“Kho báu” bí ẩn của người Arem

Thứ sáu, ngày 18/06/2010 11:30 AM (GMT+7)
(NTNN) - Các nhà khoa học khẳng định, người Arem có gia tài văn hoá rất đặc biệt. Họ có ngôn ngữ, có phong tục với những bí ẩn lạ lẫm, chưa khám phá hết.
Bình luận 0
img
Bà mẹ trẻ Arem.

Năm 1956 khi lần đầu tiên người Arem (được xếp là một nhánh của dân tộc Chứt) được phát hiện ở Quảng Bình, họ chỉ có trên dưới 100 người. Cuộc sống người Arem nguyên thuỷ trong những hang đá hoặc dưới rèm đá ở rừng già Phong Nha - Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Thời điểm đó, người ta cho rằng người Arem ngoài cuộc sống ăn lông ở lỗ ra họ không có bất cứ tài sản nào về tinh thần. Thế nhưng mới đây, họ bắt đầu “hồi sinh” mạnh mẽ. Nếu ta gặp bất cứ một người Arem nào và hỏi: Anh thuộc tộc người nào? Người Arem sẽ không ngần ngại nói: “Chăm rău Arem”- nghĩa là “tôi là người Arem”.

Cách thể hiện này đã gây sự chú ý mạnh với các nhà ngôn ngữ học. Trong một nghiên cứu của mình, nhà ngôn ngữ học Trần Trí Dõi đã không tiếc lời rằng “ngôn ngữ và văn hoá người Arem hấp dẫn giới ngôn ngữ đến kỳ lạ. Đó là hình ảnh của tiếng Việt thời cổ xưa, như một nhà bảo tàng lưu giữ các giai đoạn phát triển của tiếng Việt, là di chỉ cần “khảo cổ” để tìm hiểu lịch sử tiếng Việt”.

Cũng theo nhà ngôn ngữ học Trần Trí Dõi: “Trước đây, giới ngôn ngữ học rất khó khăn trong việc chứng minh tiếng Việt xưa kia là song tiết (hai tiếng), qua quá trình vận động nó đã chuyển hẳn sang thứ ngôn ngữ đơn tiết (một tiếng).

Khi tìm hiểu tiếng Arem và nhiều ngôn ngữ khác tương tự người ta đã giải thích được quá trình này. Dạng thức hai âm tiết rất phổ biến trong tiếng Arem, nếu người Việt nói gió, đất, là một tiếng thì người Arem gọi gió là kaja, đất là atăk. Ngoài ra, căn cứ vào âm tiết, các nhà ngôn ngữ còn nghiên cứu tiếng Arem về mặt thanh điệu (dấu) để chứng minh tiếng Việt xưa kia là ngôn ngữ chưa có dấu.

Tuy nhiên rất đáng tiếc, hiện nay ngôn ngữ Arem chỉ còn mỗi tiếng nói, không ai tìm được gia tài chữ viết của họ “cất giấu” ở đâu. Tuy còn tiếng nói nhưng người Arem chỉ dùng trong cộng đồng. Những tộc người láng giềng như Ma Coong, Rục, Mày, Sách, Kinh... ít người nói được tiếng Arem.

Nhưng hầu như người Arem nào cũng nói được tiếng của những tộc láng giềng, gặp người Khùa họ nói tiếng Khùa, gặp Ma Coong họ dùng tiếng Ma Coong để giao tiếp.

img
Phụ nữ Arem uống rượu cần trong ngày lễ Tết.

Sự hấp dẫn của ngôn ngữ Arem trong bài viết này không thể chi tiết hoá được, chỉ xin nói thêm sự hấp dẫn ấy đã cuốn hút nhiều nhà ngôn ngữ của Pháp, Nga, Nhật... đã vượt nghìn trùng đến cùng sống, cùng ăn, cùng ở với người Arem để khám phá bí ẩn ngôn ngữ của họ.

Với người Arem, mỗi dịp ai sinh con gái họ liền mở rượu ăn mừng. Theo các già làng người Arem thì con gái là tài sản quý của dòng họ. Con gái đến tuổi lấy chồng, con trai phải làm lễ bỏ của theo yêu cầu của nhà gái”. Lễ bỏ của phải có 5 hũ rượu, 10 nén bạc, 2 con gà trống và tiền mặt.

Thế nhưng theo già làng Đinh Lầu, “Lễ bỏ của bên nhà gái do cậu ruột quyết định và hưởng trọn vẹn, bố mẹ của cô gái không được gì. Cưới xong cô gái đi làm dâu, nếu bên chồng làm việc gì để cô gái bỏ về thì chồng phải chuẩn bị 3 hũ rượu, 3 con gà trống và cả tiền mặt nữa qua nhà gái gặp cậu làm lễ xin lại vợ. Cậu đồng ý mới được mang vợ về, nếu để vợ bỏ về lần nữa thì lễ xin vợ tăng lên gấp đôi”.

Tôi hỏi có ai đặt lễ xin vợ lần hai chưa? Già Đinh Lầu ra hiệu: “Nhà nào cũng đặt lễ xin lại vợ nhiều lần vì chồng say rượu hay gây gổ”. Tôi ngạc nhiên- tiền đâu để đặt lễ? Đinh Đe thủng thẳng: “Không ai đủ lễ cả. Ai cũng xin khất. Già đây cũng đã xin khất nhiều lần. Lễ xin vợ không trả hết thì về ở nhà cậu làm lụng mà trả lễ cho cậu...”.

Trong thăm thẳm mênh mông núi rừng, người Arem như hiện thân của nhiều bí ẩn nguyên sơ. Trong gia tài bản sắc của họ có những vỉa tầng đáng để các nhà nghiên cứu quan tâm và cũng có những điều còn mang tính hủ tục cần từ bỏ để vươn tới con đường hoà nhập cộng đồng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem