Hậu Khảo Cổ - Sài Gòn phóng khoáng

Thứ sáu, ngày 18/01/2013 10:28 AM (GMT+7)
Dù nhìn ở khía cạnh nào, Nguyễn Thị Hậu vẫn là người đa diện. Và nổi bật nhất, là một nhà nghiên cứu khảo cổ học có gắng bó sâu sát, am tường về đất Sài Gòn.
Bình luận 0

Chị là Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM; là Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; Tổng Thư ký Hội Sử học TP.HCM; là chuyên gia thỉnh giảng tại ĐH KHXH&NV TP.HCM và nhiều trường khác… Quê gốc ở Chợ Mới, An Giang, sinh ra và lớn lên tại miền Bắc, nhưng Sài Gòn với chị mới là nơi mà “đất đã hóa tâm hồn”. 

img
 

Về Sài Gòn “ruột thịt” của mình, Nguyễn Thị Hậu đã có nhiều bài nghiên cứu từ góc độ khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội học và cả văn chương, báo chí. Điểm sơ lược và như một lát cắt tình cờ, có thể thấy vài góc nhìn của chị như sau:

- “Thành phố Sài Gòn (từ sau năm 1975 là TP.HCM) vẫn được coi là ‘vùng đất mới ba trăm năm’, một ‘thành phố trẻ’ hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, những dấu tích trên vùng đất Sài Gòn đã cho biết nơi đây từng là một cảng thị cổ từ khoảng đầu Công nguyên. Đến nay đã qua 20 thế kỷ, trong bất cứ giai đoạn nào, vùng đất này vẫn giữ vị thế địa lý trung tâm, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và giao lưu kinh tế – văn hóa của vùng đất phía Nam Việt Nam”. 

- “Số lượng di tích khảo cổ tiền sử không nhiều nhưng là những di tích tiêu biểu của quá trình phát triển từ khoảng 3.000 năm trước đến nay: vùng đất này là trung tâm của khu vực, đã hình thành và phát triển một cảng thị sơ khai, giao lưu thương mại đường biển với quần đảo Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ. Từ đó có đóng góp quan trọng vào sự hình thành và thịnh đạt của văn hóa Óc Eo và vương quốc cổ Phù Nam vào những thế kỷ đầu Công nguyên. Từ đầu thế kỷ XVII, Sài Gòn trở thành cảng sông – phố chợ – nơi thu thuế (1623), trung tâm chính trị – hành chánh (1689), trung tâm thương nghiệp của “xứ Đàng Trong”, “Gia Định kinh” (1790) của các chúa Nguyễn rồi vương triều Nguyễn (1802)”. 

- “Bản thân sự ‘khai sinh’ Sài Gòn – Gia Định đã là quá trình những con người từ nhiều nguồn gốc, nhiều vùng miền trong cả nước, có cả những nhóm người Hoa từ lục địa Hoa Nam vượt biển xuống đây, hội nhập với các tộc người đã tụ cư lâu đời ở vùng đất này. Trong dòng lưu dân khai phá Sài Gòn – Gia Định, phần đông là nông dân từ miền Bắc, miền Trung…; khi họ đến vùng đất thiên nhiên còn hoang sơ lạ lùng, đất rộng người thưa lại cùng cảnh ngộ, việc làm ăn không còn quá vất vả như trên cánh đồng ô trũng bị che chắn bởi đê điều ở châu thổ sông Hồng hay dải ruộng hẹp sát núi liền biển ở miền Trung, mà đồng ruộng làng xóm đã mở rộng theo dòng chảy của sông ngòi, kênh rạch, theo đó có thể đến những miền đất mới… Vì vậy, sự sẻ chia bao bọc được nhân lên mà tính cách phóng khoáng, nghĩa hiệp cũng được nhân lên cùng với sự năng động, quyết đoán hơn: “Làm đại đi, ừ, làm đại nghen!” là một cách ứng xử rất Sài Gòn Nam bộ của người Việt phương Nam”. 

- “Sài Gòn còn là nơi hình thành cơ sở công nghiệp đầu tiên, từ cuối thế kỷ XIX nhiều nhà máy, công xưởng đã được xây dựng tại đây. Sài Gòn trở thành một trung tâm công nghiệp ở phía Nam: nhà máy điện, nhà máy nước, nhà ga và hệ thống đường xe lửa… nay được xếp vào loại hình di tích của ngành khảo cổ học công nghiệp và đô thị. Hệ thống này tập trung dọc sông Bến Nghé – nay là dọc đại lộ Đông Tây. Việc xây dựng đại lộ này mang lại vẻ đẹp cho thành phố nhưng cũng làm mất đi một số di sản văn hóa “trên bến dưới thuyền” của một Sài Gòn thương cảng quan trọng nhất đàng trong từ 300 năm nay”. 

- “Sài Gòn bắt đầu phát triển theo kiểu đô thị Tây phương bằng chương trình quy hoạch khoa học và chi tiết. Từ cuối thế kỷ XIX, các dự án thiết kế và xây dựng Sài Gòn chủ yếu dọc theo cảng Bến Nghé, những gò đất cao quanh đó mọc lên các công trình và trở thành khu trung tâm của thành phố. Đó là các công sở, dinh thự, công trình công cộng như trường học, bảo tàng, rạp hát, chợ… Nhiều công trình trong số đó đến nay vẫn còn giữ được công năng, là “dấu ấn Sài Gòn” đối với người đi xa và người đến Sài Gòn. Cảnh quan đô thị khu trung tâm thành phố là những con đường với hàng cây cao vút, những biệt thự mang vẻ đẹp của kiến trúc cổ điển châu Âu nhưng gần gũi và đã trở nên quen thuộc, là một phần không thể thiếu của thành phố”. 

Còn rất nhiều những nhận định vừa chuyên môn khoa học, vừa nặng lòng trắc ẩn của một người quá yêu Sài Gòn. Yêu không chỉ bằng lý tính hay cảm tính, mà ở đây là sự hòa trộn, để làm nên một tổng hòa các yếu tố. 

Nguyễn Thị Hậu vì yêu mà “xả thân” cho nhiều lý lẽ của Sài Gòn, đôi khi gây “mất lòng” và nhận về bản thân sự thiệt thòi. Đọc những bài nghiên cứu chuyên sâu và cả “bình dân” của chị, không phải muốn hiểu đã dễ, nhưng tinh thần chung vẫn làm toát lên sự sòng phẳng và trọng chân lý của khoa học. Cái gì của Sài Gòn hãy trả lại cho Sài Gòn - một suy nghĩ nghe chừng phóng khoáng, nhưng không phải ai cũng dám nghĩ, dám nói và dám bảo vệ nó. 

Những bài báo, những tản văn, những đoạn viết chỉ mang tính ghi chú hay chấm phá trên trang mạng cá nhân… của chị về Sài Gòn, dù đầy cảm xúc, nhưng tựu trung vẫn đi theo tinh thần khoa học mà bản thân đã chọn. Chính vì sự hòa trộn, mà càng về sau này, những bài nghiên cứu của Nguyễn Thị Hậu càng trở nên gần gũi, dễ tiếp nhận, những đoạn văn ngắn càng trở nên tường minh, gọn gàng. Đong đầy cảm xúc cho khoa học và chắp cánh lý trí cho văn chương là cách mà tác giả này đang có.

Ví dụ một đoạn mà chị viết: “Ấn tượng đầu tiên của tôi về Sài Gòn là từ một câu ca dao về vùng đất còn đầy vẻ hoang sơ, lạ lẫm: “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”; cùng với tích chuyện xưa Thủ Hoằng dựng Nhà Bè ở ngã ba sông, để sẵn gạo củi giúp cho những người lỡ đường sông nước tạm dừng ghe xuồng nghỉ ngơi, chờ con nước lớn mà ngược vào vùng bán sơn địa Gia Định, Đồng Nai hay theo nước ròng mà xuôi ra cửa biển Cần Giờ… Trong tôi, đất Sài Gòn hiện lên nơi ngã ba sông Sài Gòn và sông Đồng Nai nhập vào nhau để cùng đổ ra biển Đông, và người Sài Gòn hiện ra như những con người rộng rãi sẵn sàng làm việc nghĩa”. 

Nguyễn Thị Hậu là người bận rộn và năng động - y như một thuộc tính của Sài Gòn. Phần lớn thời gian chị dành cho công việc, có lúc tưởng chừng như không có thời gian để ăn, để ngủ. Thế nhưng, nếu tinh ý, vẫn thấy ở đây đó, góc phố này, con hẻm kia… chị vẫn có thể ngồi hàng giờ với bằng hữu và tri âm, để nói vô số điều không thuộc về công việc. Trong chị có hai con người, đôi khi tách bạch nhau, một là người quản lý nơi công sở, với những nguyên tắc rõ ràng, thẳng thắn, một là nhà văn lãng đãng khi riêng tư, khi cà phê với bạn văn thân thiết. 

Trên trang mạng cá nhân, chị có biệt danh là “Hậu khảo cổ” – một cái tên thân mật do bạn bè đặt, vừa nôm na, phóng khoáng, vì làm nghề gì thì gọi tên đấy cho dễ nhớ. Nhưng cũng vừa xác đáng, vì những quan điểm khoa học và điểm nhìn của Nguyễn Thị Hậu về khảo cổ đã tiến đến giai đoạn “hậu khẩu cổ”. Trong cuốn sách Khảo cổ học bình dân Nam bộ - Việt Nam, chị đã đưa ra nhiều quan điểm mới mẻ, nơi khoa học không chỉ bàng quan cắt nghĩa đời sống, mà chúng đã can dự và thành một thuộc tính của đời sống. 

Đôi lúc nhớ chị, tôi chỉ nhắn một tin trống không: “Cà phê nhé chị?”, kiểu gì tôi cũng nhận được câu trả lời: “Ở đâu, giờ đó… chị ra, đang họp hay đang dạy học”. Với Sài Gòn chị luôn thế, nên không có gì phải ngạc nhiên khi đi công tác xa dài ngày, trên trang mạng, thấy chị nhớ quay quắt về Sài Gòn. Và khi trở lại thành phố này, sau những phiên cà phê hàn huyên nơi vỉa hè, người ta lại nhận ra trong các bài viết của chị những phát hiện mới. 

Theo Lý Đợi

Sành điệu 1.2013 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem