Ngày 27.6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có cuộc họp chưa từng có tiền lệ để bàn việc hoãn thi hành Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vì có nhiều sai sót nghiêm trọng. Có hơn 90 nội dung cần sửa đổi và 3 lỗi nghiêm trọng.
Ai cũng biết luật tác động đến đời sống như thế nào, nếu không dự kiến được toàn cảnh luật sẽ gây cản ngại cho cá nhân công dân và xã hội. Tôi muốn nói đến vấn đề đang được quan tâm là hộ khẩu. Trước hết xin kể câu chuyện những người mồ côi đi làm chứng minh nhân dân.
Đối với chúng ta căn cước, chứng thực công dân, hiện mang tên Chứng minh nhân dân là loại giấy tờ mặc định, đương nhiên có khi chúng ta đủ 15 tuổi.
Nhưng có khi đó là niềm mơ, quá khó khăn với nhiều người, tôi đang nói đến những em bé bị ba mẹ bỏ rơi khi chào đời và được các mái ấm cưu mang.
Những cơ sở từ thiện nuôi trẻ bị bỏ rơi, trẻ cơ nhỡ thường lấy tên mái ấm, hai nhân vật chính của chúng ta cũng lớn lên từ mái ấm, nhưng không được cấp CMND vì không có hộ khẩu thường trú, chuyện bình thường ở nhiều mái ấm không đủ điều kiện để chính quyền công nhận tính hợp pháp.
Hai cô học sinh chuẩn bị thi kỳ thi PTTH quốc gia viết thư cho Bí thư thành ủy TP HCM Đinh La Thăng: “Khi sinh ra chúng con đã không được thừa nhận sự tồn tại của những sinh linh bé nhỏ. Rất may mắn khi được cánh cửa của mái ấm đã rộng mở chào đón chúng con. Chúng con như được sinh ra một lần nữa. Chúng con đang chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học sắp tới với cánh cửa tương lai đang rộng mở chờ đón, nhưng đến nay chúng con vẫn chưa được cấp giấy chứng minh nhân dân, chưa được xã hội thừa nhận là công dân Việt Nam”.
Bí thư Thăng rất quan tâm đến hai trường hợp này và chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết.
Nhưng còn bao nhiêu đứa trẻ bị ba mẹ ruồng bỏ được những người thiện nguyện cưu mang khác thì sao?
Trung tâm ra đời năm 1995, đã trở thành mái ấm, là nơi nương tựa của hàng trăm trẻ mồ côi bị xã hội bỏ rơi. Tại đây, các em được ăn, được đi học nhưng lại không được làm chứng minh nhân dân. Nguyên do cũng có một phần do cơ chế cứng nhắc cộng vói sự vô cảm của các công bộc của dân. Họ nói rằng muốn có chứng minh nhân dân, các em phải có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Trong khi đó, nhiều cơ sở mái ấm tại đây lại không được cấp giấy phép nên làm sao hoàn chỉnh thủ tục đó? Vậy là mọi chuyện đã tắc tị và trung tâm không thể đứng ra đăng ký thường trú cho các em.
Một tấm thẻ căn cước vào đời thôi mà, sao khó đến thế, trong lúc CMND là công cụ để chính quyền kiểm soát công dân và quyền nhân thân là quyền được luật pháp bảo hộ? Tôi sẽ không có bất cứ tranh luận nào với cơ quan chức năng vì biết sẽ đụng phải bức tường “đổ thừa’ không bao giờ sai là “quy trình”.
Giới tự nhiên công nhận con người ngay từ khi nó kết thành thai, nhưng nếu đó là những đứa bé bị ba mẹ ruồng bỏ thì khi nó đủ tuổi làm CMND thì nó sẽ nguy cơ bị cả xã hội ruồng bỏ khi mà nó… không có hộ khẩu!
Theo số liệu của hội thảo công bố về người không có hộ khẩu thường trú, TPHCM có 2,9 triệu người, Bình Dương 1,4 triệu người, Hà Nội 1,3 triệu người và Đà Nẵng 120.000 người. Kèm theo dữ liệu này là hàng triệu hồ sơ cần xác nhận,quản lý, truy xuất. Quá khổ và quá khó. Không ai mong muốn nhưng nó vẫn diễn ra hàng ngày làm khổ dân và gây khó khăn lúng túng cho cơ quan tuyển dụng lao động, quản lý.
Điều nghịch lý là chính các cơ quan quản lý hộ khẩu lại đang cố gắng làm giảm hiệu lực của hộ khẩu bằng các văn bản dưới luật hoặc lách luật.
Dân khổ, quan khó cũng chỉ vì cái hộ khẩu. Hộ khẩu là chế định quản lý xã hội bằng hộ gia đình với người đại diện là chủ hộ. Nó phù hợp với nền kinh tế tập trung, bao cấp,trong đó nhà nước đóng vai trò cấp phát.
Hộ khẩu chỉ còn duy trì ở rất ít quốc gia và họ cũng đang tìm cách xóa hộ khẩu vì quá nhiều cản ngại mà hiệu quả quản lý không hiệu quả như cách quản lý công dân trên toàn thế giới hiện nay là căn cước. Người lao động, cho dù ở địa phương nào cũng đóng góp qua nghĩa vụ thuế mà quản lý bằng hộ khẩu gắn cá nhân với hộ gia đình chính là cản ngại lớn nhất.
Không thể tăng năng suất lao động và cải cách hành chính hiệu quả nếu vẫn duy trì hộ khẩu. Chưa kể người chưa hộ khẩu có thể bị các quy định dưới luật ở các địa phương hạn chế một số quyền trái với Luật Dân Sự.
Vậy sao không bỏ hộ khẩu khi nó làm khổ dân, làm khó cơ quan công quyền và cản ngại sự phát triển?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.