Giúp dân vơi bớt cơ cựcTrước dịp Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1 tuần, đó là vào ngày 1.5.1999, đoàn cán bộ của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam do Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Hoàng Diệu Tuyết dẫn đầu đã đến thăm, chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi nhớ, tại buổi tiếp đoàn, Đại tướng đã nói, kể rất nhiều về những đóng góp của nông dân trong 2 cuộc kháng chiến.
Đại ý Đại tướng nói rằng: Nếu không có những người nông dân góp gạo, vận chuyển lương thực, lo thuốc men, rồi những người lính khoác áo nông dân, tham gia lực lượng thanh niên xung phong... thì chúng ta rất khó để tạo nên cơn địa chấn mang tên Điện Biên Phủ. Các lực lượng nông dân đông đảo, từ miền xuôi đến miền ngược, từ vùng tự do đến vùng địch chiếm đóng đã góp phần làm nên kỳ tích phi thường đó...
Chúng tôi nhớ, nếu không có sự nhắc khéo của đại tá Nguyễn Huyên - trợ lý của Đại tướng thì câu chuyện của ông về người nông dân không biết còn kéo dài đến bao lâu. Kết thúc buổi tiếp đoàn, Tổng Biên tập Báo NTNN lúc đó là Võ Mai Nhung đã mời Đại tướng viết bài cho báo về những cống hiến to lớn của giai cấp nông dân với chiến thắng lẫy lừng của dân tộc. Mặc dù lúc đó Đại tướng đã gật đầu đồng ý nhưng chúng tôi nghĩ ông sẽ khó thực hiện được, bởi xung quanh ông còn trăm công ngàn việc phải cần giải quyết...
Một tuần sau, tòa soạn Báo NTNN nhận được một cuộc điện thoại từ Văn phòng Đại tướng, đề nghị cho người đến lấy bài viết của Đại tướng. Chúng tôi chạy vội qua số nhà 30 Hoàng Diệu và rất bất ngờ khi chính Đại tướng chứ không phải ai khác đang ngồi ở phòng khách để đưa bản thảo bài viết cho báo.
Đại tướng ngồi đó, vẫn cái dáng uy nghi, vẫn sự niềm nở thường ngày. Phía sau ông là chiếc sa bàn lớn về trận địa Điện Biên Phủ năm xưa. Ông mời chúng tôi uống nước, rồi hỏi thăm đời sống của người làm báo, hỏi về gia đình, hỏi điều kiện tác nghiệp của chúng tôi...
Đưa bản thảo bài viết của mình, Đại tướng còn căn dặn chúng tôi: “Đóng góp của người nông dân Việt Nam vào 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ xâm lược là không có gì có thể kể hết. Nhưng hiện nay nông dân mình còn quá khổ, quá nhiều thiệt thòi. Do thế, những người làm báo NTNN phải dùng ngòi bút, bài viết của mình để làm sao góp phần giúp họ bớt đi những cơ cực”.
Công lớn của nông dânĐại tướng đã ra đi đến cõi vĩnh hằng. Nhớ về Người, Báo NTNN xin trân trọng đăng lại bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được đăng trên báo NTNN vào tháng 5.1999.
Bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được đăng trên báo NTNN vào tháng 5.1999.
“Nước ta là một nước nông nghiệp, hiện nông dân chiếm 80% dân số, thời chống Pháp có thể lên đến 90% hay hơn nữa. Do vậy, tuyệt đại đa số lực lượng lên đường ra trận đều là nông dân. Bộ đội phần lớn gồm thanh niên con cháu của nông dân, đặc biệt là lực lượng thanh niên xung phong vào dân công hỏa tuyến thì tuyệt đại đa số là nông dân.
"Các lực lượng nông dân đông đảo, từ miền xuôi đến miền ngược... đã làm nên một kỳ tích phi thường, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, ở Điện Biên Phủ và ở cả trên các chiến trường của cả nước." Đại tướng Võ Nguyên Giáp
|
Nếu khó khăn lớn thứ nhất của ta ở Điện Biên Phủ là vấn đề tác chiến: Làm thế nào tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch ở Đông Dương, các tướng tá và chính khách cấp cao của địch đều cho là bất khả xâm phạm, thì khó khăn lớn thứ hai mà địch cho là ta không thể nào giải quyết được là vấn đề bảo đảm hậu cần tiếp tế cho một đạo quân lớn ở xa hậu phương từ 500 đến 800 cây số, lại chiến đấu trong một thời gian dài.
Chính tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, với khí thế cách mạng được nâng cao do phong trào cải cách ruộng đất, các lực lượng nông dân đông đảo, từ miền xuôi đến miền ngược, từ vùng tự do đến cả những anh chị em từ vùng địch hậu ra, đã làm nên một kỳ tích phi thường, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, ở Điện Biên Phủ và ở cả trên các chiến trường của cả nước.
Chúng ta mong và tin rằng giai cấp nông dân Việt Nam ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục phát huy sức mạnh to lớn của mười triệu hộ nông dân, ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất gắn với quan hệ sản xuất thích hợp, sát cánh với giai cấp công nhân, thực hiện thắng lợi với công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn và nông nghiệp.
Nói nông nghiệp ở đây là theo nghĩa rộng: Nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp, từ miền xuôi rộng lớn cho đến miền ngược xa xôi, miền ven biển và vùng lãnh hải của nước ta. Chiến thắng bằng được nghèo nàn và lạc hậu, mang lại cuộc sống ngày càng cao về vật chất và văn hóa. Làm được như vậy, giai cấp nông dân sẽ góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng đề ra, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu: Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh, tiến nhanh và vững, sánh vai cùng các nước tiên tiến trong thiên niên kỷ thứ ba...”.
NTNN (NTNN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.