Đức có tân bộ trưởng quốc phòng

Lê Phương (RT) Thứ tư, ngày 18/01/2023 09:00 AM (GMT+7)
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bổ nhiệm Bộ trưởng Nội vụ bang Niedersachsen, ông Boris Pistorius làm Bộ trưởng Quốc phòng mới của nước này sau khi bà Christine Lambrecht từ chức hôm 16/1.
Bình luận 0
Đức có tân bộ trưởng quốc phòng, giám đốc tình báo Nga hé lộ lý do xung đột Ukraine 'bế tắc' - Ảnh 1.

Ông Boris Pistorius được bổ nhiệm là làm Bộ trưởng Quốc phòng Đức. Ảnh: AFP

Ông Scholz đã xác nhận thông tin trong một tweet vào 17/1, ông gọi ông Pistorius là một "chính trị gia kiệt xuất".

Ông Scholz viết: "Với kinh nghiệm, năng lực và sự quyết đoán cũng như trái tim nhân hậu của mình, ông ấy chính xác là người phù hợp với Bundeswehr (Lực lượng vũ trang Đức) trong thời kỳ chuyển giao".

Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck mô tả ông Pistorius là một "chính trị gia dày dặn kinh nghiệm, người có sức mạnh tinh thần mạnh mẽ, đặc biệt trong những tình huống khó khăn".

Ông Habeck lập luận rằng ông Pistorius đảm nhận chức vụ này vào thời điểm then chốt khi Berlin phải đưa ra "những quyết định quan trọng". 

Phát biểu với Đài truyền hình Bloomberg tại thị trấn Davos của Thụy Sĩ hôm 17/1, khi ông tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới hàng năm, phó thủ tướng Đức cũng ủng hộ việc cho phép vận chuyển xe tăng do nước này sản xuất tới Ukraine, cả từ trong nước và các nhà khai thác châu Âu khác, chẳng hạn như Ba Lan và Phần Lan.

Ông ám chỉ đây sẽ là nhiệm vụ đầu tiên của ông Pistorius trong công việc mới.

"Tôi cho rằng chúng tôi sẽ làm điều này", ông Habeck nói và lưu ý "nếu Mỹ quyết định đưa xe tăng chiến đấu đến Ukraine, điều đó sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho Đức". 

Phó thủ tướng nhấn mạnh rằng Ukraine phải có được "tất cả các thiết bị quân sự cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc chiến". Tuy nhiên, có một lằn ranh đỏ, theo Habeck, đó chính là bản thân nước Đức không nên tham gia vào "Chiến tranh thế giới thứ ba".

Nga nhiều lần cảnh báo rằng việc vận chuyển vũ khí của phương Tây đến Ukraine chỉ có tác dụng kéo dài cuộc xung đột. Hơn nữa, theo Điện Kremlin, động thái này làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga.

Giám đốc tình báo Nga tiết lộ nguyên nhân xung đột Ukraine bế tắc

Đức có tân bộ trưởng quốc phòng, giám đốc tình báo Nga hé lộ lý do xung đột Ukraine 'bế tắc' - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) chào đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thăm Nhà Trắng. Ảnh: Getty

Hôm 17/1, trong cuộc phỏng vấn với TASS, Giám đốc cơ quan tình báo Nga Sergey Naryshkin cho biết Kiev không thể tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Moscow vì Mỹ và các đồng minh đã ngăn cấm họ làm như vậy.

Ông Naryshkin đề cập đến các cuộc đàm phán diễn ra giữa Nga và Ukraine ở Istanbul vào cuối tháng 3, thời điểm hai bên "đã đạt được một số thỏa thuận cơ bản".

"Tuy nhiên, Washington, cũng như London, đã nói với Kiev rằng: 'Không, không nên đàm phán hòa bình. Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào các bạn. Chúng tôi sẽ tiếp tục bơm tiền và vũ khí, và nhiệm vụ của bạn rất đơn giản – đi và chiến đấu'", ông Naryshkin nhấn mạnh.

Ông lập luận, chính phủ Ukraine sau đó đã nhanh chóng rút lại tất cả những lời hứa đã đưa ra ở Istanbul, quyết định đột ngột xảy ra ngay sau khi thủ tướng Vương quốc Anh lúc đó là ông Boris Johnson đến thăm Kiev.

Nga và Ukraine đã không ngồi sau bàn đàm phán kể từ đó, thậm chí Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky còn ký một sắc lệnh chính thức không đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Zelensky hiện đang thúc đẩy một hội nghị thượng đỉnh quốc tế do Liên hợp quốc đăng cai tổ chức được lên kế hoạch tại New York vào ngày 24/2 – ngày kỷ niệm khởi động chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Sự kiện dự kiến sẽ tập trung vào "kế hoạch hòa bình" 10 điểm mà Kiev đã vạch ra trước đó, một số điều kiện bao gồm kêu gọi Nga rút quân về biên giới do Ukraine tuyên bố chủ quyền, trả tiền bồi thường và đệ trình lên tòa án quốc tế.

Moscow từ chối đề xuất của ông Zelensky. Tổng thống Putin cùng các quan chức Nga khác nhiều lần tuyên bố Moscow sẵn sàng tham gia đối thoại, nhưng phải theo các điều kiện của nước này, một trong số đó là Ukraine phải công nhận Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia là một phần của Nga.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem