Học kỹ năng sống... “thượng vàng hạ cám”

Nguyệt Tạ Thứ hai, ngày 22/03/2021 06:10 AM (GMT+7)
Chỉ còn 2 tháng nữa là tới hè, nhiều cha mẹ bắt đầu quan tâm đến những khóa học kỹ năng sống khi con kết thúc năm học.
Bình luận 0

Đây cũng là thời điểm nở rộ những lời chào mời về các khóa tu, hay trại hè quân đội. Nhưng với nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn về tính an toàn cho trẻ, các bậc cha mẹ không khỏi băn khoăn...!

Trẻ vẫn có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực

Dù còn 2 tháng nữa mới tới hè, nhưng ngay từ bây giờ chị Nguyễn Thị Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) đã rục rịch tìm hiểu các lớp học hè. "Năm trước, con tôi lớp 7 tham gia trại hè quân đội rất vui. Qua trại hè, con rèn luyện được tính tự lập và khả năng bảo vệ sức khỏe. Năm nay, mục tiêu của tôi là cho con tham gia khóa tu mùa hè để được giáo dục thêm về nhân cách, niềm tin với cuộc sống gia đình..."- chị Thu chia sẻ.

Học kỹ năng sống... “thượng vàng hạ cám” - Ảnh 1.

Các khoá tu mùa hè hiện đang được phụ huynh quan tâm, tìm kiếm. (Ảnh minh hoạ: Học sinh tham gia khoá tu mùa hè tại chùa Yên Tử). Ảnh: I.T

"Nhiều khóa học hè xa nhà dài ngày, trẻ em không được quản lý, giám sát chặt có thể nảy sinh nhiều vấn đề về đảm bảo an toàn, nguy cơ xâm hại hay bạo lực. Vì vậy, phụ huynh và học sinh cần hết sức tỉnh táo khi tham gia các chương trình học này".

Ông Vũ Việt Anh

Tuy nhiên, chị Thu cho biết không dễ lựa chọn được cơ sở gửi gắm con bởi có đến hàng trăm ngôi chùa trong cả nước cùng tổ chức các khóa tu. Các ngôi chùa đều có cam kết trong việc quản lý con trẻ cũng như cơ hội được giáo dục, định hướng về nhân cách. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến chị không thể yên tâm được.

Không riêng gì chị Thu, nhiều bậc phụ huynh khác cũng có cùng lo lắng. Chị Nguyễn Thị Hà (Thanh Hóa) cho biết rất ngại giao phó con cho người khác quản lý trong vòng 1-2 tuần. Sau một hồi tham khảo, chị Thu có gọi qua số hotline được giới thiệu trên một số trang web giới thiệu về các lớp học kỹ năng sống. Nhân viên tư vấn giới thiệu rất nhiều về chương trình học, kỹ năng cho trẻ... nhưng tuyệt nhiên không đề cập tới vấn đề an toàn, phòng ngừa dịch bệnh. Mãi tới khi chị Thu băn khoăn hỏi về vấn đề này thì nhân viên tư vấn mới khẳng định "an toàn tính mạng, an toàn phòng dịch luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu ở lớp học".

"Tôi khá lo ngại về công tác phòng dịch tại các lớp học kỹ năng sống mùa hè nếu không cẩn trọng thì việc tụ tập đông trẻ con, tham gia khóa học dài ngày sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh"- chị Thu nói.

Đó là chưa kể tới những lo lắng về bạo lực, về mất an toàn tính mạng hay xâm hại tình dục. Lo ngại của các bậc phụ huynh là có căn cứ bởi mới đây, một người đàn ông tại Cái Nước (Cà Mau) đến cơ quan công an tố giác người quản lý khóa tu mùa hè ở một ngôi chùa xâm hại con gái ông nhiều lần đến mức có thai. Tuy nhiên, cũng có thông tin cho rằng người đàn ông làm cháu bé mang thai không phải là người quản lý khóa tu.

Hiện vẫn chưa có kết quả điều tra của cơ quan công an, nhưng vụ việc đã khiến nhiều cha mẹ phải lo lắng về quy trình quản lý các em khi tham gia khóa tu. Trước đó, tháng 6/2019, bà Võ Thị Hương (ngụ tại Phan Thiết), mẹ bé trai 10 tuổi cũng cho biết, con chị đã bị bạo hành nghiêm trọng sau khi tham gia khóa tu 3 tháng tại một ngôi chùa tại gia do thầy tu giả danh tên là Thiện Lam lập.

Không thể phủ nhận ý nghĩa các khóa học

Mặc dù còn nhiều tồn tại cũng như hạn chế trong việc quản lý khóa tu, cũng như các lớp học hè, trại hè quân đội, tuy nhiên nhiều người cũng nhìn nhận khách quan và cho rằng lợi ích mà các khóa học kỹ năng sống này mang lại là không hề nhỏ.

