Giữa trời Nam, nhớ cha ông...

Thứ sáu, ngày 19/04/2013 13:21 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nằm trên khu đồi có vị trí cao nhất thành phố ở cửa ngõ phía đông - nam thuộc phường Long Bình, quận 9, TP.HCM, đền tưởng niệm các Vua Hùng là nơi được nhiều người dân ở các tỉnh phía nam tìm về dâng hương trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10.3...
Bình luận 0

Đất tổ ở trời Nam

Hôm chúng tôi tìm về đến đền tưởng niệm các Vua Hùng, chỉ còn vài hôm nữa là đến ngày mà người dân Việt trong và ngoài nước háo hức chờ ngày giỗ Tổ. Thời điểm này cũng là lúc mà các cô chú trong ban quản lý đền tất bật lo chuẩn bị xong xuôi để đón nhưng người con từ “năm châu bốn bể” tìm về dâng hương, tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước.

img
Các em học sinh tham quan Khu tưởng niệm các Vua Hùng tại phường Long Bình, quận 9, TP.HCM.

Chúng tôi say mê ngắm nhìn những công trình kiến trúc tuyệt đẹp, độc đáo, cổ kính, thể hiện sự uy nghi, trang trọng... Xen lẫn là những hàng cây xanh rợp bóng mát. Nơi đây hiện có rất nhiều cây quý hiếm được con dân ở khắp mọi miền đất nước mang về trồng. Cùng bước chân vào đền Hùng với chúng tôi có gia đình bác Lê Văn Tình (78 tuổi, Việt kiều Mỹ) với hơn chục thành viên là con cháu ba thế hệ.

Bác Tình nói: “Dù có đi năm châu bốn bể và gia đình sống cách đây nửa vòng Trái đất, nhưng khi đến những ngày đầu tháng 3 âm lịch là cả gia đình tôi cảm thấy nôn nao nhớ về quê cha, đất tổ. Gia đình tôi trước đây ở TP.HCM, sang nước ngoài định cư trước 1975 nên chưa có dịp ra thăm đền Hùng ở Phú Thọ. Về thăm Việt Nam lần này, biết ở TP.HCM vừa mới xây dựng xong đền Hùng nên tôi bảo các con, cháu đến đây dâng hương. Đến để cho các cháu biết tổ tiên, nguồn cội của mình. Hôm nay tận mắt thấy và dâng nén hương trước bàn thờ các Vua Hùng, tôi rất xúc động, niềm tự hào dân tộc dâng lên mạnh mẽ vì mình được mang dòng máu con Rồng cháu Tiên...”.

Sau khi đưa vợ con tham quan 1 vòng đền Hùng, anh Lê Văn Nguyện (48 tuổi), con của bác Tình cho biết thêm, vợ anh là người Canada và sau khi nghe lại truyền thuyết về các đời Vua Hùng, vợ anh cảm thấy thích thú và yêu cầu anh mua thêm những cuốn sách viết về các Vua Hùng để đọc và dịch cho cô ấy nghe.

Nơi dạy lịch sử

Khu tưởng niệm các Vua Hùng có diện tích 8ha được khởi công xây dựng ngày 21.4.2002 và chính thức hoạt động năm 2009. Đây là một trong 12 công trình và chương trình trọng điểm của TP.HCM , là nơi tổ chức Lễ Giỗ tổ Hùng Vương hằng năm cho người dân ở khu vực phía Nam; nơi thiêng liêng để nhân dân đến tưởng niệm, vọng bái tổ tiên, hướng về cội nguồn dân tộc; nơi giáo dục truyền thống cho mọi người dân...

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Loan dạy môn sử cấp THCS, nhà ở quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, hơn 1 năm qua, mỗi tháng một lần, cô đưa học trò vào đây để tham quan và học ngoại khóa. Qua những lần học ở đây, các em tiến bộ rất rõ và hiểu hơn về nguồn cội của mình, các em cảm thấy sống có trách nhiệm hơn. “Đây là một kết quả đẹp, đầy tính nhân văn mà tôi không ngờ các em đã nhận thức được”- cô Loan nói.

Em Nguyễn Thị Lan Hương - học sinh lớp 9 Trường THCS Hoa Lư, quận 9 (TP.HCM) nói, em và các bạn rất thích vào học môn Sử ở đây bởi có nhiều mô hình thực tế để minh chứng bài học trong sách giáo khoa, giúp các em dễ nắm bắt và hiểu sâu hơn.

Ban quản lý khu tưởng niệm các Vua Hùng cho biết, năm ngoái có hàng chục ngàn người về dự ngày giỗ Tổ, dự báo năm nay sẽ đông hơn nữa. Đây không chỉ là nơi tụ hội tưởng nhớ ông cha, mà còn được nhiều cơ quan, đơn vị chọn làm nơi kết nạp Đảng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem