Chim chích chòe Lê Cát Trọng Lý lại du ca

Thứ sáu, ngày 14/10/2011 06:03 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chuyến du ca “Vui” của Lê Cát Trọng Lý phải bỏ dở giữa chừng vì thiếu nhà tài trợ, may thay, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội đã giúp Lý tổ chức 3 đêm diễn “Vui thêm” vào 15-17.10.
Bình luận 0

“Chim chích chòe” lại tiếp tục được hát cho khán giả.

Giàu tất cả, trừ tiền ra

Rất nhiều khán giả đã vỗ tay giữa chừng mỗi khi Lý hát ca khúc “Nghèo” của cô sáng tác: “Anh chị tôi nghèo tiếng cười, nghèo câu ca/ Nghèo chút nắng qua cơn mê dài/Nghèo giấc ngủ nghèo cả bình minh/Giàu nỗi buồn đêm ngày chinh chiến/Nghèo tất cả, trừ tiền ra”. Một ca khúc giàu tính triết lý so với cái tuổi 24 của cô gái bé nhỏ có ngoại hình rất giống một chú chim chích chòe với mái đầu bù xù, vóc dáng mảnh mai và giọng hát trong veo này.

img
Lê Cát Trọng Lý trong đêm diễn tại Trường THPT Mù Căng Chải (Yên Bái).

Trong khi nhân vật ở bài hát của Lý “Nghèo tất cả, trừ tiền ra” thì tác giả của nó dường như lại ở chiều ngược lại: “Giàu tất cả, trừ tiền ra”. Bằng chứng là chuyến du ca xuyên Việt mà cô ấp ủ rất lâu phải bỏ dở giữa chừng khi chỉ đi được từ TP.HCM ra tới Quy Nhơn và Đà Nẵng vì nhà tài trợ đột nhiên rút lui.

Nếu Lý giàu như các ca sĩ hàng sao khác, cô sẽ không phải lỗi hẹn với khán giả Hà Nội trong chuyến du ca “Vui”, thực ra, quán quân của Bài hát Việt 2008 này chưa phải là một người có thể tự chủ về tài chính.

Lý nói rất thật thà và thẳng thắn: “Tôi không nhận được nhiều lời mời như người ta tưởng đâu. Ai mời show nào, tôi đều nhận hết. Nhưng có một số trường hợp, tôi không nhận vì không thể hợp tác được, chẳng hạn đi hát vũ trường”.

Ba đêm diễn ngày 15, 16 và 17.10, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội đã hỗ trợ Lý về mặt địa điểm, ánh sáng, và xin giấy phép biểu diễn. Lý cho biết chương trình lần này có sự tham gia của ban nhạc của cô, với pianist Quốc Việt, tay trống Bỉnh Khôi, violinist Cát Du…

Dơ dơ hát mới hay

Lý và ban nhạc của cô vừa tổ chức một đêm diễn ở Trường THPT Mù Căng Chải (Yên Bái) tối 7.10, hát hoàn toàn miễn phí để phục vụ khán giả đúng như lời hứa của cô trước đây. Một đêm nhạc “dã chiến” với ánh nến lung linh, khán giả toàn là những người trẻ, ngồi bệt trên sân trường để nghe Lý hát.

Lý cũng ngồi bệt trên bậc thềm, đầu đội một cái khăn, người cũng quấn một cái khăn to mà người ta đồ rằng nó được “cách điệu” từ một tấm chăn mỏng, “chim chích chòe” truyền cảm hứng cho khán giả và rất nhiều em học sinh đã lên, mạnh dạn hát cùng cô.

Có nhiều người hỏi Lý sao cô không giống những nữ ca sĩ trẻ khác, cứ lên sân khấu là thật lộng lẫy, điệu đà, cô giải thích: “Tôi hay gặp phải trường hợp mặc bộ đồ đẹp hay quá trang trọng thì lại chơi nhạc dở. Cứ mặc đồ dơ dơ thì lại chơi hay. Khi khoác lên mình bộ đồ phải quá sức để ý, tôi rất hay bị phân tâm về việc trông ngoại hình của mình như thế nào. Thực tế là tôi ngại mặc những trang phục cầu kỳ, nó khiến tác phong của mình thay đổi mà sự tự nhiên cũng mất đi”.

Nhạc sĩ Trần Tiến đã ví Lê Cát Trọng Lý như một ngọn cỏ xanh mơn mởn trong veo và hồn nhiên. Ông nói "Lý không phải là nhạc sĩ mà cũng chưa phải là ca sĩ, cô ấy cũng chẳng cần sự nổi tiếng".

Chính vì thế mà sự tự nhiên là điều đáng quý nhất trong đêm diễn của Lý, cô tự nhiên hát, tự nhiên vui vẻ nhận những tràng pháo tay của khán giả, tự nhiên buồn, tự nhiên cười, chẳng có chút gì là phải diễn. Khán giả của Lý yêu mến cô như yêu một “chú bé tài năng” hơn là yêu mến một nữ ca sĩ, bởi với mái tóc bù xù, vóc người nhỏ bé lọt thỏm trong bộ quần áo rộng.

Lý thực sự là Lý, và họ nuối tiếc biết bao khi đêm diễn kết thúc, họ phải chia tay cô. Cảm giác ấy, phải là người đi xem Lý hát mới sở hữu được. Và nhất là khi cô cho biết, sang đầu năm sau, năm 2012, cô sẽ rời Việt Nam 1 năm để sang Canada du học về sáng tác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem