Kiếm tiền từ... hít thuốc sâu

Thứ năm, ngày 27/03/2014 06:20 AM (GMT+7)
Mỗi khi mùa thu hoạch lúa đến, ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh “một nắng, hai sương” của người nông dân. Ít ai biết đóng góp cho thành quả ấy là công của những người phun thuốc thuê...
Bình luận 0
Nghề “hít độc”

Mấy năm qua, các tỉnh ĐBSCL đã tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa. Khi không còn lũ, lượng dinh dưỡng trong đất ngày càng nhạt đi do không được phù sa bồi tụ, nên dịch bệnh nhiều hơn. Mặc dù ngành nông nghiệp đang triển khai nhiều chương trình sản xuất lúa theo hướng bền vững như mô hình 1P5G (1 phải, 5 giảm) hay mô hình công nghệ sinh thái còn gọi là mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” nhằm giúp nông dân giảm các chi phí đầu vào thì các mô hình canh tác truyền thống vẫn được phần đông nông dân duy trì.

Với mô hình truyền thống, thuốc BVTV được sử dụng hầu như ở các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và thường được phun với liều lượng cao vì đây được xem là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định năng suất cây trồng. Do không thể đảm đương hết các khâu phun thuốc và bón phân, các chủ ruộng phải nhờ đến nhóm lao động địa phương. Điều này tạo điều kiện cho nghề phun thuốc thuê ra đời.

Phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
Phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Hiện nay, phun thuốc thuê là loại lao động nông nghiệp thời vụ đang rất phổ biến trong các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là ở An Giang. Do phải tiếp xúc thường xuyên với thuốc BVTV trong quá trình lao động, người phun thuốc thuê luôn đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe mà chính bản thân, gia đình họ và cả cộng đồng phải gánh chịu.

Thực tế cho thấy nhóm lao động này trong thời gian qua vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết (bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động, và các khoản trợ cấp tài chính cần thiết) từ các cấp chính quyền, các cơ sở y tế địa phương và những người trực tiếp thuê mướn lao động trong trường hợp bị nhiễm độc. Những rủi ro về sức khỏe mà người phun thuốc thuê thường xuyên phải đối mặt khiến cho cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn.

Lấy sức khỏe đổi thu nhập


Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông thôn, Đại học An Giang năm 2011 tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, tỷ lệ người phun thuốc thuê chiếm số lượng khá đông và chủ yếu là lao động địa phương. Phần lớn họ không có đất canh tác và không có nghề nghiệp ổn định. Những thanh thiếu niên nghỉ học nếu không di cư lao động ở khu công nghiệp sẽ tham gia phun thuốc thuê do nghề này dễ làm và dễ kiếm tiền nếu có sức khỏe tốt.

Số bình phun trung bình cho mỗi lao động tăng lên (gần 40 bình/ngày) so với 32 bình/ngày (sử dụng bình gạt tay). Điều này giúp tăng thu nhập nhưng lại gây tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe đối với người phun thuốc thuê.

Hiện nay, do nhu cầu phun thuốc ngày càng nhiều nên người phun thuốc thuê thường liên kết với nhau. Các thành viên trong nhóm là những người thân trong gia đình hoặc người hàng xóm với nhau.

Nhằm tăng năng suất lao động, hiện nay đa số người phun thuốc thuê sử dụng bình phun động cơ (25 lít) thay cho bình gạt tay (16 lít) như trước đây. Vì vậy, số bình phun trung bình cho mỗi lao động tăng lên (gần 40 bình/ngày) so với 32 bình/ngày (sử dụng bình gạt tay). Điều này giúp tăng thu nhập nhưng lại gây tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe đối với người phun thuốc thuê do tần suất phun nhiều hơn và thời gian tiếp xúc thuốc lâu hơn.

Hiện nay, chưa có cơ chế pháp lý về hợp đồng thuê mướn giữa chủ ruộng và người phun thuốc thuê. Điều này có nghĩa là khi sử dụng lao động, chủ ruộng không phải ký hợp đồng lao động với người phun thuốc thuê và do đó cũng không chịu trách nhiệm liên đới nào khác. Tiền công được tính trên số lượng bình phun.

Với cách làm này, trong trường hợp người phun thuốc thuê bị nhiễm độc thì họ phải tự lo các chi phí điều trị. Do không bị ràng buộc bởi các hợp đồng thuê mướn lao động, các chủ ruộng cho rằng họ không chịu trách nhiệm hỗ trợ người phun thuốc thuê khi họ bị nhiễm độc. Lý do chính là người phun thuốc thuê không chỉ có làm việc cho một chủ ruộng duy nhất. Tuy nhiên, một số ít chủ ruộng vẫn có những hỗ trợ nhất định nhưng không đáng kể.

Quá trình phát triển nông nghiệp nhanh hiện nay ở nông thôn đã có tác động rõ rệt đối với lực lượng phun thuốc thuê. Vì vậy, các địa phương cần có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ người lao động nông thôn, đặc biệt là người phun thuốc thuê. Sự quan tâm của cộng đồng gắn liền với công tác nâng cao nhận thức cho nhóm lao động này là rất cần thiết. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững đồng thời ứng dụng các mô hình sản xuất hữu cơ hướng tới giảm thiểu và loại trừ thuốc BVTV.

Các chủ ruộng yêu cầu phun các loại thuốc cực độc như Alika, Tungcydan, Docytox và Kinalux gây nóng và ngứa rất khó ngủ. Việc lựa chọn thuốc, liều lượng phun và phối trộn thuốc là do chủ ruộng quyết định. Người phun thuốc chỉ thực hiện theo yêu cầu và hướng dẫn của chủ ruộng. Chủ ruộng chỉ trả tiền công phun thuốc theo số bình phun chứ không có trách nhiệm hoặc hỗ trợ gì cho người phun thuốc. Chính tôi trước đây đã từng bị nhiễm độc và được đưa đến bệnh viện nhưng chủ ruộng không hề có một sự hỗ trợ nào.
Anh Lê Văn Tài, người phun thuốc thuê xã Vĩnh Bình, Châu Thành (An Giang)


Thạc sĩ Trần Anh Thông - giảng viên Trường Đại học An Giang (Thạc sĩ Trần Anh Thông - giảng viên Trường Đại học An Giang )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem