Nếu như trước năm 2011, ở ấp Tuấn Tú (An Hải, Ninh Phước) nhìn đâu cũng thấy đất bỏ hoang, cát bay và xương rồng, thì hiện nay, ngay giữa thời điểm hạn hán khốc liệt, ốc đảo này được phủ xanh bởi măng tây, hành, cải…
Tưới tiết kiệm cứu tinh
Một trong những nông dân có công lớn phủ xanh ốc đảo này là anh Hứa Văn Sắn. Năm 2010, anh Sắn tham gia vào Dự án MIT (Xây dựng mô hình tưới tiết kiệm cho hộ nông dân nghèo Nam Trung Bộ) để nhận hỗ trợ một hệ thống tưới tiết kiệm nước cho nửa sào đất. Theo anh Sắn, nhà có 3 sào đất, trước năm 2010, để có nước tưới rau anh phải đào một cái giếng chứa hàng chục khối nước. Vì tưới tràn nên dù có cố gắng tiết kiệm mấy thì vào mùa hạn giếng nước này vẫn không đủ tưới cho một sào đất trồng đậu phộng, hành, cải.
Anh Hứa Văn Sắn (phải) - ấp Tuấn Tú, An Hải, cùng nhân viên Dự án MIT đang đi thăm vườn măng tây. Ảnh: T.Đ
Thế nhưng, từ khi nhận sự hỗ trợ của dự án MIT, từ hệ thống tưới tiết kiệm được hỗ trợ, anh đã tự nhân rộng ra cho số diện tích đất còn lại, rồi chuyển sang hoàn toàn trồng măng tây. “Ở vùng đất khô hạn thường xuyên này, tưới tràn thì không sao lo cho đủ nước. Vì thế, đất đai ở đây người dân cứ bỏ hoang. Thế nhưng, từ khi Dự án MIT được triển khai ở đây thì màu xanh của rau, cải… phủ dần những mảnh đất bỏ hoang. Đất đai ở đây bây giờ chẳng ai bỏ hoang nữa. Thậm chí, mỗi ha giá bạc tỷ”- anh Sắn cho biết.
Đi sâu vào động cát Nam Cương (An Hải) màu xanh của hoa màu cũng đang phủ xanh ốc đảo này. 4 năm trước, ốc đảo này gần như bỏ hoang vì khô khốc quanh năm. Thấy hệ thống tưới tiết kiệm phát huy hiệu quả tại ấp Tuấn Tú, nhiều nông dân ấp Nam Cương bắt đầu tự trang bị hệ thống tưới tiết kiệm. Giờ nhìn đâu trên ốc đảo này cũng thấy những cột béc nước nhô cao phun tí tách trên những cánh đồng nông sản xanh mát mắt.
Dưới cái nắng chang chát, anh Phan Nhất Linh đang điều khiển hệ thống tưới tiết kiệm hoạt động cho hơn 1ha cà rốt 5 tuần tuổi. Anh Linh cho biết, đã bỏ ra hơn 50 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới này. “Thực tế từ khi có hệ thống tưới tiết kiệm tôi mới đầu tư trồng trọt trên mảnh đất này vì tưới tràn là không thể”- anh Linh nói.
Theo ông Trần Khánh Ninh – Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết, từ khi xã có hệ thống tưới tiết kiệm, diện tích đất nông nghiệp tăng lên hơn 300ha. “Hiện đi đâu ở Ninh Thuận cũng thấy đất bỏ hoang, nứt toác vì nắng hạn khốc liệt, nhưng ở xã này nông sản vẫn phủ xanh là nhờ tính hiệu quả thiết thực của hệ thống tưới tiết kiệm”- ông Ninh nói.
Đẩy lùi sa mạc hóa
Quan điểm
Hiện đi đâu ở Ninh Thuận cũng thấy đất bỏ hoang, nứt toác vì nắng hạn khốc liệt, nhưng ở xã này nông sản vẫn phủ xanh đấy là nhờ tính hiệu quả thiết thực của hệ thống tưới tiết kiệm.
Hiện mô hình tưới tiết kiệm đã nhân rộng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh Ninh Thuận. Đa số nông dân sử dụng công nghệ tưới MIT đều chủ động nguồn nước để sử dụng. Phổ biến nhất là nước ngầm thông qua giếng khoan. Một số nơi người dân còn sử dụng cả nước máy để tưới do chi phí thấp hoặc diện tích ít như: Phước Thái, Hòa Sơn…
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận Đặng Ngọc Quang, hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang có một số trường, viện thực hiện thí điểm mô hình tưới tiết kiệm. Việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm giúp nông dân khai thác, sử dụng nguồn nước hợp lý, có hiệu quả hơn. Hệ thống này đem đến cơ hội cho việc canh tác ở các vùng đất trước đây bị bỏ hoang do thiếu nguồn nước tưới, thiếu công cụ hỗ trợ cũng như phương pháp sản xuất hiệu quả. Điều này góp phần làm hạn chế nguy cơ sa mạc hóa, cũng như hạn chế biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Văn Ngọt – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, đơn vị thực hiện Dự án MIT trên địa bàn cho biết, Dự án MIT sẽ tiếp tục triển khai cho đến cuối năm nay. Sau gần 5 năm triển khai Dự án MIT, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có hơn 450 hộ được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm với gần 120ha đất. “Việc sử dụng nước tiết kiệm trong nông nghiệp là hoàn toàn phù hợp và cần thiết với điều kiện khô hạn, thiếu nước như ở tỉnh Ninh Thuận”- ông Ngọt cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.