Hội nghị Trung ương 7: Quyết sách nhận được đồng thuận lớn

Nguyệt Tạ Thứ hai, ngày 14/05/2018 06:09 AM (GMT+7)
Hội nghị Trung ương 7 đã nhất trí thông qua Đề án về cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội (BHXH). Nhiều chuyên gia cho rằng đây là quyết sách đúng, trúng, tuy nhiên cần có giải pháp, lộ trình thực hiện đưa chính sách vào cuộc sống.
Bình luận 0

Giao quyền “trả lương” cho các đơn vị

Ông Phạm Minh Huân – Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH đánh giá cao việc Hội nghị Trung ương 7 đã đưa ra thảo luận và thông qua những vấn đề nóng về tiền lương và BHXH. 

Theo ông Huân, tất cả những bất cập về vấn đề tiền lương, Trung ương đã đánh giá, phân tích, tuy nhiên cần tiếp tục hoàn thiện lương khu vực ngoài nhà nước, trong đó tiếp tục thực hiện theo hướng thị trường có sự quản lý giám sát của Nhà nước. Riêng khu vực sự nghiệp công phải tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại ngân sách theo hướng đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị. Tức là giao quyền tự chủ các đơn vị trong tuyển dụng, trả lương. Các đơn vị sự nghiệp công như bệnh viện, trường học phải thực hiện quy chế tự chủ tài chính, để học sinh, bệnh nhân tự trả lương... cho cán bộ nhân viên khu vực này. Nhà nước chỉ thực hiện hỗ trợ cho người nghèo, người cận nghèo, đối tượng chính sách.

img

 Đề án cải cách BHXH hướng tới phổ cập BHXH toàn dân. ảnh: Tư liệu

“Khu vực công còn nhiều bất cập nhất, cơ chế trả lương chưa được đổi mới. Trung ương đã nhấn mạnh để thay đổi cần sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đánh giá cán bộ công chức, tăng nguồn, tăng ngân sách... để cải cách lương cho công nhân, viên chức. Điều này đáp ứng được đúng vấn đề mong mỏi của nhân dân. Vấn đề giờ thực hiện thế nào, giải pháp ra sao?” – ông Huân đặt câu hỏi.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương – chuyên gia tiền lương (Bộ LĐTBXH) cũng cho rằng thực tế đây là đề án cải cách được nhiều người dân kỳ vọng nhất. Mặc dù có nhiều điểm mới nhưng một số nội dung vẫn chưa cụ thể và cần bàn bạc để cụ thể hoá hơn. Ví dụ như thang bảng lương, việc trả lương theo công việc, hay thực hiện giao quyền tự chủ trả lương cho người đứng đầu cơ quan đơn vị.

Cần có giải pháp, lộ trình cụ thể

Theo ông Huân, từ việc thông qua tới thực hiện đề án là cả một vấn đề, chính vì vậy Trung ương cần có chương trình hành động, giao cho Chính phủ để Chính phủ giao cho từng cơ quan cụ thể. “Quan trọng nhất hiện giờ là phải rà soát lại chính sách pháp luật xem cái gì cần sửa đổi, bổ sung. Tiếp đó cần thể hiện quyết tâm chính trị của cả hệ thống, bởi bao giờ nói cũng dễ hơn làm” – ông Huân nói.

Về thời điểm thực hiện cải cách lương và BHXH, ông Huân cho rằng đề án đặt mục tiêu tới năm 2021 sẽ thực hiện cải cách lương và BHXH là hoàn toàn hợp lý. “Tuy nhiên, cũng cần phải cụ thể hoá xem từ nay tới thời gian đó chúng ta phải làm những gì. Ví dụ, công cuộc thực hiện tinh giản 10% biên chế như thế nào? Rồi ngân  sách chuẩn bị ra sao? Dự kiến các nguồn thu như thế nào?... Tất nhiên mình mong muốn cải cách ngay nhưng bộ máy còn nặng nề, nguồn chưa kịp bố trí thì rất khó nên cần phải có bước đi nhất định” – ông Phạm Minh Huân nói.

Riêng về vấn đề BHXH, ông Huân cho rằng đây là vấn đề không quá “nóng”, bởi thực tế từ năm 2014 khi làm Luật BHXH chúng ta đã có nhiều điều chỉnh cho chính sách phù hợp thực tiễn hơn. Có thể kể tới như tăng dần mức đóng, giảm mức hưởng BHXH, đa dạng hoá hình thức hưởng, tăng BHXH tự nguyện, BHXH bổ sung... Nhìn chung về cơ bản, nền tảng về BHXH đã có, giờ thực hiện cải cách chỉ là giải quyết nốt những vấn đề còn tồn đọng như: Độ bao phủ thấp, BHXH chưa đa dạng, khả năng mất cân đối quỹ, tăng tuổi nghỉ hưu...

Ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP.Hà Nội: 
Cuộc cách mạng trong cải cách tiền lương
Có thể nói so với những lần cải cách lần trước, đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động  trong doanh nghiệp được bàn tại Hội nghị T.Ư 7 lần này có nhiều điểm tiến bộ vượt bậc, có thể coi là cuộc cách mạng trong cải cách tiền lương. Nếu các nội dung của đề án được thực hiện, tôi cho rằng sẽ cơ bản thỏa mãn được nguyện vọng, mong muốn của đông đảo cán bộ công chức Nhà nước.
Bởi, đề án thể hiện tính sát thực cao, đưa ra những giải pháp giúp tăng năng suất lao động, phát huy nhiều tính sáng tạo của người lao động, khắc phục được tính cào bằng, bình quân chủ nghĩa trong việc phân phối tiền lương, nâng cao chất lượng cuộc sống - đó chính là mục đích cuối cùng, nguyên tắc chung của việc cải cách chính sách tiền lương.

Bà Nguyễn Thị Tuyến - Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội: 
Thời gian đóng BHXH 20 năm là phù hợp
Tôi đánh giá cao đề án cải cách chính sách BHXH, đề án được xây dựng công phu, bài bản, khoa học, có tính thực tiễn và khả thi cao. Một trong những nội dung quan trọng là các cơ quan xây dựng chính sách kiến nghị sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng hưu trí. Thực tế hiện nay, thời gian đóng BHXH có rất nhiều ý kiến: 10 năm, 15 năm, 20 năm và hiện tại đang hướng tới là 30 năm. Nhưng theo quan điểm của tôi, nên giữ ở mức cũ 20 năm là phù hợp với các đối tượng kể cả cán bộ công chức viên chức và người lao động. Vì nếu tính một chu kỳ một cuộc đời công tác 20 năm là phù hợp.
Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm hướng tới nhiều mục tiêu như: Đối phó với già hóa dân số, biến đổi của thị trường lao động, đảm bảo cân đối quỹ BHXH… Tuy nhiên, theo tôi, tăng tuổi nghỉ hưu phải tùy thuộc vào nhóm công việc.
Bên cạnh đó, tôi rất ủng hộ việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác có nhu cầu và có khả năng. Vì mở rộng đối tượng tham gia BHXH cập nhật chủ trương theo phát biểu của Tổng Bí thư, hướng tới triển khai BHXH toàn dân, còn BHYT đã phổ biến 84% và đang hướng tới BHXH.

Thành An (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem