Hào hứng với trò chơi truyền thống

Thứ sáu, ngày 14/02/2014 07:34 AM (GMT+7)
Trong khi nhiều nơi trò chơi truyền thống vắng bóng trong những ngày tết và đầu xuân thì tại nhiều vùng quê ở Thừa Thiên- Huế, đây là thời điểm các trò chơi này lên ngôi.
Bình luận 0
Già, trẻ đều mê

Sáng mồng 1 tết, hội bài chòi ở xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) chính thức khai hội, thu hút hàng nghìn người dân tham gia. Hội bài chòi này kéo dài đến rằm tháng Giêng. Ngoài người dân ở xã, nhiều người ở các địa phương khác cũng cơm đùm cơm gói vượt đường xa đến vui hội.

Ông Trần Duy Thanh- Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thủy Thanh cho biết, trước đây, hội bài chòi chỉ là sân chơi của người già trên địa bàn xã. Nhưng 3 năm trở lại đây, rất nhiều người dân ở các địa phương khác, nhất là thanh niên, về xã tham gia vui hội. Lúc đầu, các thanh niên chỉ đưa ông bà, cha mẹ mình đi hội, nhưng sau đó thấy hội chơi thú vị nên tham gia rồi mê lúc nào không hay. “Nhưng thấy bọn trẻ hào hứng với trò chơi truyền thống này, chúng tôi mừng lắm”- ông Thanh bộc bạch.

Sự cuốn hút của hội bài chòi ở xã Thủy Thanh đã giúp đẩy lùi tệ nạn tại đây.
Sự cuốn hút của hội bài chòi ở xã Thủy Thanh đã giúp đẩy lùi tệ nạn tại đây.

Theo ông Đặng Tân Hiệp- cán bộ văn hóa xã Thủy Thanh, hiện bài chòi là một trong những trò chơi truyền thống rất được người dân địa phương yêu thích khi tết đến. Cùng với bài chòi, từ ngày mồng 2 đến mồng 5 tết, ở xã còn có nhiều trò chơi truyền thống khác như kéo co, nhảy bao bố, đập om… thu hút người dân mọi lứa tuổi tham gia. Ngoài ra, ngày mồng 10 tết, người dân nơi đây còn tham gia hội đua ghe do thị xã Hương Thủy tổ chức.

Rất nhiều địa phương vùng nông thôn khác ở Thừa Thiên- Huế hiện là nơi các trò chơi truyền thống được tổ chức dày đặc trong những ngày tết và thu hút lượng lớn người dân tham gia. Xã Quảng Phước (huyện Quảng Điền) có hội vật làng Thủ Lễ; xã Phú Mậu (huyện Phú Vang) có hội vật làng Sình; xã Điền Hòa (huyện Phong Điền) có lễ hội đu tiên; thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc), thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền) và phường Thủy Châu (thị xã Hương Thủy) có hội đua ghe truyền thống…

Hết đất cho tệ nạn


Trước đây, tết đến xuân về là thời điểm chính quyền xã Thủy Thanh đau đầu trước cảnh tệ nạn rượu chè, cờ bạc, mê tín dị đoan… xuất hiện nhan nhản ở các thôn xóm. Tình trạng này gây ra nhiều hệ lụy, nhiều gia đình sứt mẻ tình cảm, lâm cảnh nợ nần, thanh niên gây gổ đánh nhau… “Nhưng đó là chuyện quá khứ rồi. Từ khi nhiều trò chơi truyền thống được tổ chức vào dịp tết và bà con háo hức tham gia, ở đây đã vắng bóng các tệ nạn ấy”- ông Nguyễn Mậu Hòa- Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh phấn khởi.


"Vì bị cuốn hút bởi các trò chơi truyền thống, đặc biệt là đấu vật, nên người dân không đánh bạc và không nhậu nhẹt say sưa nữa”.
Ông Trần Hiếu Cơ

Ông Trần Duy Khánh- Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh cũng khẳng định vai trò to lớn của các trò chơi truyền thống trong việc đẩy lùi các tệ nạn ở địa phương vào dịp tết. Theo ông Khánh, từ năm 2000 đến nay, khi địa phương tổ chức hội bài chòi và các trò chơi dân gian khác phục vụ người dân vui xuân, tệ nạn rượu chè, cờ bạc, mê tín dị đoan… ở các thôn xóm giảm hẳn.

Tại các xã Quảng Phước, Phú Mậu, Điền Hòa…, trong những ngày tết, hình ảnh những sới bạc, những cuộc nhậu thâu đêm, những đoàn người vây kín nhà thầy bói… cũng đã vắng bóng nhờ sức hút của các trò chơi truyền thống. Ông Trần Hiếu Cơ- Chủ tịch UBND xã Phú Mậu- cho biết, nhiều năm nay, tết là dịp thanh niên địa phương tập trung rèn luyện sức khỏe để tranh tài, khẳng định mình trên sới vật.

An Sơn (An Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem