Với mô hình “3 trong 1” (chăn nuôi lợn kết hợp với bán thức ăn gia súc và trồng cam), ông Trương Quang Danh (58 tuổi, ngụ ở ấp Rạch Nghệ, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) đã được Hội ND tỉnh Trà Vinh tiến cử là ND xuất sắc năm 2014 lên Trung ương Hội NDVN.
Ông Danh đang vỗ béo đàn lợn con (ảnh Huỳnh Xây).
Ông Danh bắt đầu làm chuồng trại nuôi lợn từ năm 2009, cũng trong thời gian này ông Danh còn giữ chức Phó Chủ tịch Hội ND huyện Cầu Kè. “Sở dĩ tôi tôi nuôi lợn lúc đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội ND huyện là vì muốn thử sức mình với những kinh nghiệm mà tôi đã học được từ các mô hình chăn nuôi của bà con ND các địa phương. Hơn nữa, khi va chạm với các vấn đề thực tế trong chăn nuôi thì tôi mới cảm nhận được nỗi vất vả, khó khăn của người dân từ đó có thêm sự đồng cảm và chia sẻ” – ông Danh nói.
Để thực hiện mô hình chăn nuôi lợn trên, ông Danh đã tìm đến các công ty sản xuất thức ăn ở Vĩnh Long, Đồng Nai để đăng ký mua thức ăn trực tiếp (không thông qua các đại lý). Để giảm chi phí trong chăn nuôi, ông Danh mua thêm thức ăn chăn nuôi để bán lại cho nông dân địa phương, tiền lời thu được, ông đầu tư phát triển đàn lợn thịt.
Những hộ dân mua thức ăn chăn nuôi từ ông Danh đều được ông hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc lợn bố mẹ, lợn con, lai tạo giống… Đối với những hộ khó khăn, ông không lấy tiền thức ăn liền mà chờ đến khi nào hộ đó xuất bán lợn thịt. Mỗi tháng gia đình ông mua về khoảng 30 tấn thức ăn để bán lại cho trên 280 hộ dân (bình quân mỗi hộ nuôi khoảng 7 con). Khi hộ dân nào muốn xuất bán, ông gọi thương lái lại mua với giá cao hơn thị trường từ 100.000-150.000 đồng/tạ.
Không chỉ nuôi lợn và bán thức ăn gia súc, tháng 5.2012, ông Danh còn mạnh dạn chuyển đổi 11.000m2 đất lúa kém hiệu quả sang trồng 3.950 cây cam sành. Cách đây 1 tháng, ông Danh bán được 22 tấn cam, với giá 32.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phí (cây giống, dụng cụ bơm tưới, thuê nhân công, phân, thuốc…) lời khoảng 150 triệu đồng. Dẫn chúng tôi ra vườn cam sành xanh um, ông Danh nói “Đây chỉ là đợt thu hoạch đầu mà đã có lời. Nhiều hộ khác cũng trồng như tôi nhưng chỉ đạt được mức hòa vốn. Các đợt thu hoạch sau tôi sẽ thu lời 100%”.
Bên vườn cam sành cho trái sum suê (ảnh Huỳnh Xây).
Đánh giá về kết quả sản xuất kinh doanh của ông Danh, Ông Nguyễn Văn Tráng - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Cầu Kè nói: “Ông Danh là người chịu khó học hỏi. Từ lúc còn làm công tác hội, ông đã đi nhiều vùng miền trong cả nước và cả nước ngoài sau đó về giới thiệu các mô hình, cách làm mới cho bà con. Sau khi về hưu, ông vẫn tích cực tham gia các phong trào của hội phát động. Trong 2 năm (2012-2013), ông đã cho 10 hộ nghèo mượn 1.200 cây cam giống và 20 triệu đồng để phát triển sản xuất. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ (sau khi xuất bán mới trả lại tiền) lợn con cho nhiều hộ khó khăn, vận động và ủng hộ tiền xây dựng cầu, sửa chữa các đoạn đường bị sụp, lún…Qua đó, góp phần xây dựng nông thôn mới”.
Với những thành quả đạt được, ông Danh đã được Hội nông dân tỉnh Trà Vinh khen thưởng danh hiệu ND sản xuất giỏi trong 3 năm qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.