Làng “thợ đụng”
Theo Trưởng thôn Thống Nhất Nguyễn Thị Ngọc Lan, không có ruộng nhưng đến vụ mùa là người dân Thống Nhất lại đi gặt lúa sớm nhất và cũng kết thúc vụ mùa muộn nhất, vì họ là những người đi gặt thuê, cày thuê. Người dân Thống Nhất làm đủ mọi nghề: Làm cỏ, phụ hồ, hái củi, đốt than… ai thuê chi làm nấy. Người các làng khác vì thề vẫn gọi làng Thống Nhất là làng “thợ đụng.”
|
Ngoài làm thợ hồ, bà Phố tranh thủ xắt chuối nuôi heo. |
Có một nghề như “phao cứu sinh” cho nhiều người dân làng Thống Nhất là nghề xây lăng mộ. “Cũng nhờ làng Thống Nhất ở gần cái nghĩa địa, nhiều đoàn thợ đến đây xây lăng mộ, thấy người dân nơi đây siêng năng, công cán lại rẻ nên thuê làm phụ. Người nọ chia sẻ người kia, nhờ vậy mà nhiều người ở đây có cái đắp đổi qua ngày” – bà Lan chia sẻ.
Chồng bà Nguyễn Thị Phố (58 tuổi) mất sớm, một mình bà phải nuôi đứa 3 con trong cảnh không ruộng không vườn 3 đứa con của bà Phố lớn lên đứa lấy chồng, đứa đi làm ăn xa nhưng tất cả đều nghèo nên không phụ giúp được gì cho bà. Mấy năm gần đây, bà Phố tự nuôi sống mình bằng việc phụ thợ xây lăng mộ ở nghĩa địa cạnh làng. “Già rồi, sức khoẻ không có nhưng cũng phải cố mà làm, không thì không biết lấy chi mà sống” – bà Phố tâm sự.
Hàng xóm của bà Phố là vợ chồng bà Nguyễn Thị Thuỷ (đều đã gần 60 tuổi) cũng nhờ làm thợ phụ ở nghĩa địa mà đắp đổi cuộc sống lúc xế chiều khi những đứa con đều đã tha hương cầu thực...
Có một nghịch lý cơ cực của người dân Thống Nhất là không chỉ sống không có đất sản xuất mà ngay cả khi chết rồi vẫn phải làm ma “ở trọ” trên đất làng khác. Trưởng thôn Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, cứ mỗi lần có người trong làng chết là chính quyền thôn phải chạy đôn, chạy đáo đi các làng khác xin đất để chôn. Cũng may nghĩa tử là nghĩa tận nên chính quyền, bà con các làng khác cũng chưa làm khó dễ lần nào…
Hơn 25 năm chờ đợi trong vô vọng
Từ năm 1998, Chi bộ thôn Thống Nhất và chính quyền thôn trăn trở với nỗi đau không đất của làng nên đã làm lá đơn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xin đất cho làng. Tờ trình lên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển qua UBND tỉnh, tỉnh phát về huyện rồi huyện lại chuyển về xã. Xã báo lại thôn có nhận được tờ trình, rồi im lặng. Đến năm 1999 xã mới cấp cho làng Thống Nhất 3ha ruộng (ruộng 5% của xã), cách làng 6 - 7 cây số. Từng ấy ruộng chia cho gần 100 hộ dân, gần 500 người, mỗi người chỉ được một thẻo như cái nong, chẳng làm ăn gì được. Bàn đi tính lại, thôn quyết định ưu tiên số ruộng này cho 30 hộ khó khăn nhất…
Thế nhưng những hộ nhận đất cũng chẳng khấm khá hơn là bao bởi gánh nặng của những khoản thu nộp: Khoán sản lượng 1 sào 17kg, rồi đủ thứ linh tinh khác như phân bón, tiền cày, bừa, tiền dịch vụ giữ đồng, tiền vận chuyển… Bù đi bù lại coi như công cốc.
Không thể sống bằng chừng ấy ruộng được chia, từ đó đến nay các đời bí thư chi bộ, trưởng thôn Thống Nhất lại tiếp tục gửi tờ trình xin đất. Tờ trình gửi thì cứ gửi, người dân Thống Nhất cũng chỉ nhận được hồi âm là không thể chia đất vì vướng Nghị định 64, rằng đất đã có chủ, đã chia hết rồi, không còn đất để cắt lại cho làng Thống Nhất nữa. Chờ có Nghị định mới thay thế Nghị định 64 rồi tính tiếp…
Cứ thế, năm này qua năm khác, người dân Thống Nhất tiếp tục tha hương tứ xứ nai lưng làm thuê để nuôi một niềm hy vọng: Tiếp tục làm tờ trình để được cấp đất để có một cuộc sống bình thường của người nông dân...
Phan Phương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.