụ ăn chắc bên cạnh việc hình thành vùng sản xuất hàng hoá ngô, đậu nành. Vùng chuyển đổi thâm canh ngô có thể đạt đến 150.000ha, đối với đậu nành khoảng 350.000ha tương đương 700.000 tấn.

img
Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho năng suất cao hơn là yêu cầu bức thiết của nông dân ĐBSCL.

Các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cho rằng, phải hết sức thận trọng khi triển khai trên diện rộng, quy mô lớn thì phải hết sức thận trọng, đặc biệt là phải đảm bảo đầu ra, nếu không hậu quả mà nông dân phải gánh chịu còn nặng nề hơn rất nhiều so với trồng lúa. Ông Phạm Văn Bên – Ủy viên Thường vụ Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp) thì lại quan ngại về khả năng cạnh tranh của đậu nành trong nước so với các nước đã có kỹ thuật sản xuất và chế biến đậu nành tiên tiến trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT - Vũ Văn Tám khẳng định: Đây là thời điểm bức xúc, cấp bách và thời cơ chín muồi nhất để thực hiện việc chuyển đổi cây trồng ở khu vực Nam Bộ. “Các địa phương phải tổ chức lại sản xuất, xác định vùng nào có điều kiện tự nhiên phù hợp với từng loại giống để đưa ra cơ cấu giống cho phù hợp và xác định diện tích chuyển đổi mỗi địa phương là bao nhiêu; tạo bước đột phá về khoa học công nghệ và chuyển giao tiến bộ khoa học để giảm giá thành sản xuất. Các sở NNPTNT chủ động tham mưu tốt cho lãnh đạo địa phương triển khai thực hiện tốt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả” - Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem