Junaid Ahmed thú nhận mình bị nghiện chụp ảnh "tự sướng"
Với khoảng 50.000 người theo dõi trên mạng xã hội Instagram, mỗi lần chia sẻ ảnh là một khoảnh khắc “hồi hộp” với Ahmed. Anh phải chọn bức hình để có nhiều lượt thích (like) nhất, những bức hình chỉ dưới 600 “like” sẽ bị loại bỏ ngay lập tức.
“Khi tôi đăng ảnh, trong 1-2 phút đầu tiên tôi có thể được 100 ‘like’ và máy điện thoại rung lên như điên, nó thật là tuyệt và tôi yêu cảm giác đấy”, Ahmed cho biết.
Theo một nghiên cứu của trường Đại họ Nottingham Trent (Anh) kết hợp với Học viện Quản trị Thiagarajar (Ấn Độ), ám ảnh với việc chụp hình “tự sướng” là một tình trạng có thật và được gọi là “Selfitis”. Được biết, việc luôn cảm thấy bị thôi thúc phải chụp ảnh và đăng tải lên mạng xã hội nhiều hơn 6 lần/ngày sẽ bị coi là “Selfitis” mãn tính, hay nói một cách đơn giản là nghiện “tự sướng”.
Bản thân Ahmed thú nhận rằng, thói quen “selfie” liên tục của anh đã khiến người thân xung quanh khó chịu.
“Họ thường bảo ‘cậu có thể ăn mà không chụp ảnh được không?’”, Ahmed nhớ lại. “Tôi đã trả lời rằng ‘không, tôi mất 3 tiếng chuẩn bị cho việc này’. Tại sao tôi không được phép chụp ảnh chứ?”.
Ahmed còn cho biết rằng những bình luận ác ý bên dưới những bức hình anh đăng không còn làm anh phiền lòng giống như trước kia nữa. Thế nhưng, những tấm hình ảo lại đang biến đổi con người thật của anh.
“Mấy năm trước tôi chưa trông như thế này. Tôi hồi đó trông tự nhiên hơn. Nhưng tôi nghĩ việc ‘nghiện’ mạng xã hội khiến tôi muốn nâng cấp bản thân mình lên”, Ahmed chia sẻ. “Giờ tôi đã làm lại bọc trắng lại răng, bơm cằm, xương quai hàm, độn má, môi, tiêm botox dưới mắt và trên trán, xăm mày và nhiều thứ khác nữa”.
“Tôi chỉ muốn hòa nhập”
Danny Bownman khi còn là một thiếu niên cũng chụp cả trăm tấm hình mỗi ngày
Danny Bowman, năm nay 23 tuổi, cũng từng bị ám ảnh vởi việc chụp hình “tự sướng” và đăng lên mạng xã hội khi còn là một thiếu niên.
“Tôi chỉ muốn hòa nhập và tôi nghĩ cách tốt nhất để làm điều đó là trông thật bảnh bao”, anh nhớ lại.
Theo BBC, Bowman từng dành khoảng 10 tiếng đồng hồ cho việc chụp ảnh và phân tích điểm xấu. Việc này đã trở thành 1 vòng luẩn quẩn, khiến anh bế tắc tới mức tìm đến cái chết vào năm 16 tuổi.
“Có nhiều lúc tôi đã nằm dài trên giường và nghĩ ‘làm sao để có thể thoát khỏi việc này’. Tôi cảm thấy như mình không còn đường thoát thân nào nữa”, Bowman cho biết.
Hiện tại, Hội Hoàng gia về Sức khoẻ Cộng đồng Anh (RSPH) đang kêu gọi chính phủ và các nền tảng mạng xã hội đưa ra các cảnh báo trên điện thoại. Các cảnh báo này sẽ hiện lên màn hình sau mỗi 2 tiếng đồng hồ trực tuyến, cảnh báo người dùng về những ảnh hưởng của việc nghiện mạng xã hội.
“Cứ 10 thiếu niên thì có 7 em nói rằng chúng nhận được sự ủng hộ từ những người bạn ở mạng xã hội vào những lúc khó khăn”, Giám đốc điều hành RSPH Shirley Cramer tiết lộ. “Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng chính các mạng xã hội cũng là tác nhân hàng đầu của trầm cảm và lo lắng căng thẳng”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.