Khi trẻ em "mất tích"

Thứ hai, ngày 21/11/2011 17:09 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại xã N'Thôn Hạ, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng vừa xảy ra một vụ tra tấn trẻ em chẳng khác tù nhân. Nạn nhân là em Đinh Văn Dấu (16 tuổi), người dân tộc H’rê ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định bị "mất tích" cách đó 5 ngày.
Bình luận 0

Dấu nghe theo lời một người môi giới, hay còn gọi là "cò lao động", rủ lên Tây Nguyên để hái cà phê với mức lương "khủng", chẳng mấy chốc sẽ mua được điện thoại di động và xe máy hộp - những thứ mà nhiều thiếu niên là con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Trung đang mơ ước.

Chỉ sau 2 ngày nhập môn với công việc hái cà phê, giấc mơ về việc "đổi đời" của cậu thiếu niên nọ tan thành mây khói. Dấu quyết định trốn khỏi nơi làm thuê và bị bắt lại. Những trận đòn nổ đom đóm mắt, vừa bị xích vào chân giường, vừa bị bỏ đói, nhịn khát đã giáng xuống Đinh Văn Dấu, suýt nữa thì cậu ta mất mạng.

Ông chủ thuê hái cà phê đã tiếc 1,8 triệu đồng mà ông ta đã bỏ ra để "mua" lại Dấu từ người môi giới nên đã không nương tay khi đánh đập cậu thiếu niên này.

Công việc quá sức mình, phải làm mỗi ngày 10 tiếng, không nghỉ ngơi, điều kiện ăn ở thiếu thốn là nguyên nhân dẫn đến nhiều cuộc đào thoát của số lao động là con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Trung lên Tây Nguyên để tìm vận may đổi đời. Thế nhưng, những vụ "trẻ em mất tích" vẫn đang tiếp diễn ở các tỉnh miền Trung.

Cách đây mấy hôm, tại huyện vùng cao Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi, cùng lúc "mất tích" 10 thiếu niên người Cor, tuổi từ 12-15, đang còn học phổ thông cơ sở. Chính quyền và công an địa phương tỏ ra bối rối trước tin "mất tích" này, nhưng cha mẹ các em thì chẳng lạ gì trước việc con em họ bỗng dưng biến mất khỏi nhà. Chúng nó nghe theo đám cò lao động rủ rê lên Tây Nguyên hái cà phê để mong "đổi đời" chứ nào có mất tích đi đâu!

Trẻ em, nhất là trẻ em con đồng bào thiểu số rất hồn nhiên và thích sống tự do. Ngay cả chuyện học, chúng cũng thích thì học, chán thì nghỉ. Các em cũng thích đua đòi ăn diện và sử dụng các loại hàng xa xỉ như máy nghe nhạc, điện thoại di động, kể cả xe máy. Vì vậy, chỉ cần nghe ai đó dụ dỗ, đưa ra các khoản thu nhập hấp dẫn là sẵn sàng bỏ học, bỏ nhà, trốn cha mẹ đi theo ngay.

Khi giáp mặt với thực tế công việc hàng ngày mà mình phải nếm trải, các em ấy mới nhận ra rằng mình bị mắc lừa. Khi nhận ra điều đó thì đã quá muộn. Học hành dở dang đã đành mà tìm đường về quê cũng khó, vì trong túi không có tiền, lại không biết đường về, thậm chí bị bắt lại và bị đánh đập tàn nhẫn, như trường hợp của Đinh Văn Dấu trên đây.

Bình quân mỗi huyện vùng cao miền Trung hiện nay có từ 50-100 trẻ em "mất tích" mỗi năm. Không biết số phận của chúng ra sao khi phải rơi vào những cạm bẫy rất dễ trở thành tội phạm, hoặc bị bắt làm nô lệ lao động hết cả tuổi thơ của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem