Chậm cấp sổ đỏ, dân phải ở nhà tạm

Thứ tư, ngày 12/02/2014 07:18 AM (GMT+7)
Những ngày tết vừa qua, gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (tổ dân phố 1, phường Tân Hòa, TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) phải sống trong rẫy cà phê vì nhà đã bị đập phá. Hàng trăm hộ gần đó cũng đang tiến thoái lưỡng nan khi nhà sắp sập mà không được xây lại.
Bình luận 0
Phường làm đúng luật?

Sau một thời gian thắt lưng buộc bụng, hơn 20 năm trước, ông Dũng mua ngôi nhà gỗ cũ dựng trên diện tích đất 96m2 tại tổ dân phố 1, phường Tân Hòa (nằm sát QL 26). Từ đó đến nay, gia đình ông sống ổn định tại đây, được đăng ký hộ khẩu thường trú, hàng năm nộp thuế đất đầy đủ. Hơn 20 năm tồn tại với nắng mưa, ngôi nhà của ông Dũng giờ đã rệu rạo đến mức có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Cũng vì thế mà ông Dũng phải thuê nhà cho 2 đứa con ở để đi học, còn vợ chồng ông vào rẫy dựng lán rồi ở luôn trong đó. Đã đến lúc chẳng thể sống nổi với cảnh ấy, ngày 11.11.2013, ông Dũng làm đơn xin chính quyền địa phương cho phép xây dựng căn nhà tạm trên nền nhà cũ, nhưng UBND phường Tân Hòa không chấp thuận.

Ngôi nhà mà vợ chồng ông Dũng chắt chiu xây dựng đã bị đập nát.
Ngôi nhà mà vợ chồng ông Dũng chắt chiu xây dựng đã bị đập nát.

Do quá bức bách về chỗ ở khi tết đang về, lại thấy nhiều nhà dù không được cấp phép vẫn xây nhà kiên cố nên ông Dũng đánh liều. Ngày 17.12.2013, khi căn nhà xây xong phần thô, đặt xà gồ sắt, chuẩn bị lợp tôn, thì phường ra quyết định đình chỉ thi công. 10 ngày sau phường ra thông báo cưỡng chế. Ngày 30.12.2013 ngôi nhà mà ông Dũng vừa dựng lên đã thành đống gạch vụn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại phường Tân Hòa có rất nhiều ngôi nhà xây dựng không phép, trong đó có nhiều căn được xây kiên cố nhiều tầng nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại. Ông Bùi Thanh Gấm - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hòa, xác nhận điều này. Theo ông Gấm, nhà ông Dũng vi phạm Nghị định 180/2007. Song thực tế, mảnh đất có căn nhà gỗ cũ của ông Dũng lâu nay đã được xác định là đất ở. Dù chưa được cấp quyền sử dụng đất (lỗi không thuộc về dân) nhưng mảnh đất này vẫn phù hợp với quy hoạch khu dân cư (theo Quyết định 2852 ngày 31.10.2007 của UBND tỉnh). Hơn nữa, căn nhà mà ông Dũng vừa xây chỉ là nhà tạm, trên nền cũ, không phải công trình kiên cố cần có hồ sơ thiết kế và xin giấy phép xây dựng. Vì vậy, vi phạm của ông Dũng có đến mức phải cưỡng chế phá dỡ công trình?

Hàng trăm hộ dân khốn khổ

Ngoài ông Dũng, tại tổ dân phố 1, 2 và 10 (trước đây là khối 1), phường Tân Hòa, còn có hơn 200 hộ dân khác (nằm dọc QL 26) cũng đang trong cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Họ chẳng thể đi đâu khác trong khi nhà cũ dù sắp sập cũng không được xây dựng lại.

Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ nhà ông Dũng, mà có ít nhất 16 hộ dân khác ở tổ dân phố 1, phường Tân Hòa cũng đang sống trong những căn nhà sắp sập đổ nhưng không được phép xây mới.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Công ty Quản lý đường bộ 26, rất nhiều hộ dân trong số hơn 200 hộ nói trên vi phạm hành lang an toàn giao thông. Tuy nhiên, đây là lịch sử để lại hơn 30 năm qua, dân đã làm nhà ở, sinh sống đã 3-4 thế hệ. Vậy nên cần phải tạo điều kiện cho dân định cư tại chỗ, theo hướng lùi vào sau hành lang an toàn giao thông. Riêng trường hợp ông Dũng, lẽ ra phường phải mời Công ty Quản lý đường bộ 26 xác định căn nhà vi phạm đến đâu thì cưỡng chế đến đó, chứ phá dỡ hoàn toàn công trình là không đúng.

Tại Quyết định 2852 có nêu: “Đối với các khu dân cư đã hình thành ổn định, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đất ở”. Nhưng từ năm 2007 đến nay, dù đã kêu rất nhiều, hơn 200 hộ dân nói trên vẫn chưa được chính quyền cấp sổ đỏ. Việc này đã và đang khiến dân lâm vào cảnh sống khốn cùng.

Duy Hậu (Duy Hậu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem