Nhiều người lo ngại, với đà này, vài năm nữa di tích chỉ còn trong ký ức.
Địa đạo gò Thì Thùng được công nhận là di tích lịch sử, văn hoá quốc gia 2 năm trước. Trong di tích này có những trảng rừng sim nằm xen với bạch đàn và keo lá tràm được trồng theo Dự án PAM, tạo thành một vạt rừng quanh năm xanh tốt.
|
Địa đạo bị lấp trồng sắn. |
Bên dưới những trảng sim và rừng keo này là những đường giao thông hào, hầm địa đạo chạy dọc, ngang cùng những miệng hầm còn tương đối nguyên vẹn. Theo hồ sơ di tích, địa đạo gò Thì Thùng sâu trung bình 5m, dài gần 2km, xung quanh địa đạo là nhiều lớp chiến hào dài khoảng 10km.
Từ đầu năm 2011 đến nay, những vạt rừng này đã nhường chỗ cho những rẫy sắn. Giao thông hào giờ chỉ còn là những hõm đất cạn sau khi bị máy cày lấp đến hai phần. Miệng hầm địa đạo xập xệ, cây cối um tùm che kín cả miệng hầm. Bên cạnh những rẫy sắn đã lên xanh, những vạt rừng khác đang tiếp tục bị chặt phá để cày xới.
Khu di tích địa đạo gò Thì Thùng mặc dù được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, nhưng đến nay chưa có một bản đồ quy hoạch khu di tích.
Ông Đặng Thanh Sơn - Chủ tịch UBND xã An Xuân, cho biết: “Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do gần đây, giá sắn tăng cao, người dân ồ ạt phát triển diện tích sắn. Phần lớn diện tích di tích nằm chồng với diện tích rừng đã được giao cho dân trồng rừng theo Dự án PAM nên địa phương cũng gặp khó khăn trong công tác quản lý”.
Ông Sơn cũng thừa nhận, việc dân chặt phá rừng để trồng sắn là sai với mục đích giao đất. UBND xã đã mời các hộ dân về xã phạt hành chính và làm cam kết, sau vụ sắn phải trồng lại rừng, chậm nhất là tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, trồng loại cây nào, trồng như thế nào, diện tích bao nhiêu để vừa đảm bảo đời sống của người dân, vừa đảm bảo cho việc bảo tồn di tích còn phải trông chờ vào ý kiến của cấp trên.
Lê Biết
Vui lòng nhập nội dung bình luận.