Lợi ích lớn từ làm củi trấu

Thứ sáu, ngày 08/06/2012 07:33 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phòng Kinh tế thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) đã tìm hiểu và áp dụng công nghệ định hình sinh khối để sản xuất thanh nhiên liệu có chất lượng cao từ trấu.
Bình luận 0

Tại thị xã Quảng Trị hiện có hàng chục nhà máy xay xát đang hoạt động. Chỉ tính riêng tại Ba Bến (thuộc phường 2) đã có 3 doanh nghiệp xay xát có công suất lớn với 4.000 - 5.000 tấn trấu thải/năm, gồm Hiệt Thinh, Hùng Oanh và Hoành Huệ. Những cơ sở này mỗi ngày thải một khối lượng trấu rất lớn, gây ô nhiễm nặng cho môi trường.

img
Những thanh củi được sản xuất từ trấu phế thải.

Để giải quyết thực trạng trên, Phòng Kinh tế thị xã Quảng Trị đã tìm hiểu và áp dụng công nghệ định hình sinh khối để sản xuất thanh nhiên liệu có chất lượng cao từ trấu. Việc này không chỉ giúp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, mà còn đáp ứng nhu cầu chất đốt ở nông thôn. “Đây là loại chất đốt đảm bảo sức khoẻ cho con người và hạn chế ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, giá thành lại rẻ hơn một nửa so với nhiều loại chất đốt khác, như than đá, nhiệt điện…” - ông Lê Minh Châu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Quảng Trị cho biết.

Cũng theo ông Châu, từ năm 2011, củi trấu bắt đầu xuất hiện ở Quảng Trị. Trong 1 năm qua, các cơ sở sản xuất loại sản phẩm này làm không kịp để cung ứng cho các doanh nghiệp làm gốm, sấy thuỷ sản, rang cà phê… Không chỉ có doanh nghiệp ở Quảng Trị, mà còn từ nhiều tỉnh, thành phố trong nước cũng đặt mua củi trấu Quảng Trị về sử dụng.

Khi chúng tôi đến thăm, tại cơ sở Hiệt Thinh có 10 công nhân đang miệt mài vận hành giàn máy ép trấu. Qua tìm hiểu, mỗi cơ sở ép trấu thành củi có công suất 1,2 tạ củi/giờ như Hiệt Thinh sẽ giải quyết việc làm cho 10 lao động với mức lương từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. “Khi chưa vào làm công nhân ép trấu, tui làm ruộng hay phụ hồ để kiếm sống, vất vả mà thu nhập bấp bênh lắm. Từ khi vào làm tại đây, thu nhập của tui ổn định hơn, có điều kiện hơn để nuôi 2 đứa con ăn học" - chị Nguyễn Thị Liên đang làm việc tại cơ sở ép trấu thành củi Hiệt Thinh tâm sự.

Những cơ sở ép trấu thành củi đốt ra đời đã giúp cho các cơ sở xay xát đỡ tốn một khoản chi phí không nhỏ hàng năm để giải quyết ô nhiễm môi trường do vỏ trấu gây ra. Đã vậy, họ còn có thêm một nguồn thu nhập tương đối từ củi trấu mang lại.

"Trước khi sản xuất củi trấu, mỗi năm cơ sở của tôi phải tốn 200 triệu đồng để xử lý chất thải. Bây giờ vừa khỏi tốn 200 triệu đồng, vừa có thêm thu nhập ròng (trừ chi phí) mỗi năm cũng được 400 triệu đồng. Vui nữa là còn giải quyết được thêm công ăn việc làm cho 10 lao động" - anh Nguyễn Thanh Hiệt - chủ Doanh nghiệp Xay xát chế biến lương thực Hiệt Thinh cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem