Con tôi 4 tuổi, bố chồng vẫn không cho đi học tiếng Anh

Thứ hai, ngày 13/01/2014 06:52 AM (GMT+7)
Hai thế hệ khác nhau, hai suy nghĩ khác nhau, hai phong cách sống khác nhau, chính vì điểm khác nhau ấy mà tôi và bố mẹ chồng đã có biết bao lần xung khắc quan điểm về cách dạy con, cháu. Nhưng bây giờ tôi mới vỡ lẽ nhiều điều.
Bình luận 0
Sinh ra trong một gia đình hiện đại, tôi được thừa hưởng phong cách sống rất "Tây" từ ba mẹ. Trái ngược với cách sống hiện đại ấy, gia đình nhà chồng tôi lại có nếp sống truyền thống với cách nghĩ mà tôi đã từng cho là cổ hủ. Chuyện cũng không có gì đáng nói cho tới khi tôi sinh con trai đầu lòng.

Là cháu "đích tôn" của cả dòng họ nhà chồng nên con tôi được cưng chiều và quan tâm hết mực, chính vì sự quan tâm quá nhiều ấy mà đôi lúc tôi thấy khó chịu và hậm hực khi bố mẹ chồng quá quan tâm đến cách nuôi dạy con của tôi.

Lúc cu Bi còn nhỏ tôi và bố mẹ chồng xung khắc trong chuyện đồ ăn, thức uống đã làm tôi thấy khó chịu rồi, huống chi bây giờ là chuyện giáo dục, dạy dỗ con. Tôi luôn muốn hướng con theo phong cách giáo dục hiện đại, tôi muốn con mình phải tự lập trong mọi chuyện, nhưng mỗi lần tôi dạy con theo cách của mình bố chồng tôi lại gạt phắt đi, nói tôi "quân phiệt" và quá "khắc nghiệt".

img
Ảnh minh họa.

Đôi lúc tôi chỉ muốn chuyển nhà ra ở riêng để tôi có thể uốn nắn con theo cách dạy dỗ của riêng mình, nhưng chồng tôi không chịu, anh là con một nên muốn ở cùng để chăm sóc bố mẹ. Cu Bi nhà tôi đã bốn tuổi rồi, muốn con đi học tiếng Anh để sau này nhanh hòa nhập với môi trường quốc tế. Nghĩ thế mới tốt cho con nên tôi đã đăng ký một khóa tiếng Anh trẻ em ở trung tâm cho con học.

Tôi thấy rất vui, về khoe với cả nhà thì bố chồng tôi phản đối kịch liệt, ông nói : "Cháu tôi còn nhỏ thế, tiếng Việt còn chưa sõi chị đã bắt cháu tôi đi học tiếng nước ngoài thì làm sao nó học được?. Trẻ con nó phải có tuổi thơ để vui chơi, hè này tôi cho nó về quê đi thả diều với mấy anh chị nó dưới quê, chị trả lại vé học cho người ta đi, không học hành gì hết".

Bố chồng tôi cổ hủ như thế thì ai mà chịu được, thời đại nào rồi mà ông còn muốn con tôi về quê chơi mấy trò nghịch đất, nghịch cát ấy nữa. Tôi hậm hực lắm nhưng vì muốn gia đình êm ấm nên đành chiều lòng bố chồng, không nói gì thêm.

Hè đến, nói thế nào là bố chồng tôi làm thế ấy, hai ông cháu khăn gói về quê nghỉ hè như lời ông đã nói dạo trước. Nhưng hai ông cháu vừa về được hai tuần lễ thì con tôi phải nhập viện vì cháu sốt cao. Tôi đoán chắc rằng vì bố chồng cho con tôi nghịch ngợm, dãi nắng nên thằng bé mới sốt cao như thế.

Xót con tôi bực mình, bao nhiêu mẫu thuẫn ấm ức bấy lâu lại dồn lên tôi giận dỗi nói với bố chồng tôi: "Đấy bố thấy chưa, bố cứ muốn con của con về quê để có tuổi thơ, tuổi thơ đâu chẳng thấy bây giờ lại ốm thế kia, từ giờ con của con thì con dạy, con không muốn bố can thiệp vào chuyện này".

Bố chồng tôi không nói gì, ánh mắt ông xa xăm chùng xuống. Tôi cảm giác có lỗi một chút, nhưng tôi thoải mái vì sau này được dạy con theo cách riêng của mình mà không lo có ai xen vào nữa.

Năm ngày sau cu Bi được xuất viện về nhà lại cười nói rôm rả, luôn miệng kể về chuyến đi về quê, thấy con hào hứng kể tôi lại bực mình, tôi nghiêm giọng: "Từ giờ mẹ cấm con về quê nghịch bẩn nữa, con về đi chơi chạy nắng nhiều nên con phải vào bệnh viện bị bác sĩ tiêm đấy, nếu cu Bi không muốn bác sĩ tiêm vì bị ốm thì cu Bi không được về quê đi như thế nữa."

Tối hôm đó trước khi đi ngủ cu Bi chạy sang phòng tôi thủ thỉ: "Mẹ ơi mẹ quần áo của con cái nào con mặc chật rồi mẹ đừng vứt thùng rác nhé, mẹ để lại cho con". Tôi ngạc nhiên hỏi:" Thế cu Bi muốn giữ quần áo cũ để làm gì?".

Trong một phút tôi thấy ánh mắt con sáng lên rạng rỡ: "Con để dành cho bạn Tít dưới quê mẹ ạ, bạn ấy nghèo không có quàn áo mặc đâu, bạn ấy toàn mặc quần có mấy cái lỗ cơ, với cả bây giờ con không đòi mẹ mua đồ chơi nữa đâu, mẹ tiết kiệm tiền để con cho bà cụ gần nhà bác Dũng (anh họ chồng tôi) để bà đi mua thuốc mẹ nhé! Lần nào về ông nội cũng biếu cụ thuốc đấy mẹ ạ, ông bảo con là phải biết thương người nghèo".

Tôi lặng người đi trong giây lát, mắt tôi bỗng nhòe đi, bây giờ tôi mới hiểu rằng dạy con làm người mới là cái đầu tiên quan trọng nhất chứ không phải là học ngoại ngữ hay học toán, học vần. Cu Bi ngước lên nhìn tôi và hỏi:" Mẹ ơi sao mẹ lại khóc". Nhìn con tôi thấy có lỗi với bố chồng vô cùng, bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của ông: "Trẻ con như tờ giấy trắng, con phải dạy cháu cách làm người trước khi dạy con của con trở thành một nhà bác học".

Câu chuyện xảy ra đã lâu nhưng vẫn nguyên vẹn trong tâm trí tôi tới tận bây giờ. Tôi đang dự định Tết này sẽ để hai ông cháu về quê mấy ngày với nhau, có lẽ bố chồng tôi sẽ dạy cu Bi thêm được rất nhiều bài học.
N.A (Hà Nội) (N.A (Hà Nội))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem