1994: Khủng hoảng Tequila, Mexico
Tháng 12.1994, sau khi Mỹ nâng lãi suất, đồng peso của Mexico nhanh chóng giảm giá, thổi bùng dòng thoái vốn tại khắp Mỹ Latin. Peso "bốc hơi" 53% so với USD chỉ trong vòng 3 tháng, kéo theo suy thoái vào năm 1995, khiến GDP Mexico tuột 6,2%. Đây được xem là một trong những cuộc khủng hoảng tiền tệ tồi tệ nhất kể từ thập niên 30.
1997: Khủng hoảng baht, Thái Lan
Baht Thái lao dốc 48% chỉ trong 6 tháng cuối năm 1997, sau khi Ngân hàng Trung ương Thái Lan phá giá đồng nội tệ, nhằm vực dậy nền kinh tế đang suy yếu trầm trọng. Đây được coi là một trong những đợt thay đổi chính sách tiền tệ lớn nhất tại châu Á, tính từ thời điểm Thái Lan phá giá baht năm 1984.
1998: Khủng hoảng yen, Nhật Bản
Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, có thời điểm yen Nhật tăng 7,2% chỉ trong một phiên giao dịch. Đây là kết quả của việc các các quỹ phòng hộ ồ ạt thanh toán các khoản vay dưới dạng yen, để đổ tiền vào các đồng tiền sinh lãi cao hơn như baht Thái và rúp Nga. Trong cả tuần, yen tăng tổng cộng 16%.
2001: Khủng hoảng lira, Thổ Nhĩ Kỳ
Cuộc xung đột chính trị giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Necdet Sezer và Thủ tướng Bulent Ecevit khiến các nhà đầu tư đổ xô thoái vốn khỏi nước này. Tình trạng này đẩy nợ công tăng mạnh, xô hơn 20 ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ xuống bờ vực phá sản. Đồng lira mất giá 54% trong cả năm 2001, lạm phát nhảy vọt chạm 69% tính đến tháng 12.2001.
2002: Khủng hoảng peso, Argentina
Argentina bắt đầu quay cuồng vì nợ vào năm 1999, khi mức neo tỷ giá 1 peso đổi 1 USD bóp nghẹt các công ty xuất khẩu. Chưa hết, Brazil, bạn hàng thương mại lớn nhất của Argentina, phá giá đồng real.
Tổng thống tạm quyền Argentina, ông Adolfo Rodriguez Saad đã phải tuyên bố vỡ nợ 95 tỷ USD vào tháng 12.2001. Vài tuần sau đó, Ngân hàng Trung ương Argentina bỏ trần tỷ giá, kéo peso giảm 74% tính đến tháng 6/2002.
2014: Khủng hoảng rúp, Nga
Rúp tuột giá 34% chỉ trong 3 tuần tính đến giữa tháng 12.2014, một phần do dầu mất giá và các đòn trừng phạt từ phương Tây đẩy Nga vào suy thoái. Ngân hàng Trung ương buộc phải trích 95 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối và 5 lần nâng lãi suất để cứu nội tệ. Mặc dù các biện pháp này đã hạn chế độ rối loạn, đồng rúp vẫn tiệm cận mức đáy kể từ ngày 16.12.
2015: Bỏ trần tỷ giá franc, Thụy Sỹ
Không hề báo trước, ngày 15/1, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ bất ngờ bỏ neo tỷ giá 1,2 franc đổi 1 euro duy trì suốt 3 năm qua. Động thái này đẩy franc tăng giá kỷ lục 41% trong ngày 15/1, đánh dấu phiên tăng giá mạnh nhất trong lịch sử tiền tệ kể từ năm vụ sụp đổ Bretton Woods vào năm 1971. Thị trường chứng khoán Thụy Sỹ với đa số các công ty niêm yết của các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này đã rơi tự do.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.