Đọc sách cùng bạn: Làm sao sống sót

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 22/03/2022 19:07 PM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi đưa đến bạn cuốn truyện "Tiền từ Hitler" của nhà văn Czech Radka Denemarková qua bản dịch của Hau Phamová từ nguyên tác.
Bình luận 0
Đọc sách: Làm sao sống sót - Ảnh 1.

Cuốn tiểu thuyết gồm sáu chương, được gọi là những "sự trở về", bọc trong đoạn mở đầu và đoạn kết thúc. Denemarková tập hợp hai chuỗi sự kiện có tác động tiêu cực đến nhân vật chính Gita Lauschmannová. Cô đã sống sót sau thảm họa Holocaust, nhưng không còn được chấp nhận ở ngôi nhà cũ của cô ở ngôi làng Puklice tại Czech, nơi cô trở lại lần đầu trong "Mùa hè năm 1945" năm 16 tuổi. Không chỉ vậy, Gita, con gái của một chủ đất người Do Thái nói tiếng Đức, đã mất cha mẹ và em gái trong Holocaust, còn người anh trai không biết còn sống hay không. Là người Do Thái - mặc dù là người Do Thái đã được "đồng hóa", tức coi như người Đức - gia đình cô vẫn bị bắt vào trại tập trung của Đức Quốc xã. Khi cô về lại nhà thì các cư dân Czech đã chiếm đoạt đất đai nhà cửa của gia đình cô và chia chác cho nhau. Họ đối xử với Gita một cách thù hận như đứa con của kẻ thù cũ và không ngại ngần hành hạ ngược đãi cô để loại bỏ cô. Cuối cùng, cô đã tìm cách trốn thoát khi bị lùa đến một trại thu gom, từ đó đến được với người dì họ Ottla của mình ở Praha. Người giúp cô ra khỏi làng là một phụ nữ trẻ mang thai mà lúc đó cô không biết là ai.

TIỀN TỪ HITLER

Tác giả: Radka Denemarková (Czech)

Dịch giả: Hau Phamová

Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, 2021

Số trang: 395 (khổ 13,5x20,5cm)

Số lượng: 1500

Giá bán: 148.000đ

Lần trở lại làng thứ hai của Gita Lauschmannová là "Mùa hè 2005", khi này nhân vật đã là một bác sĩ 76 tuổi nghỉ hưu. Trong khoảng thời gian sáu mươi năm ấy, chính phủ Czech đã phục hồi cho cha mẹ của bà. Với mong muốn tìm kiếm sự hòa giải, bà dự định xây dựng một bảo tàng và một tượng đài cho cha mình. Với dự định đó trong đầu bà đã quay trở lại Puklice cùng cô cháu gái Barbora và một luật sư. Nhưng ở đó, những định kiến và những lời bóng gió sai trái vẫn còn sống, và bà phải đối mặt với mối hận cũ. Người làng từ chối hòa giải; mọi nỗ lực tìm một giải pháp xoá bỏ hận thù đều vô ích.

Nhưng một hy vọng nào đó dường như nảy mầm, khi Denis, con trai của người phụ nữ đã từng liều mình giúp Gita trốn thoát, xuất hiện. Trong suốt bốn chương tiếp theo ("sự trở về" 3 – 6), anh càng ngày càng hiểu được sự bất công đáng kinh ngạc xảy đến với Lauschmannová. Hai người thành bạn của nhau và Denis ủng hộ cuộc chiến vì công lý của bà. Bà vẫn bị những hồi tưởng khủng khiếp nhớ lại sự đau khổ của mình. Giữa lúc đang cố gắng chống chọi với dòng thác của những ký ức đau buồn và hoàn cảnh vẫn còn bất hạnh ở Puklice bằng cách viết lại ký ức của mình thì Gita đột nhiên qua đời. Denis và Barbora tổ chức chôn cất cô ở Praha. 

Trong phần kết, mẹ của Denis qua đời vì nhồi máu cơ tim. Chỉ mình anh còn lại với bản thảo của Lauschmannová và di sản khó giải quyết của bà. "Định mệnh sẽ không cho ông thời gian để kể cho ai cái điều khiến cho ông cảm thấy nặng nề nhất và làm cho ông không chỉ mất ngủ mà còn mất cả niềm vui sống trong những năm cuối đời. Ông đã ngẫm nghĩ tự hỏi, tại sao chúng ta không được biết cái điều chính yếu về cuộc sống của con người." (tr. 395)

Cuốn tiểu thuyết của Denemarková là một bi kịch bằng văn xuôi. Cuối cùng, cuộc xung đột vẫn còn gay gắt sau cái chết của nhân vật chính, và "sự thanh lọc vẫn còn treo đó, để lại cho tương lai." Đó là câu chuyện về sự hành hạ và xua đuổi, đồng thời nó nói lên sự vô ích của cuộc đấu tranh đòi công lý. Đối với Gita, sống không còn là câu hỏi đúng hay sai, mà vấn đề là làm sao để sống sót. Cuốn truyện nhờ thế vượt lên một truyện kể về chiến tranh để bắt người đọc phải đối diện với câu hỏi về sự phi lý của cuộc đời. Năm 2012 nó đã được trao "Giải thưởng Sách Georg Dehio" do Diễn đàn Văn hóa Đông Âu của Đức trao tặng cho các nhà văn, những người trong suốt các tác phẩm của họ đã nghiên cứu kỹ lưỡng về di sản và truyền thống văn hóa chung ở mỗi khu vực Đông Âu từng là nơi sinh sống của người Đức trong suốt lịch sử, và do đó góp phần cho sự hiểu biết lẫn nhau và sự đối thoại liên văn hóa.

Nhà văn Radka Denemarková sinh năm 1968, lấy bằng tiến sĩ ngôn ngữ năm 1997. Bà là nhà văn Czech duy nhất ba lần nhận giải thưởng Magnesia Litera ở cả ba hạng mục – tác phẩm văn xuôi, tác phẩm hư cấu, tác phẩm dịch thuật. Dịch giả Hau Phamová cũng sinh năm 1968 tại Hải Phòng, học tiếng Czech tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, hiện sống ở Czech.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!

Hà Nội 22/3/2022.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem