Một thuở đau thương
Ông Lê Hữu Hai- Trưởng thôn Hiền Lương (xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị ) vừa dẫn tôi tản bộ qua cây cầu Hiền Lương lịch sử bắc qua sông Bến Hải vừa hát "Bên ven bờ Hiền Lương". Ông bảo, giọng tui dở lắm, tui hát chỉ để thấy được giá trị của độc lập, thống nhất đất nước thôi.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/2-2012/images/2012-04-28/1434695444-102_4_cuoc-song-thanh-binh.jpg) |
Cuộc sống thanh bình, hiền hòa ở Vĩnh Thành, Vĩnh Linh (Quảng Trị). |
Năm 1970, mới tròn 16 tuổi, nhưng ông Hai đã tham gia dân quân du kích, làm nhiệm vụ tải đạn phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Gắn bó với dòng sông Bến Hải và cây cầu Hiền Lương mỗi ngày nên hầu như chuyện gì từng xảy ra ở hai bên bờ sông này ông đều am tường. Ông kể, từ khi giặc Mỹ phóng hỏa đốt làng Xuân Hòa (xã Trung Hải, huyện Gio Linh), nằm bên bờ nam sông Bến Hải, để thực hiện dồn dân lập ấp, có khoảng 250 người dân làng này vượt sông qua trú ngụ ở làng Hiền Lương. Họ được người dân Hiền Lương đùm bọc, sẻ chia cơm áo để đồng lòng hướng về cách mạng.
Trong cuộc dồn dân của địch, có khoảng 60% người dân làng Xuân Hòa bị lùa vào địa phận huyện Cam Lộ và những địa phương khác ở phía nam sông Bến Hải. Rồi Xuân Hòa bị giặc tổ chức thành một ấp riêng, do bộ máy của chúng cai quản. Thanh niên trong ấp cứ đủ 18 tuổi là bị bắt đi lính, nên số người thuộc diện này khá đông. Bị giặc ép buộc nên những người này phải đứng về bên kia chiến tuyến, cầm súng chống lại cách mạng.
Dưới sự sai khiến của giặc Mỹ, rất nhiều năm, họ nã súng vào đồng bào mình. Họng súng của họ đã khiến rất nhiều đồng bào đổ máu, hàng loạt nhà cửa bị phá hủy… "Ở thời điểm đó, không có gì lạ khi những người quyết hy sinh xương máu và tuổi thanh xuân của mình cho sự đoàn tụ của hai bên bờ Hiền Lương coi họ là "ác ôn". Sự thù hận lúc này là lẽ thường tình"- ông Hai kể, giọng trầm buồn.
Quên đi những thù hận
Ngày 27.1.1973, những người dân làng Xuân Hòa qua thôn Hiền Lương góp sức cho kháng chiến chính thức trở về thôn xây dựng cuộc sống mới. Lúc này, một số người từng ở bên kia chiến tuyến cũng dần trở về thôn làm những người dân bình thường. Những kỷ niệm đau thương dần được giấu sâu trong ký ức. Những người từng phải hy sinh xương máu và chịu nỗi đau chia lìa trở lại một cuộc sống bình thản và cởi mở, nên những người từng ở thế đối kháng với họ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng, với cuộc sống mới. Những câu chuyện đau thương và hận thù được nhắc đến ngày càng ít dần.
"Đó là chuyện của quá khứ lịch sử, là điều không ai mong muốn"- ông Trần Văn Tâm- Trưởng thôn Xuân Hòa, bộc bạch khi được nhắc lại chuyện cũ. Ông Tâm bảo rằng, người dân trong thôn không còn quan trọng quá khứ thế nào, mà chỉ quan tâm cuộc sống hiện tại. Sự cởi mở, độ lượng đó là một chất keo giúp tình nghĩa hàng xóm ngày càng gắn kết bền chặt. Không chỉ giữa những người trong cộng đồng thôn từng đứng ở hai chiến tuyến khác nhau gắn kết, mà mối quan hệ giữa hai thôn Xuân Hòa và Hiền Lương cũng ngày càng khăng khít.
Từ năm 2002, hai thôn Xuân Hòa và Hiền Lương đã tổ chức kết nghĩa. Từ đó đến nay, mỗi khi thôn nào có việc lớn đều có sự tham dự và giúp sức của thôn kia. Hai thôn cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao để tăng thêm tình đoàn kết. Các cuộc thi đấu bóng chuyền, hội thi "Tiếng hát đôi bờ" ca ngợi quê hương đất nước được tổ chức đều đặn, thu hút đông đảo người dân hai thôn tham gia. Trong những cuộc vui ấy, họ hòa đồng, không ai còn nhớ quá khứ của ai như thế nào.
"Sự cởi mở, bỏ qua chuyện cũ của người dân hai bờ sông với những người từng ở bên kia chiến tuyến là nét đẹp rất đáng được tôn vinh. Tình người, tình quê hương đã gắn kết họ lại với nhau, xây dựng cuộc sống mới "- ông Lê Minh Dục- Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành, tâm sự. Ông Dục đưa ra một ví dụ sinh động về tình cảm gắn kết giữa người dân hai thôn Hiền Lương và Xuân Hòa, đó là việc thanh niên nam nữ hai thôn này kết hôn với nhau ngày càng nhiều. "Đến nay đã có trên chục cặp nam nữ hai bên lấy nhau làm vợ làm chồng, vui lắm"- ông Dục phấn khởi.
Chung sức xây dựng quê hương
Ông Trần Văn Tâm dẫn dẫn tôi dạo quanh thôn Xuân Hòa. Từ đầu đến cuối thôn là những ngôi nhà kiên cố, khang trang được tô điểm những màu sơn bắt mắt, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa. Hiện toàn thôn Xuân Hòa có tổng cộng 246 hộ dân với 1.800 khẩu, trong đó, hơn 70% số hộ thuộc diện giàu và khá, chỉ còn 26 hộ nghèo. "Thôn thay da đổi thịt từng ngày, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Từ chỗ hoang tàn sau chiến tranh, có được như ngày hôm nay là một kỳ tích"- ông Tâm phấn khởi.
Trong câu chuyện làm ăn của người dân trong thôn, ông Tâm kể cho tôi hàng loạt tấm gương điển hình về sản xuất kinh doanh. Họ gồm cả những người từng ở bên này hay bên kia chiến tuyến. Là sĩ quan của chế độ cũ, sau ngày đất nước thống nhất, ông Nguyễn Văn Huệ không bỏ quê vào Nam như một số người khác mà ở lại xây dựng quê hương. Nhiều năm qua, gia đình ông đã trở thành một trong những hộ giàu trong thôn. 4 người con trai của ông cũng là những người làm kinh tế giỏi của địa phương, được người dân nể phục. Đặc biệt, nhờ làm kinh tế giỏi và sống mẫu mực, uy tín, nên nhiều năm qua ông Huệ được bầu làm Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Xuân Hòa. "Thấy các hộ gia đình làm ăn ngày càng khấm khá, tui sướng cái bụng lắm"- ông Huệ chia sẻ.
“Sự cởi mở, bỏ qua chuyện cũ của người dân với những người ở bên kia chiến tuyến là nét đẹp rất đáng được tôn vinh. Tình người, tình quê hương đã gắn kết với nhau, xây dựng cuộc sống mới”.
Ông Lê Minh Dục - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành
Ngôi nhà khang trang của gia đình ông Nguyễn Văn Mưu nằm gần tuyến đường chính thôn Xuân Hòa. Là cảnh sát của chế độ cũ, khi hai bờ Bến Hải nối liền, ông Mưu trở về làng làm một người nông dân. Sự quan tâm giúp đỡ của bà con lối xóm và những chính sách ưu việt của nhà nước đã giúp gia đình ông nhanh chóng vươn lên thoát nghèo. Đến nay, ngoài có đời sống khá giả, gia đình ông còn nuôi con cái ăn học thành đạt, trong đó có người con đã có học vị thạc sĩ. “Tất cả những người từng ở bên kia chiến tuyến hiện nay đều có đời sống kinh tế khá giả. Họ rất nhiệt tình tham gia các hoạt động của thôn, xã và thường xuyên giúp đỡ bà con lối xóm vươn lên thoát nghèo”- ông Trần Văn Tâm kể.
Trưởng thôn Hiền Lương Lê Hữu Hai cho biết hiện toàn thôn chỉ còn 11 hộ nghèo trong tổng số 160 hộ dân. "Việc phát triển kinh tế theo hướng nông, ngư và dịch vụ đã giúp bà con có điều kiện làm giàu"- ông Hai nói. Ông Lê Công Đường (79 tuổi), một trong số ít lão thành cách mạng còn sống ở thôn, nói rằng có nằm mơ ông cũng không ngờ được quê hương lại đổi thay nhanh đến vậy. Ông Đường bảo, có được kỳ tích như ngày hôm nay là nhờ sự nỗ lực hết mình của mỗi người dân.
An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.