Qua các khóa tu mùa hè, trại hè quân đội, nhiều bậc phụ huynh đã nhận thấy sự trưởng thành của con em mình. Nhiều em đã thay đổi theo hướng tích cực, biết quan tâm đến những người xung quanh, sống kỷ luật, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy - giảng viên, báo cáo viên cho Tổ chức Quốc tế Save the children, Trung tâm Bảo trợ trẻ em TP.HCM nhận định: "Khóa tu mùa hè hay các chương trình rèn luyện kỹ năng sống như trại hè quân đội là một hoạt động vô cùng ý nghĩa, thiết thực trong rèn luyện nhân cách, trau dồi đạo đức và kỹ năng sống cho trẻ thành niên".

Tuy nhiên TS Thúy cũng cho rằng mỗi năm, khoá tu chỉ tổ chức duy nhất vào dịp hè và cũng chỉ diễn ra trong thời gian từ 7-10 ngày. Do vậy, các chùa chỉ có thể truyền tải những kỹ năng, kiến thức tạm thời. Việc chăm lo và giáo dục, hình thành nhân cách con em phần lớn là do gia đình và một phần từ nhà trường. Cha mẹ luôn là người phải có trách nhiệm lớn nhất trong việc giáo dục con em mình.

"Vì thế, nếu cha mẹ vẫn luôn quan tâm, gửi gắm tình cảm, đồng hành trong việc trang bị kỹ năng sống cho con từ trong chính gia đình thì chắc chắn đó sẽ là tấm lưới chắn bảo vệ tốt nhất, giúp con ứng phó được với các vấn đề bạo hành, xâm hại... Hãy để hoạt động học kỹ năng sống dịp hè của các con chỉ là hoạt động trải nghiệm. Cha mẹ đừng quá kỳ vọng, đặt niềm tin hy vọng toàn bộ vào đó" - TS, Thúy phân tích.

"Như nấm sau mưa"

"Những năm gần đây, các lớp học kỹ năng sống cho trẻ em mọc như nấm sau mưa. Nếu gõ cụm từ giáo dục kỹ năng sống trên Google, chúng ta nhận được hơn 40.000.000 kết quả trong... 1 giây. Như vậy, lượng thông tin và quan tâm về kỹ năng sống cho trẻ em là rất lớn.

img

Phân tích ở khía cạnh tích cực thì đó là một tin tốt vì có nhiều phụ huynh muốn tìm hiểu về khóa học kỹ năng sống. Tuy nhiên, chất lượng của các khóa học kỹ năng sống thì "thượng vàng, hạ cám". Số lượng các khóa học kỹ năng sống giống như "nấm mọc sau mưa", nhưng nấm độc hay nấm tốt thì không phải ai cũng phân biệt được.

Nhiều trung tâm đào tạo kỹ năng sống quảng cáo, truyền thông rất hoành tráng nhưng không có một giảng viên, diễn giả chuyên trách mà hoàn toàn đi thuê ngoài. Chất lượng giảng viên, diễn giả cũng vậy, chỉ tham gia một vài khóa học ngắn hạn, không có chuyên môn rồi tự phong "diễn giả số 1"; "Master"... và đẩy giá thành các khóa học lên cao để "lòe" người học. Nguy hại hơn là nhiều khóa học hè xa nhà dài ngày, trẻ em không được quản lý, giám sát chặt có thể nảy sinh nhiều vấn đề về đảm bảo an toàn, nguy cơ xâm hại hay bạo lực. Vì vậy, phụ huynh và học sinh cần hết sức tỉnh táo khi tham gia các chương trình học này".

Ông Vũ Việt Anh - chuyên gia tâm lý

(Giám đốc Học viện Thành công)

Chỉ một khoá học không thể có đột biến

img

"Ngoài các lớp kỹ năng sống, kỳ nghỉ quân đội, gửi con đến các chùa học các phép tắc từ khóa tu là cách nhiều phụ huynh nghĩ đến khi tìm hiểu các hoạt động cho con mùa hè. Trước đây, các khóa tu mùa hè thường do các chùa, thiền viện tự tổ chức với quy mô nhỏ, nhưng gần đây nhiều trung tâm kỹ năng sống cũng kết hợp với các chùa để mở rộng lên đến vài trăm trẻ một mùa.

Tuy nhiên, không thể ép trẻ tham gia bất cứ lớp học kỹ năng sống, khóa tu, hay trại hè nào trẻ không muốn. Mỗi một đứa trẻ có nhu cầu, mong muốn tiếp cận thông tin khác nhau, vì thế phải tôn trọng sở thích cho con. Khóa tu mùa hè hay bất kỳ một khóa học về kỹ năng sống nào đều chỉ là những hạt mầm được gieo vào tâm hồn trẻ, nếu không có sự chăm chút hàng ngày tại gia đình thì những điều tốt đẹp sẽ khó gieo được vào đầu con trẻ".

Ông Trịnh Hòa Bình -

Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội học Việt Nam (Viện Xã hội học)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem