Giai điệu Tự hào vẫn ồn ào cũ, mới

Mai An Thứ hai, ngày 02/02/2015 08:05 AM (GMT+7)
Giai điệu Tự hào tháng 1 với chủ đề “Cung đàn đất nước” là một chương trình được êkíp sản xuất thực hiện với chủ đề giới thiệu các cung đàn đã ghi dấu ấn trong các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng. 
Bình luận 0

Chương trình đã dẫn người xem đi từ vùng núi cao với tiếng đàn T’rưng, đàn Ta-lư, đàn chapi để xuống vùng đồng bằng với tiếng đàn bầu, đàn guitar và kết lại bằng “cung đàn mùa xuân” của đất nước.

img
Nhóm Ngũ Cung biểu diễn trong Chương trình Giai điệu tự hào

 

Có thể thấy những nỗ lực làm mới các ca khúc đã ghi sâu dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ của nhạc sĩ Thanh Phương- Giám đốc âm nhạc của chương trình thông qua việc để nhóm Ngũ Cung “rock hóa” ca khúc “Giấc mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến và “Cung đàn mùa xuân” của nhạc sĩ Cao Việt Bách. Bên cạnh đó còn là phần phối khí rất tinh tế với tiếng đàn bầu và guitar mộc mạc trong ca khúc “Tiếng đàn bầu” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc.

Tuy nhiên, khán giả vẫn thấy phần tranh luận nổi bật nhất trong Chương trình “Cung đàn đất nước” là những nhận định mâu thuẫn của các thành viên Hội đồng bình luận xung quanh chủ đề làm mới các ca khúc đã định hình. Chẳng hạn với “Giấc mơ Chapi” qua phần trình bày của nhóm rock Ngũ Cung, bên cạnh ý kiến của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng “Các bạn làm quá tuyệt vời đã biến giấc mơ của ai đó từ tít trên đỉnh núi cao về giữa trường quay ngày hôm nay và làm cho tất cả chúng tôi phải hòa cùng với giấc mơ của các bạn” thì nghệ sĩ đàn tranh Trà My lại tâm sự: “Trước đây nghe “Giấc mơ Chapi, tôi luôn mơ tưởng đến một ngày nào đó sẽ được đặt chân lên mảnh đất chỉ có một mùa yêu nhau thì nay, nghe xong nhóm Ngũ Cung hát tôi không dám đến đó nữa”. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với ca khúc “Cung đàn mùa xuân”, trong khi nhà báo Phan Đăng tỏ ra hào hứng với phần làm mới thì nhà thiết kế Đức Hùng tỏ ra thất vọng với màn “rock hóa” một ca khúc đã quá hay, quá đẹp.

Có lẽ điểm sáng nhất của hội đồng bình luận trong số đầu tiên của năm 2015 chính là sự xuất hiện của nhạc sĩ Trần Tiến và nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền. Lần đầu góp mặt trong chương trình nhưng Bùi Trọng Hiền đã ghi dấu ấn mang đến những thông tin rất thú vị về chuyện hậu trường của ca khúc và sự phân tích dưới góc độ chuyên môn về sự thật- ảo của các nhạc cụ trong đời sống và trong nghệ thuật. Còn nhạc sĩ Trần Tiến- ông giống như một “trọng tài” cho những tranh luận về việc làm mới hay giữ nguyên ca khúc. Nhạc sĩ cho biết: “Nghe một bản nhạc, khi bạn đã quên hết ca từ, quên tiết tấu, quên cả người hát và chỉ còn thấy điều đọng lại duy nhất là cảm xúc, khoảnh khắc mà ca khúc ấy đã mang đến cho bạn, đó mới là một ca khúc thành công”.

Riêng với ca khúc “Giấc mơ Chapi” của mình, sau phần trình diễn của nhóm Ngũ Cung, nhạc sĩ Trần Tiến nhận xét: “Bài hát thì dở mà hát thì rất hay”. Đó chắc chắn là một lời nhận xét sẽ khiến nhiều người… hoang mang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem