Động chạm vào di tích cần người có chuyên môn

Chủ nhật, ngày 03/04/2022 15:34 PM (GMT+7)
Hàng loạt các vụ việc xâm hại đến tính toàn vẹn của di tích thời gian qua gây nhức nhối và bức xúc trong dư luận. Đây là vấn đề đã được đưa ra bàn luận rất nhiều lần nhưng vẫn chưa có được sự quan tâm xứng đáng.
Bình luận 0

Hàng loạt các vụ việc xâm hại đến tính toàn vẹn của di tích thời gian qua gây nhức nhối và bức xúc trong dư luận. Đây là vấn đề đã được đưa ra bàn luận rất nhiều lần nhưng vẫn chưa có được sự quan tâm xứng đáng, đặc biệt, lại diễn ra với những tổ chức, cá nhân gần gũi nhất với di sản. Các ý kiến chuyên gia cho rằng, cần có những cơ chế mạnh mẽ hơn để bảo tồn những giá trị văn hoá này, trên tinh thần, muốn động chạm tới di tích cần những người có hiểu biết, chuyên môn thực sự.

Động chạm vào di tích cần người có chuyên môn - Ảnh 1.

Giếng cổ tại khu di tích đền thờ Lê Văn Hưu (Thanh Hóa) bị phá đi làm lại. Ảnh: Q.D

Ngô nghê xâm hại di tích 

Đình cổ Tự Đông (phường Cẩm Thượng, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương) - một di tích lịch sử cấp quốc gia mới đây bị các thanh niên ở địa phương phủ sơn, vẽ bích họa tại một góc khu vực đầu hồi. Đồng thời, 40m tường rào của di tích cũng được phủ sơn toàn bộ. Việc này thực hiện trong khoảng 3 tuần với tổng kinh phí 40 triệu đồng. Mục đích được người trong cuộc nêu ra rất “đẹp đẽ" là nhằm ưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2022.

Ngay sau khi những bức tranh bích hoạ vẽ lên đình được chia sẻ lên mạng xã hội đã vấp phải hàng loạt các ý kiến phản ứng gay gắt. Phần đa đều cho rằng, việc sơn vẽ này khiến Đình Tự Đông bị biến dạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị lịch sử - văn hóa.

Theo các nguồn sử liệu, Đình Tự Đông là công trình được khởi dựng từ thời hậu Lê. Ngôi đình trải qua nhiều lần tu sửa, lần tu sửa lớn nhất là vào năm Tự Đức nhị thập nhị niên (năm 1869). Di tích này đến nay vẫn giữ được kiến trúc căn bản của thời Lê (thế kỷ XVIII) với kiến trúc nghệ thuật khá đồng bộ từ cảnh quan, tiền bái, hậu cung; là một ngôi đình thời Lê còn rất hiếm trên địa bàn TP.Hải Dương.

Chỉ sau khi có ý kiến phản ứng của cộng đồng, chính quyền địa phương mới vào cuộc, cho sơn lại toàn bộ đầu hồi, tường của đình Tự Đông để xóa bức bích họa không phù hợp. Một lãnh đạo chính quyền nói “đây là sự việc không mong muốn” và địa phương “có thiếu sót khi chưa nhìn nhận hết vấn đề”.

Đó chỉ một trong nhiều vụ việc gần đây khi mà các di tích vẫn bị ngô nghê xâm hại. Cứ chẳng bao lâu, chúng ta lại nghe, lại thấy về những di tích bị tổn hại ở khắp nơi. Chỉ trong tháng 3 này thôi, đã là liên tiếp những vụ việc liên quan đến tháp cổ Bánh Ít ở Bình Định hay chuyện phá bỏ giếng cổ trong dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa),... Và chỉ sau khi xảy ra hậu quả, những người có trách nhiệm mới vội vã đi xử lý.

Theo GS-TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, tình trạng vi phạm sự toàn vẹn của di tích đã và đang diễn ra một cách khá phổ biến ở hầu khắp các địa phương. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại di tích đang tương đối phổ biến, đó là hệ thống luật pháp về di tích không được tôn trọng. Dù chúng ta có Luật Di sản Văn hóa - một trong những công cụ pháp lý hết sức quan trọng nhưng chưa đi vào cuộc sống.

Không chỉ vậy, sự thiếu thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật cũng dẫn đến những trường hợp đáng tiếc. Đó là những chồng chéo, thiếu thống nhất giữa Luật Di sản văn hoá với các luật khác như  Luật Đất đai, Luật Bảo vệ rừng,Luật Đầu tư xây dựng... Ngoài ra, sự buông lỏng quản lý của các cấp ngành cũng là điều đáng để nói.

Trong một cuộc trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Nguyễn Minh Hoà - người có thâm niên hơn 25 năm làm việc trong Hội đồng quy hoạch - kiến trúc TP.Hồ Chí Minh, từng gây choáng váng khi đưa ra bản danh sách 18 địa danh đã biến mất ở TPHCM, cho rằng, để bảo vệ được các di sản phải tạo được cơ chế, khi muốn động đến di sản phải được Chính phủ, hội đồng khoa học cho phép, trên cơ sở đồng thuận của người dân. Có phương án cụ thể, "chứ không phải thích là phá, là đập".

Động chạm vào di tích cần người có chuyên môn - Ảnh 2.

Huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã cho dừng việc thi công khu vực giếng cổ tại đền thờ Lê Văn Hưu. Ảnh: Q.D

Tiếp cận có chuyên môn với di tích

Theo KTS Lê Thành Vinh - nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tu bổ khiến di tích trở nên “méo mó”, biến dạng, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất chính là năng lực quản lý và thực thi công tác bảo tồn di tích còn hạn chế, không chuyên nghiệp.

Sự thiếu hụt đội ngũ chuyên nghiệp và những thao tác ứng xử thiếu chuyên nghiệp của những người có trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý, giám sát và thực thi công tác bảo tồn di tích đã dẫn đến chất lượng trùng tu không đảm bảo, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Vì thế, việc xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp và chuyên môn hóa lực lượng làm công tác bảo tồn di tích là việc làm hết sức bức thiết.

Một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian cũng khẳng định, các di tích sau khi đã được trùng tu đều không đảm bảo 100% tính chân xác, tính nguyên gốc. Lỗi là bởi lực lượng làm công tác trùng tu còn thiếu kiến thức ở nhiều lĩnh vực. Nhà nghiên cứu này đề nghị đào tạo nguồn nhân lực không chỉ chú trọng đến đội ngũ thi công - đối tượng trực tiếp chạm vào cơ thể di tích - mà trước hết đào tạo từ những người quản lý, thẩm định dự án trùng tu, tôn tạo di tích.

Còn GS-TSKH Lưu Trần Tiêu - một người có nhiều năm gắn bó với công tác bảo tàng di tích, thẳng thắn cho rằng, nhìn một cách nghiêm túc, có thể thấy nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích của nước ta phần lớn không được đào tạo chuyên sâu về bảo tồn. Ông cũng chỉ thẳng nếu không được quản lý, kiểm soát cộng với lực lượng thiếu, yếu thì chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ không còn di sản theo đúng nghĩa của nó. Theo ông Tiêu, giải pháp đầu tiên chính là phải thống nhất nhận thức về quan điểm cũng như nguyên tắc trong trùng tu, tôn tạo di tích.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, di sản thuộc về tài sản của xã hội, của nhân dân, phải bảo vệ theo đúng Luật Di sản Văn hóa. Ý thức, sự hiểu biết về di sản của nhân dân cũng như cán bộ công chức rất quan trọng. “Khi tham gia vấn đề di sản, quan trọng hơn cả, phải có thái độ ứng xử thế nào cho tốt. Bảo tồn di sản là cả một nghề nghiệp, một quan điểm về mặt khoa học, không thể tùy tiện được” - ông Nguyễn Văn Huy cho biết.


Đình Trường (laodong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem