Hoà hợp dân tộc cần tấm lòng chân thành

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ Thứ bảy, ngày 11/05/2019 15:38 PM (GMT+7)
Tôi mới xem bộ phim "Hai nửa thế giới" do VTV làm. Bộ phim nói về những người gốc Việt ở hải ngoại dũng cảm đi tìm sự thật, dũng cảm vượt qua số phận và quan trọng là có tấm lòng với Đất Mẹ - Việt Nam. Phim khá hiện đại, chân thực, cảm động. Nó làm tôi nhớ lại nhiều việc đã trải nghiệm trong cuộc đời.
Bình luận 0

1. Khoảng năm 1982-1983, qua đạo diễn Đinh Anh Dũng và các bạn anh, tôi quen biết một gia đình mà chồng và cha của họ từng là trung tá phó ngành cảnh sát ngụy ở một tỉnh Tây Nguyên, đang bị tù cải tạo. Đinh Anh Dũng yêu người con gái cả rất xinh đẹp tên Hà.

Mẹ Hà, vợ viên sĩ quan tên Kim hơn tôi 7 tuổi, làm nghề buôn vải từ miền Bắc về bán ở Sài Gòn. Chị kể với tôi nhiều việc vất vả sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, sau ngày 30/4/1975 chị đi khai hoang ra sao, buôn bán xoay sở ra sao để sống. Chị kể về chuyến thăm chồng, cho chồng "gặp gỡ" trong một chuyến thăm nuôi. Chị trải tấm nilon giữa hai luống mía rồi nằm lên, không ngờ bên dưới có đám gai xấu hổ dày đặc mọc lẫn cỏ xanh. Chị nói: “Tôi cắn răng chiều ảnh, lưng tôi bị hàng trăm gai xấu hổ đâm. Khi chen chúc lên xe đò về Sài Gòn, tôi lại đau đớn hơn vì mỗi khi ai chạm tới, các mũi gai lại đâm vào da thịt. Về nhà, em gái tôi khêu ra hàng trăm cái gai khô trên mình tôi".

Trên đời này tôi đã cực khổ, mẹ tôi khổ, chị tôi khổ, nhưng sao lại có người còn chịu nhiều đau đớn như thế? Tôi òa khóc nức nở thương chị. Người đàn bà Việt gốc Hà Tây di cư năm 1954.

img

Năm ấy, tôi biết chị Kim phải lần hồi nuôi 6 người con gồm cả đứa con lai, tôi quyết định bàn với vợ cũ để cả nhà tôi giúp mỗi khi chị và cháu thứ hai ra Bắc buôn bán. “Chú giúp tôi đi, ở Sài Gòn nó quậy lắm", chị nói. Tôi cho con trai cả và út của chị tá túc cả dịp hè, dù khi đó gia đình tôi sống chật chội, không khá giả gì. Để chị đỡ lo, tôi nhờ người mua hai bao gạo từ trong Nam về quẳng xuống sàn nhà, cương trực nói: "Gạo nuôi các cháu đây chị đừng lo, ở Hà Nội em ăn gì cháu ăn nấy". Tôi thường xuyên chở hàng không công giúp chị. Khi đó tôi nghĩ, chị và các cháu không có lỗi gì ở cuộc chiến, nếu thực sự yêu thương dân tộc, phải che chở đùm bọc cho họ.

Sau này cả hai anh chị đều đi Mỹ, các cháu đều rất trưởng thành. Cháu Hương tháo vát lắm nên rất giàu có. Cả nhà họ vẫn thường nhắc tới "chú Thọ" mấy chục năm qua. Tôi nghĩ vậy là đủ cho một tấm lòng. Ở Mỹ nhiều lần chị nhắn cho tôi có ý giúp đỡ, nhưng tôi đều từ chối và nghĩ mình có thể tự bươn trải.

Cách đây gần chục năm, chị và cháu thứ hai sang tận Đức thăm tôi và tha thiết đề nghị "bao" tôi một chuyến đi khắp Âu châu. Chị và cháu toàn cho tôi ở khách sạn 5 sao, tôi ái ngại tiếc tiền của họ và bảo ở khách sạn xịn quá, chị nên thuê nhà trọ, để em hút thuốc được. Chị và cháu Hương đều cười.

Tôi kể việc này ra không hàm ý kể công vì điều đó với tôi là vô liêm sỉ. Tôi chỉ muốn nói rằng, khi nghĩ, nói thì dễ về hòa hợp, nhưng mỗi người tự mình phải làm điều gì thật cụ thể nhằm cho vấn đề hòa hợp dân tộc thành hiện thực. Phải có từ trái tim lòng chân thành mong hòa hợp. Hồi ấy, tôi cũng không giấu chị rằng tôi là cựu một quân nhân và là Đảng viên Đảng Lao động Việt Nam.

2. Tôi sang Đức gần 30 năm trước, do hoạt động văn học, tôi có liên lạc với nhiều văn sĩ tại Pháp, Mỹ, Úc, Canada, Anh. Đặc biệt, qua nhà phê bình Đặng Tiến (Paris), tôi được đọc, học hỏi và giao hảo với nhiều nhà báo, nhà văn có tư tưởng tiến bộ.

Giữa thập kỉ 1990, nhà thơ Du Tử Lê đọc thơ tôi đã viết bài, giới thiệu tôi trên báo nước ngoài. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác nhặt bài tôi trên mạng bấy giờ, in bài thơ "Lỡ hẹn" của tôi và sau này là nhiều truyện và ký trên Giai phẩm văn chương do ông chủ bút. Nhà văn Khánh Trường cũng đi trên Hợp lưu nhiều tác phẩm của tôi. Tất cả đều biết tôi từng là cựu sĩ quan quân đội Bắc Việt, đặc biệt là Đảng viên, quan điểm có chỗ tương đồng, có vùng khác biệt.

Rồi cuối thập kỉ 1990, nhà văn cựu Thủy quân lục chiến Cao Xuân Huy với cuốn "Tháng ba gãy súng" nổi tiếng tới tận Teltow thăm tôi. Võ Phiến gửi từ Mỹ sang cả bộ Tổng tập Văn học miền nam gồm 9 cuốn nặng trịch. Họ, những trí thức đã ý thức rất rõ rằng, có thể quan điểm cá nhân còn khác biệt, nhưng dân tộc, Tổ quốc phải trên hết.

Cũng chính vì hiểu họ nên trong diễn văn chào mừng nhân 70 năm sinh nhật Đảng, khi thay mặt 39 trí thức Việt kiều về quê, bên cạnh lời chúc mừng Đảng tôi vẫn có đoạn cuối kiến nghị và phê bình những điểm chưa cụ thể của Nghị quyết 36 về Việt kiều. Lần đầu tiên trong  lịch sử ngoại giao ở Việt Nam có một Việt kiều đã đại diện cho 39 kiều bào công khai "phê bình" Bộ Chính trị về công tác kiều bào. Có vị ở Bộ Ngoại giao khi ấy đề nghị tôi không viết văn bản, chỉ nói vo vài lời cảm ơn Đảng. Tôi kiên quyết không nghe và nói: "Cá nhân tôi là Đảng viên có thể cảm ơn Đảng, song khi đại diện cho 39 kiều bào là trí thức ở đây và nhiều người Việt ở Mỹ, tôi không thể nói cho qua. Là nhà văn, nói với Đảng, các Ủy viên Bộ Chính trị nhân sinh nhật phải thận trọng từng từ, sao tôi có thể nói vo như ông muốn được". Tôi thậm chí còn bị một số kẻ mang danh dân chủ khi biết việc diễn văn chúc mừng này đã chỉ trích đoạn đầu, bôi nhọ tôi là bưng bê cho Đảng. Song tôi như cây trúc gióng thẳng, dầu có cháy lòng vẫn ngay, nào đâu sợ bị đánh lén.

Kể những câu chuyện tôi nhớ mãi trong đời mình ra đây, để tôi khẳng định lại rằng: Hòa hợp dân tộc là vấn đề lớn và quan trọng. Nó không chỉ là chủ trương của Nhà nước mà còn là ý nguyện, khát vọng chính đáng của những người dân thực sự có tấm lòng với nước non.

Làng Ngọc Hà - 2019

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem