Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội từ năm 2011, cô gái trẻ Trần Kim Ngân (SN 1990) đã có một quyết định kỳ lạ khi nộp hồ sơ thi vào trường THCS Hy Vọng (dành cho trẻ em khuyết tật bẩm sinh).
Là một giáo viên thể dục, Ngân gặp rất nhiều khó khăn trong việc truyền tải, hướng dẫn các em học sinh tập đúng động tác.
Đã một số lần, do không nói chuyện được với học sinh, Ngân bị các em nổi cáu.
Sau những lần đó, Ngân đã đăng ký đi học những lớp bồi dưỡng giáo dục đặc biệt, đồng thời tìm tài liệu về tự học để có thể nói chuyện với học sinh.
Mất khoảng 1 năm, vừa học vừa nhìn học sinh nói chuyện với nhau, Ngân đã có thể giao tiếp tốt với các em.
"Hình ảnh một em học sinh nổi cáu khi tôi không hiểu được ý em đã là động lực giúp tôi học và nhanh chóng hoà nhập với các em học sinh khiếm thính" - cô giáo Ngân chia sẻ.
Ngoài công tác chuyên môn, Ngân còn là cô giáo quản lý thư viện của trường, nên những lúc rảnh rỗi, Ngân thường mang sách giáo dục đặc biệt ra đọc và hướng dẫn lại cho học sinh ngay tại bàn đọc sách của thư viện.
Từ một cô giáo trẻ mới ra trường, giờ đây Ngân đã là một trong những giáo viên không thể thiếu của trường khi vào mỗi tiết thể dục, sân trường lại rộn ràng tiếng cười của các em nhỏ đang trong quá trình hoà nhập lại với cộng đồng.
"Thỉnh thoảng có những em đột nhiên bật lên tiếng "em chào cô" là tôi lại mừng đến rơi nước mắt! Ước gì ngày nào đến trường cũng được nghe các em chào như vậy" - Ngân xúc động khi kể về những lần được học sinh chào.
Chia sẻ thêm, Ngân cho biết: Ngày hôm nay 20/11 trường sẽ tổ chức kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, sẽ không có gì quý hơn nếu ngày đó tôi và các cô giáo cùng trường được nghe một bài hát tập thể của các em học sinh.
Xuân Phú (Infonet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.