Mình có vô duyên không?
Lê Cát Trọng Lý - cô ca sĩ 25 tuổi có đôi mắt to đen tròn và thông minh lanh lợi hiếm có trong giới âm nhạc. Nó khiến cho cô trông thật khác biệt giữa những nữ ca sĩ xinh đẹp gợi cảm của showbiz Việt. Trong khi họ xuất hiện rất nữ tính với váy, giày cao gót, khuôn mặt trang điểm kỹ thì Lý bụi bụi, “dơ dơ” theo cách nói của cô. Tóc Lý bù xù, quần áo chẳng có vẻ gì là nữ tính, nhưng khi Lý cất tiếng hát và cười, người nghe vẫn cảm nhận được “Là con gái thật tuyệt” như tên một ca khúc được yêu thích của cô.
|
Ký họa Lê Cát Trọng Lý trên bìa CD đầu tay của cô. |
Lý bảo khi cô sinh ra, cha cô cứ nghĩ sẽ được đón một cậu con trai nên để dành sẵn cái tên Lê Trọng Lý, chẳng ngờ đó lại là cô con gái thứ 3 trong gia đình, ông thêm cho chữ “Cát” để bớt phần nam tính. Vì cái tên “trúc trắc” ấy mà Lý mặc cảm suốt một thời tuổi thơ, cho đến khi cô tìm được mình trong âm nhạc.
24 tuổi, trong khi các nữ ca sĩ khác còn mải mê với những show diễn có thể giúp họ khẳng định tên tuổi ở các thành phố lớn thì Lý cùng với nhóm Du ca gồm 16 thành viên của mình lên một chuyến xe bắt đầu đi “phượt”. Lý đến với những người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa, hang cùng ngõ hẻm, từ miền biển tới núi cao, từ khu chợ đến cánh đồng, hát phục vụ miễn phí, không nhận một đồng thù lao nào. Chuyến đi của cô xuất phát từ TP.Huế trở ra Quảng Trị, Quảng Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, rồi ngược lên Yên Bái, Sa Pa, sau đó lại trở về Hà Nội.
Lý xuất phát vào cuối tháng 9 đầu tháng 10.2011, khi bão số 6 đổ bộ vào miền Trung, đi đến Nghệ An, Thanh Hóa vào đúng dịp bà con nông dân đang phải gặt lúa chạy lũ. Lý kể hôm đó đoàn Du ca dừng xe ở một cánh đồng ven Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Những người nông dân đang tất bật gặt lúa rồi gánh về, Lý cất tiếng hát mà trong lòng tự hỏi: “Mình có vô duyên không nhỉ, các bác ấy thì đang tất bật làm việc thế kia, trên đầu thì bầu trời vần vũ mây đen kéo tới chuẩn bị trút xuống một trận mưa mà lại đàn hát thế này”.
|
Lê Cát Trọng Lý hát trên đồng ruộng ở Thanh Hóa. |
Nhưng cô ca sĩ bé nhỏ lại nhủ lòng: “Thôi kệ, mình hát để cho các bác ấy vui là chính”. Rồi cô lội xuống ruộng, ôm đàn ghita và hát hết bài này đến bài khác, “Trời ơi”, “Chênh vênh”, “Chuyến xe”, “Nghe tôi kể này”... Những người nông dân thấy cô hát đã chuyển từ ngạc nhiên sang thích thú, họ vừa làm việc vừa lắng nghe.
Một bác nông dân gánh trên vai gánh lúa nặng dáo dác nhìn trời rồi bảo Lý: “Cô đợi tôi về cất xong gánh lúa này đã nhé, rồi tôi quay ra ngay, cô lại hát tiếp cho tôi nghe mấy bài nữa”. Lý bảo cô vui khi lần đầu tiên trong đời, cô được nghe một yêu cầu thành thật từ người nông dân chân chất ấy.
Không có tiếng vỗ tay
Tất cả những buổi biểu diễn của Lý đều “tổ chức” rất ngẫu hứng, ven đường, bên suối, ở một khu chợ nhỏ tại Huế, ở đèo Ngang, ở những cánh đồng Nghệ An, Thanh Hóa, ở ngôi làng Công giáo xứ đạo Phát Diệm, Ninh Bình hay ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai)... Nghe cô hát xong, nông dân không vỗ tay như khán giả thành phố, chỉ gật gật cái đầu, bảo: “Ờ, cô này người bé mà hát hay thế”.
Có những kỷ niệm Lý không thể nào quên về một người đàn ông dáng vất vả dắt một chiếc xe máy cũ kỹ qua con suối ở Tú Lệ (Văn Chấn, Yên Bái), thấy nhóm của Lý đàn hát, người ấy dừng xe lại nghe, tiện thể lấy nước suối rửa luôn chiếc xe máy, nghe Lý hát mà tự nhiên trên khuôn mặt ông chảy dài nước mắt. Có người trong đoàn của Lý hỏi sao chú buồn vậy, người đàn ông trả lời: “Từ bé tới giờ tôi mới được nghe hát thế này, tự nhiên nước mắt nó cứ chảy ra”.
Cũng ở ven con suối ở Tú Lệ, có hai chị em cô bé người dân tộc Mông cứ lấp ló đứng ở bờ bên kia nghe Lý hát, má chúng đỏ hồng vì lạnh, nhút nhát và rụt rè, hai chị em đứng nghe Lý nhưng không dám nhìn thẳng vào cô. Lý bảo: “Đi thế này mới thấy còn nhiều người không có cơ hội được vui, điều quý giá nhất là mình đã mang được một chút niềm vui đến cho họ”.
... phía sau chiếc xe ô tô của đoàn, các em học sinh người dân tộc đã viết: “Chúc vui vẻ, các anh chị đã đến thăm Mù Cang Chải và đem niềm vui đến trường”.
Đêm hát ở Trường THPT Mù Cang Chải, Lý hát ngay trên sân trường, học sinh, thầy cô giáo ở đó vui lắm, khuya rồi mà còn mời cả đoàn đi uống rượu, và sáng hôm sau, khi rời đi, phía sau chiếc xe ô tô của đoàn, các em học sinh người dân tộc đã viết một dòng chữ còn sai chính tả: “Chúc vui vẻ, các anh chị đã đến thăm Mù Cang Chải và đem niềm vui đến trường”. Lý bảo dòng chữ ấy, cô không bao giờ muốn xóa đi nên đã chụp ảnh để lưu lại làm kỷ niệm.
Kết thúc chuyến du ca, Lý gầy và đen hơn, cô ca sĩ bé nhỏ đã mang vác đồ đạc cùng đoàn mình, ngủ trong những nhà trọ bình dân nhất để tiết kiệm chi phí cho chuyến đi và đem niềm vui đến với nhiều miền đất hơn. Lý đi vì trân trọng những khán giả nông thôn của cô, những người cả đời chưa một lần được đặt chân vào nhà hát để xem một chương trình ca nhạc.
Hải Nhân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.