Chọi trâu: Nét đẹp của văn minh lúa nước

Huy Hoàng Thứ năm, ngày 20/02/2014 07:08 AM (GMT+7)
Lễ hội chọi trâu không chỉ là nét đẹp cổ truyền, độc đáo, tôn vinh tinh thần thượng võ của người nông dân Việt Nam mà còn là một sinh hoạt văn hóa tâm linh, nét đẹp của nền văn minh lúa nước.
Bình luận 0
Nét văn hóa tâm linh

Chọi trâu ở nước ta có lịch sử lâu đời, đã đi cùng người dân từ miền biển tới đồng bằng, trung du như: Lễ hội chọi trâu ở xã Hải Lựu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc); lễ hội chọi trâu ở Phù Ninh (Phú Thọ); lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng)… Đây là những lễ hội mang nét sinh hoạt văn hóa tâm linh, mang tính cộng đồng dân tộc.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn từ khi ra đời cho đến nay luôn có sức sống mạnh mẽ, thể hiện được bản sắc văn hóa, tinh thần cùng thể chất đặc biệt của người dân miền biển hàng ngày đối diện với biển khơi và bão tố để mưu sinh. Khác với các nơi khác "trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ", thì ở Đồ Sơn lại có truyền thống "trống mọi làng cùng đánh, thánh mọi làng cùng thờ".

Các panô,   áp- pích tuyên truyền cho Hội chọi trâu NTNN- Phúc Thọ 2014 đã được treo ở thị trấn Phúc Thọ (Hà Nội).
Các panô, áp- pích tuyên truyền cho Hội chọi trâu NTNN- Phúc Thọ 2014 đã được treo ở thị trấn Phúc Thọ (Hà Nội).
Theo quan niệm của người dân vùng biển, đặc biệt những người là nghề đi biển ở vùng ven biển Đồ Sơn, thì trăng có vai trò rất quan trọng, bởi nó là nguyên nhân gây ra hiện tượng thủy triều. Với hình ảnh đôi trâu chọi nhau dưới ánh trăng bạc trong các truyền thuyết về hội chọi trâu ở Đồ Sơn đã phản ánh mối liên hệ nào đó giữa mặt trăng với biển cả. Hình ảnh sừng trâu cũng chính là hình tượng của mặt trăng khuyết, gắn với thần Độc Cước mà người dân miền biển vẫn tôn thờ.

Vì lẽ đó mà trước đây, con trâu chiến thắng trong hội chọi trâu sẽ được đưa lên thuyền, mang ra khơi xa rồi hắt xuống để tế thần. Nhưng ngày nay, trâu giải nhất hàng tổng được rước bát hương đền Nghè và rước cờ đại "Thượng đẳng thần" về làng và được các làng giết thịt làm lễ hiến sinh tế lễ dâng thành hoàng, xin thành hoàng cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, cho mùa đánh cá sau, cho việc làm ăn năm tới của dân làng được may mắn, thuận lợi hơn.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được bắt đầu từ 1.8 đến hết ngày 15.8 (âm lịch) và ngày chọi trâu chính thức ngày 9.8 (âm lịch).

Cầu mưa thuận gió hòa

Cũng ít ai có thể quên được lễ hội chọi trâu Hàm Yên tại huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Lễ hội chọi trâu được tổ chức vào các ngày 10 và 11 tháng Giêng âm lịch.


Chọi trâu ngoài tính văn hóa giải trí như cuộc đua tài thể thao giữa 2 dũng sĩ 4 chân, còn thể hiện tinh thần thượng võ lâu đời của nhân dân ta, cổ vũ cho sức mạnh, tài khéo, ngoan cường...
Ông Ngô Đức Thịnh

Với mỗi người dân địa phương, hội chọi trâu Hàm Yên là dịp để tạ ơn trời đất, cầu mong cuộc sống hạnh phúc bình yên, làm ăn thịnh vượng và may mắn. Chính vì vậy, trước mỗi mùa chọi trâu, người dân Hàm Yên lại cùng nhau lặn lội lên tận Hà Giang, Lai Châu... để tìm những trâu khoẻ đẹp mua về.

Trâu mua về được cả cộng đồng bình xét giao cho một gia đình tiêu biểu nuôi dưỡng, gia đình này phải có đủ ông bà, cha mẹ, con cháu sống hoà thuận, hiếu thảo, trên kính dưới nhường, kinh tế khá giả, nghĩa là một gia đình rất văn hóa. Các gia đình khác có nghĩa vụ đóng góp thức ăn cho trâu (thường là bột ngô, bột sắn, cám gạo...). Trâu được cả cộng đồng yêu quý, vuốt ve, trân trọng như một thành viên và thông qua “ông trâu”, cộng đồng cũng yêu quý gắn bó nhau hơn.

Còn với lễ hội chọi trâu ở Phù Ninh (Phú Thọ) không chỉ mang đậm nét văn hóa dân gian thời đại Hùng Vương, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc, mà còn là nghi thức dân gian cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Ngày 16 - 17.2 (âm lịch) hàng năm, huyện Phù Ninh lại rộn ràng vào hội với cuộc thi tại 3 vòng thi đấu: Vòng loại, vòng bán kết và vòng chung kết.

Người dân tứ phương lại được chứng kiến mỗi trận đấu, từ hai phía của sới chọi, hai “ông cầu” được dẫn ra cùng lúc, có người che lọng và múa cờ hai bên. Khi hai “ông cầu” cách nhau khoảng 20m, người dắt rút "sẹo" cho các “ông cầu” rồi nhanh chóng thoát ra ngoài sới chọi. Có nhiều hiệp đấu hay với những miếng võ hiểm, giữ sức, giành miếng tấn công liên tục, kéo dài tới hàng chục phút trước sự cổ vũ náo nhiệt của người xem.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Đức Thịnh cho biết: “Các lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn hay ở Hải Lựu, Hàm Yên, có tính một lễ nghi hiến tế, dân sở tại tỏ lòng tôn kính thần linh bằng cách lựa lọc trong số nhiều trâu khỏe lấy một cặp khỏe nhất để làm thịt tế thần và đem chia cho cộng đồng. Và thế là chọi trâu có thêm tính văn hóa giải trí như cuộc đua tài thể thao giữa 2 dũng sĩ 4 chân, mà về khách quan là phù hợp với tinh thần thượng võ lâu đời của nhân dân ta, cổ vũ cho sức mạnh, tài khéo, ngoan cường... Chính sự "đa nghĩa" này làm nên sức hấp dẫn công chúng trong vùng từ lâu đời, và nó cũng hàm chứa trong tổng thể của nó tính nhân văn khó mà phủ nhận”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem