Chủ đề nóng
Khổ sở đòi bảo hiểm tai nạn tàu thuyền
Ngày 15.10.2014, tàu ông Tẩn bị bục mạn do va vào vật ngầm tại khu vực biển Trường Sa. Rất may một tàu cá Phú Yên kịp tiếp ứng. Thế nhưng chỉ kịp cứu thoát 6 ngư dân, còn con tàu bị nạn đã chìm nhanh, đành phải thả đắm giữa khơi.

“Bảo Minh Bình Định nói “bó tay” vì không thể vượt qua thủ tục, điều lệ. Trường hợp tàu tôi chỉ được hỗ trợ nhân đạo; tôi đi thanh toán bảo hiểm mà… hỗ trợ gì! Họ bảo tôi phải khăn gói vô Sài Gòn gặp Tổng Giám đốc Bảo Minh thì may ra mới được” - ông Tẩn đau khổ nói.
Hơn 2 năm rồi, ông Phan Thành Đắc (ở TP.Tuy Hòa, Phú Yên) vẫn chưa thể nguôi ngoai với cú “bó phép” khi thanh toán bảo hiểm tàu cá PY-90973 (410CV, trị giá 1,3 tỷ đồng) bị va đá ngầm, phải bỏ đắm giữa khơi ngày 16.9.2012. Sau tai nạn, ông Đắc ôm bó hồ sơ đến Bảo Long Phú Yên (chi nhánh Công ty CP Bảo hiểm Nhà Rồng) để yêu cầu giải quyết bảo hiểm thân tàu (được định giá 700 triệu đồng) nhưng bị từ chối thẳng vì “thiếu bằng hạng 4” (trong lúc ông Đắc mới có bằng thuyền trưởng, máy trưởng hạng 5).
Theo ông Đắc, mỗi năm gia đình phải đóng phí bảo hiểm cho con tàu trên hơn 10 triệu đồng. Con tàu vừa được gia đình đổ vốn thay máy mới từ công suất 165CV lên 410CV. Thời điểm đó, ông Đắc rất muốn thi nâng hạng 4 nhưng tại Phú Yên không có khóa học nên đành phải chờ đợi. Đến khi gặp nạn thì… hỡi ôi!
Còn theo ông Nguyễn Hữu Thanh - Giám đốc Công ty Bảo Việt Phú Yên, điều lệ của Bảo Việt có quy định, nếu tàu cá nào còn thiếu một số “bằng cấp” thì chủ tàu phải đóng thêm phụ phí và khi thanh toán bảo hiểm sẽ bị khấu trừ một phần, chứ không “thẳng thắn lắc đầu”.
Rõ ràng, điều khoản này của Bảo Việt có phần “dễ thở” hơn cho bảo hiểm tai nạn tàu cá, nhưng sao chẳng thấy “nhân rộng”…?