Độc đáo: Tỉnh Hà Nam đứng ra “bảo lãnh” vốn vay cho nông dân

Thanh Xuân Thứ sáu, ngày 04/08/2017 06:05 AM (GMT+7)
Trong khi rất nhiều các ngân hàng ở địa phương trên cả nước đang “loay hoay” với việc chờ đợi giấy chứng nhận tài sản trên đất theo quy định tại Thông tư 09 mới có đủ cơ sở cho nông dân vay thì lãnh đạo các cấp chính quyền ở tỉnh Hà Nam lại đứng ra bảo lãnh cho nông dân nên tín dụng đã được thông suốt hơn.
Bình luận 0

Quan trọng nhất vẫn là hiệu quả kinh tế

Khu trang trại hơn 1ha của anh Trần Ngọc Hiếu (sinh năm 1982 ở xóm 3, thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân (Hà Nam) vào những ngày đầu tháng 8 được phủ lên một màu xanh bạt ngàn của chanh, cam đường canh, ổi, thanh long…

“Khoảng 6 tháng trở lại đây, Tập đoàn Vingroup đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho tôi với giá các mặt hàng trái cây rất cao nên tôi đã yên tâm, không còn phải lo đầu ra cho nông sản. Trung bình mỗi năm, từ trồng trọt tại trang trại cũng cho gia đình tôi thu nhập khoảng 500 triệu đồng” - anh Hiếu nói.

Từng là lái xe đường dài, anh Hiếu nhiều lần đi qua Đà Lạt và thấy các mô hình trồng trọt rất hiệu quả nên đã về quê quyết định đầu tư thuê đất làm trang trại cây ăn quả. “Thời gian đầu, tôi chưa có kinh nghiệm nên thất bại nhiều, từ đó, tiếp cận tín dụng cũng gặp khó khăn nhưng đến nay với thu nhập ổn định, tôi đã vay được Ngân hàng Agribank Hà Nam 300 triệu đồng”- anh Hiếu cho biết.

img

 Gia đình ông Nguyễn Văn Can, ở thôn Hoàn Dương xã Mộc Bắc huyện Duy Tiên (Hà Nam) vay tín chấp theo Nghị định 55 được tới gần 2 tỷ đồng.ảnh: Thanh Xuân

Khác với mô hình trồng trọt của anh Hiếu, gia đình ông Nguyễn Văn Can, 61 tuổi ở thôn Hoàn Dương xã Mộc Bắc huyện Duy Tiên (Hà Nam) lại đang rất thành công với trang trại chăn nuôi bò sữa. Ông Can cho biết, năm 2015, ông và 2 người con trai đã bỏ toàn bộ số vốn tích góp được sau nhiều năm kinh doanh vật liệu xây dựng để đầu tư vào nuôi bò sữa.

Có diện tích 8,6ha, hiện trang trại của ông Can đã đầu tư vào chuồng trại và mua bò giống với tổng mức đầu tư lên tới 8,6 tỷ đồng. “Gần 100 con bò sữa, sản lượng trung bình khoảng 8 tạ/ngày, bán với giá thu mua của Vinamilk 12- 14.000 đồng/kg, mỗi tháng trang trại cũng cho gia đình tôi thu nhập khoảng 80 triệu đồng” - ông Can cho biết.

Theo ông Can, trang trại của ông cũng nhờ có chính quyền địa phương “bảo lãnh” nên ngân hàng đã cho vay 1,8 tỷ theo hình thức tín chấp và 1,5 tỷ đồng là vay bằng thế chấp tài sản để đầu tư vào mua nuôi bò sữa. “Gia đình tôi hiện mới chỉ vay ở một ngân hàng, cũng chưa thử tiếp cận các ngân hàng khác nhưng tôi tin, khi làm ăn hiệu quả thì chắc chắn sẽ có nhiều ngân hàng tự tìm đến chúng tôi để đặt vấn đề cho vay”- ông Can khẳng định.

