Khách mời “nhặt sạn” cho Giai điệu Tự hào

Mai An Thứ bảy, ngày 29/11/2014 08:52 AM (GMT+7)
Các khách mời đưa ra những bình luận vừa phải, vừa nói được cảm xúc, vừa cung cấp thêm thông tin bên lề về ca khúc, tác giả cho khán giả, lại vừa “nhặt sạn” cho chương trình…
Bình luận 0
Tối 28.11, chương trình Giai điệu Tự hào với chủ đề “Tình đất đỏ miền Đông” phát sóng trên kênh VTV3 đã đem đến một đêm nhạc mượt mà, lắng đọng các ca khúc về “miền Đông gian lao mà anh dũng”.
img

Các thành viên của Hội đồng bình luận trẻ

Khác với số tháng 10 về chủ đề “Người Hà Nội” phần bình luận của hai đội đồng bình luận quá sa đà vào tranh cãi khiến khán giả bị phân tán sự tập trung vào ca khúc, số phát sóng vừa qua, điểm trừ này đã được khắc phục rất tốt.

Các khách mời lần đầu xuất hiện ở hội đồng bình luận lớn tuổi như nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến, nhà báo Tô Hoàng, GSTS Lê Thế Thự… và những gương mặt mới ở hội đồng trẻ như MC Lê Đỗ Quỳnh Hương, nhà báo Chu Minh Vũ, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Thanh, nhà văn Nguyễn Đình Tú, nhạc sĩ Giáng Son… đã làm rất tốt vai trò của mình.

Họ đưa ra những bình luận vừa phải, vừa nói được cảm xúc, vừa cung cấp thêm thông tin bên lề về ca khúc, tác giả cho khán giả, lại vừa “nhặt sạn” cho chương trình và “sửa lưng” nhau một cách nhẹ nhàng, dí dỏm. Chẳng hạn MC Lê Đỗ Quỳnh Hương, bằng sự tinh tế của mình đã chỉ ra cho ê kíp dàn dựng thấy, bài “Nhạc rừng” được nhạc sĩ Hoàng Việt viết trong hoàn cảnh tĩnh lặng, một mình ở câu hát “Có anh du kích đi qua khu rừng vắng, lắng nghe nhạc rừng tâm hồn vui phơi phới, anh cười một mình…” thế nên phần trình diễn của hai ca sĩ Hiền Thục- Lê Cát Trọng Lý có quá đông người minh họa tạo cảnh tấp nập nhộn nhịp là chưa hoàn toàn phù hợp.

Khách mời Trần Thị Trung Chiến thì góp ý với ca sĩ Quốc Thiên: “Ca sĩ hát về Vàm Cỏ Đông mà lại mặc áo gụ, khoác một cái tay nải và đầu thì chít khăn rìu thì rõ ràng là chưa phù hợp với bài hát. Nông dân miền Đông Nam bộ không bao giờ khoác cái tay nải như vậy”.

Trong số các ca khúc đơn ca và song ca của Giai điệu Tự hào số tháng 11, phần trình diễn của ca sĩ Quốc Thiên có lẽ là ít thành công nhất bởi chất giọng mảnh, phong cách nhí nhảnh trẻ trung thái quá của người hát đã khiến giá trị của ca khúc bị giảm bớt phần nào. Cho dù chương trình muốn làm mới một ca khúc đến đâu thì có lẽ cũng đừng nên khiến nó thành mới quá, trẻ trung quá, bởi những lời nhạc đằm thắm đầy trải nghiệm cất lên từ trái tim “Anh mãi gọi với lòng tha thiết, Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông…” dù sao vẫn cần một cách hát chín chắn, lắng đọng hơn.

img
Ca sĩ Thanh Thúy trình bày ca khúc “Dáng đứng Bến Tre”.

 

Rất nhiều câu chuyện cảm động, tự hào được các khách mời đem đến cho khán giả, đặc biệt là về nhạc sĩ Hoàng Việt- một liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Người đã từ chối những ưu đãi và đầy đủ vật chất ở Hungary, quyết tâm trở về sát cánh với đồng đội và nhân dân chống giặc, đem đến những tác phẩm vô cùng giá trị như “Tình ca”, “Lá xanh”, “Lên ngàn”, “Nhạc rừng”… rồi nằm lại ở một chiến trường miền Đông nào đó.

Bao nhiêu con người tài năng như nhạc sĩ Hoàng Việt đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh, thầm lặng hiến dâng cuộc đời mình cho Tổ quốc. Nhà báo Tô Hoàng xúc động kể: “Hồi đó anh chị nghệ sĩ hòa vào với chiến sĩ và nhân dân, cùng ăn cùng ngủ, cùng chiến đấu, cùng lao động, cùng vui buồn nên các sáng tác của họ lắng sâu, tha thiết và giá trị lắm. Vì đó chính là tác phẩm được viết bằng cuộc sống”.

Những ca khúc về miền Đông, như “Dáng đứng Bến Tre”, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”, “Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long”, “Tình đất đỏ miền Đông”, “Nhạc rừng”, “Vàm Cỏ Đông” đã mang đến một không gian âm nhạc ngập tràn cảm xúc. Vừa yêu thương, vừa tự hào về một vùng đất ruột thịt của đất nước với những con người vững chãi như thành đồng, gan dạ dũng cảm mà vẫn vô cùng lãng mạn, tài hoa.

Những ca khúc của một thời thực sự trở thành niềm tự hào cho các thế hệ đi sau dường như có một mẫu số chung, đó là giá trị nhân bản. Chúng được viết ra bởi một thế hệ nhạc sĩ đã thực sự yêu thương và hòa mình vào với khó khăn, gian khổ, mất mát của dân tộc, chỉ riêng điều đó đã là yếu tố quyết định cho sự thành công.

“Tình đất đỏ miền Đông” là một đêm nhạc đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem