Ngày 23.4.2014 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp bàn về chương trình xây dựng luật. Hiến pháp sửa đổi đã được thông qua, phải sửa hay làm mới hàng loạt luật để thi hành hiến pháp.
Thế nhưng những dự luật này vẫn không được đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2015, như luật về hội, luật về quyền tiếp cận thông tin, Luật Biểu tình, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước... Đến mức ông Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phải than phiền: “Quyền của dân mà lúc nào cũng kêu “tế nhị”, không thấy Chính phủ nêu rõ lý do hay đốc thúc gì cả”.
Có thể thấy, toát ra từ phiên họp này là căn bệnh kinh niên, của việc làm luật ở Việt Nam. Cơ quan làm luật chưa chuyên nghiệp, thiếu thời gian, hạ tầng và năng lực để làm luật. Luật ban hành không kịp nhu cầu, chất lượng không đảm bảo và không được thực thi nghiêm minh. Chính phủ thì chỉ đưa ra những dự luật cần cho sự quản lý của mình.
Chúng ta luôn nói Nhà nước này là của dân. Thế thì chẳng có lý do gì người dân lại không tích cực tham gia vào việc làm luật, thúc đẩy việc thi hành luật một cách nghiêm minh. Bất cứ sự cản trở nào đều không thể chấp nhận được.
Đáng tiếc vai trò làm chủ đích thực của người dân quá mờ nhạt trong Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Cá nhân có thể tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (Điều 4) và phát biểu ý kiến tại các cuộc thảo luận. Không có quy định nào về thủ tục buộc cơ quan nhà nước xem xét các đề xuất của cá nhân, tổ chức, tuy “công dân có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật” (khoản 1 Điều 93).
Điều 23 liên quan đến đề nghị, kiến nghị về luật dẫn chiếu đến Điều 87 của Hiến pháp 1992 (Điều 84 của Hiến pháp), theo đó, “Chủ tịch nước…, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và cơ quan T.Ư của các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật trước Quốc hội…”; “ĐBQH có quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh và dự án luật, dự án pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.
Các tổ chức khác và người dân nói chung không được nhắc tới. Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa rằng người dân, cá nhân và tổ chức khác không được đưa ra các kiến nghị, thậm chí dự thảo luật để các cơ quan hữu quan tham khảo, xem xét. Vì theo Điều 28 của Hiến pháp sửa đổi 2013, “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước...”.
Chính vì thế người dân nên phát huy vai trò làm chủ của mình. Hãy mạnh dạn đề xuất những kiến nghị về luật, thậm chí đưa ra dự thảo luật và đề nghị Quốc hội đưa ra các thủ tục buộc các cơ quan hữu quan phải xem xét, trả lời những kiến nghị đó. Làm thế may ra chúng ta mới có cơ chữa được căn bệnh kinh niên nêu trên.
Nguyễn Quang A (Nguyễn Quang A)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.