Cần cái “bắt tay” giữa chính quyền và ngân hàng

Vai trò của chính quyền rất quan trọng trong quan hệ 4 bên, (ngân hàng – nhà nước – doanh nghiệp, nông dân), vừa đảm bảo vốn vay ngân hàng, vừa hỗ trợ và kiểm soát sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm và vừa hỗ trợ nông dân kết nối bao tiêu sản phẩm…

Ông Hoàn Đức  Cảnh – Bí thư Đảng ủy xã Mộc Bắc huyện Duy Tiên (Hà Nam) cho biết: Từ năm 2012, tỉnh có đề án phát triển chăn nuôi bò sữa, đến nay trên địa bàn xã đã có 70 hộ chăn nuôi bò sữa với 1.075 con bò. Năm 2016, UBND xã đã làm thủ tục cấp sổ cho 7 hộ kinh tế trang trại để có đủ điều kiện thế chấp vay vốn ngân hàng.

“Đối với chăn nuôi bò, điều kiện phải có ít nhất 10 con bò trở lên với diện tích trung bình 200- 240m2/con bò thì đủ điều kiện cấp sổ đỏ trang trại” - ông Cảnh nói.

Ông Trần Hồng Quang – Chủ tịch UBND xã Mộc Bắc cũng cho biết, hiện dư nợ cho vay chăn nuôi bò sữa trên địa bàn xã là khoảng 22 tỷ đồng. Trước đây, cán bộ xã phải vào tận nhà thu tiền lãi giúp ngân hàng nhưng đến nay thì người dân cứ đến hạn là chủ động mang tiền tới xã nộp để trả lãi và gốc đúng kỳ hạn cho ngân hàng.

Theo ông Trần Sỹ Thiên – Giám đốc Agribank huyện Lý Nhân (Hà Nam), tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng huyện hiện ở mức 0,44% trên tổng dư nợ gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp trên địa bàn huyện chiếm tới 98,5% trên tổng dự nợ. “Từ đầu năm 2017, cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp gặp khó khăn do chăn nuôi lợn bị khủng hoảng về cung cầu và giá bán. Chúng tôi cũng hy vọng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi lợn”.

Ông Đào Quang Xạ - Giám đốc Agribank tỉnh Hà Nam cho biết: “Hà Nam có sự khác biệt là ngay từ thời Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng còn làm lãnh đạo ở tỉnh đã đứng ra tuyên bố bảo đảm cho nông dân vay vốn. Từ đó, từ Đảng ủy, Chính quyền các địa phương trong tỉnh đã vào cuộc tích cực, tạo điều kiện cho Agribank giải ngân thuận lợi tới nông dân”.

Theo ông Xạ, khác với các địa phương khác, khi chính quyền đã đứng ra bảo lãnh cho nông dân thì các khoản vay vốn sẽ thông suốt hơn, không còn gặp khó khăn về các thủ tục hành chính như các địa phương khác.

Nói về “thủ phủ” của chăn nuôi lợn ở miền Bắc vừa trải qua cơn “địa chấn”, ông Đào Quang Xạ cũng chia sẻ: “Chúng tôi rất thương tâm, có nơi lợn nái đẻ ra cho không cũng không có ai nuôi, nhiều hộ đành vứt ra vườn, ruộng, cho cá ăn… Tỉnh cũng mở nhiều hội nghị để giải cứu cho chăn nuôi, chúng tôi đề nghị, nếu thiệt hại lớn thì tỉnh hỗ trợ cho người dân nhưng đến nay chỉ có Agribank hỗ trợ bằng chính tài chính của các chi nhánh, tỉnh, huyện. Như hạ lãi suất, động viên bán lợn thu gốc và thu lãi sau. Hộ nông dân nào cần tái đàn, cần vốn để chăm sóc lợn thì chúng tôi cũng chỉ đạo tiếp tục tạo điều kiện cho người dân vay tiếp”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem