Long đong phận đời những ngày Hà Nội chống dịch - Ảnh 1.

Gần 2 tháng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội, bà Kỷ và 3 đứa cháu thơ sống nhờ tình thương của hàng xóm và món quà từ các cơ quan, đoàn thể phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm).

Bà Lê Thị Kỷ (70 tuổi) quê ở Nghệ An gánh gồng nuôi 3 cháu nhỏ trong một căn phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp tại phường Xuân Phương.

Năm nay, đứa cháu đầu của bà vừa học xong lớp 9, đứa thứ 2 sắp lên lớp 3 và đứa nhỏ nhất mới chỉ 5 tuổi.

Về chuyện học hành của các cháu bà tính: "Nếu giờ đứa đầu học 3 năm phổ thông xong đi học lên nữa cũng phải mất ít nhất 6 năm, không biết lúc đó bà có đợi được không, rồi ai sẽ nuôi mấy đứa em của nó. 

Giờ bà cho nó đi học nghề rồi vừa học vừa làm giúp bà nuôi em. Còn đứa út, bà chỉ cho nó học một năm mẫu giáo thôi, tiền đâu mà học mấy năm như người ta".

Nghĩa xóm làng những ngày Hà Nội chống dịch4.jpg

Cuộc sống của 4 bà cháu dựa vào những cân phế liệu nhưng 2 tháng nay vì dịch dã nên nó đang được xếp ở một góc hiên nhà. Ảnh: Bảo Yến

Từ ngày ra Hà Nội thay con nuôi cháu, cuộc sống của 4 bà cháu dựa vào những cân giấy, cân sắt, hộp nhựa, vỏ chai mà bà nhặt được hay được người khác thương tình góp cho.

Cứ khoảng tầm 10 giờ đêm khi mấy đứa cháu đã ngủ, bà Kỷ xách theo bao tải đi khắp con đường, tìm nơi tập kết rác để tìm phế thải. Bà tự đặt mục tiêu cho mình là đầy 1 bao tải mới về. 

Ngày nào may mắn nhặt được nhiều, nhanh đầy bao bà sẽ về sớm, còn không có khi đến 1-2 giờ sáng. Sau vài ngày hay một tuần, khi gom được kha khá chai nhựa, vỏ lon, giấy bà lại bán. Mỗi lần bán bà cũng được năm bảy chục ngàn để mua gạo.

Màu be và Hồng Nữ tính Bộ ảnh Thủ công  Ảnh ghép Lời chúc mừng Chung Ngày của Mẹ Thiệp phẳng Nằm ngang.jpg

"Già rồi bà có ngủ mấy đâu, đi còn có kiếm cho cháu nó bữa ăn tử tế. Có hôm, con bé nhỏ nó đòi đi theo thì cho nó đi, có người thương bà cháu lại cho 20.000 – 30.000 đồng. 

Một ngày như vậy kiếm được vài chục tiền là bà cháu có tiền mua gạo.

Người ta bảo sao không đưa cháu về quê nhưng về quê bà cháu biết lấy gì mà ăn. Ở ngoài này còn đi nhặt nhạnh ve chai kiếm được đôi đồng" – bà Kỷ nghẹn ngào nói.

Đó là câu chuyện khi Hà Nội chưa bùng phát dịch, còn giờ đây, số phế liệu mà bà gom góp của 2 tháng trước vẫn còn nguyên nơi góc nhà. 

Ngừng tay nhặt mớ mồng tơi chuẩn bị cho bữa trưa bà Kỷ chỉ vào ôm giấy nơi hiên nhà nói: "Hộp nhựa còn để bên ngoài được chứ hộp carton hay giấy báo phải đem vào trong nhà kẻo mưa ướt hết. Hết dịch mới bán được, giờ dịch dã có ai mua đâu".

Cháu út của bà được 5 tuổi, nhưng cô bé chẳng mấy khi biết đến hộp sữa. Bà kể, bữa ăn của bà cháu bao giờ cũng phải có 1 bát nước mắm để kèm dù có đồ luộc hay không. Bởi mấy đứa nhỏ từ trước tới giờ cũng quen ăn với nước mắm rồi.

Biết hoàn cảnh của bà cháu, hàng xóm xung quanh thỉnh thoảng lại vào cho bà chút thịt, cá hay quả trứng cho bữa ăn có thêm tí đạm. Còn rau, bà tự mày mò vỡ đất hoang nơi bãi rác làm được một ít, có người đất chưa dùng đến cũng cho bà mượn trồng rau để sống qua ngày.

"Hôm qua, bà lại vừa được nhà bên cho 2 cái đầu cá thu rồi phường cho 10kg gạo là mấy ngày tới không phải lo nữa rồi" – bà Kỷ khoe.

Giờ đây, tuổi cao sức yếu như ngọn đèn trước gió và những đứa cháu bà còn quá nhỏ, nỗi niềm trăn trở của bà ai thấu chăng!

Cuộc sống của 4 bà cháu đã vất vả lại càng khó khăn hơn khi dịch Covid đến. Clip: Phương Nga.

Nghĩa xóm làng những ngày Hà Nội chống dịch (1).jpg

Trong căn nhà trọ nhỏ hẹp nằm ở ngã 3 hẻm 174/14/41 đường Phương Canh (phường Xuân Phương) hai người đàn ông Nguyễn Văn Oanh (SN 1949, quê Nam Định) và Trần Viết Hùng (SN 1969, quê Thanh Hóa) cũng chung cảnh ngộ.

Ngày chưa dịch, hai ông cùng nhau đi đánh giày ở khu vực Mai Dịch kiếm sống. Sáng sớm, hai ông hai chiếc xe đạp chở theo giỏ đồ nghề đi làm. Tối mịt, họ lại gặp nhau ở phòng trọ.

Nghĩa xóm làng những ngày Hà Nội chống dịch 5.jpg

Những ngày Hà Nội nắng nóng, phòng trọ nhỏ của ông Oanh (bên trái) và ông Hùng nóng hầm hập. Ảnh: Bảo Yến

Mỗi ngày họ kiếm được khoảng 100.000 đồng – 200.000 đồng. Trừ tiền ở trọ còn dư bao nhiêu họ để phần khi đau ốm. Với ông Hùng, tiền ông làm được còn phải gửi về lo thuốc thang cho người vợ đang bị ung thư ở quê nhà.

Gần 2 tháng nay dịch dã bùng phát, Thành phố áp dụng các biện pháp giãn cách rồi cách ly xã hội, hai ông không thể đi làm. Số tiền dành dụm được bấy lâu nay cũng tiêu hết vào tiền mua thức ăn. Nhưng họ cũng không dám ăn uống gì nhiều chỉ là mớ rau, cân gạo sống qua ngày. 

Hôm nào xa xỉ, họ mạnh dạn rang thêm một ít cá khô hay mua lạng thịt gọi là bổ sung dinh dưỡng.

Bàn tay Trích dẫn Áp phích (1).jpg

Ở gần đấy, nhiều người thương nên mang vào cho họ khi mớ mùng tơi, khi mớ rau muống.... Gạo họ cũng vừa nhận được quà từ nhóm từ thiện phát cho. Thế là đỡ được phần nào!

Những ngày Hà Nội cách ly xã hội cũng là những ngày thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, căn phòng trọ của 2 ông trở thành "cái hầm" dù nhà lúc nào cũng mở toang cửa. Nếu như ngày thường, họ sẽ đi ra ngoài tìm gốc cây nào đó mắc võng nghỉ cho mát, nhưng giờ ở nhà để chống dịch họ chỉ còn cách dội nước cho đỡ nóng.

Mỗi tháng hơn 1.000.000 đồng tiền trọ nhưng 2 tháng nay họ đang được nợ tiền trọ.

Không chỉ là ở chịu, 2 tháng nay ông Hùng cũng phải vay mượn những người xung quanh hơn 4 triệu đồng. Ông cho biết, dịch dã không đi làm được, không có tiền gửi về quê cho vợ thuốc thang chữa bệnh nên ông phải vay mượn.

"Giờ làm không làm được, ở lại thì nợ nần, vợ ở quê đau ốm mà muốn về quê cũng không được. Nhiều lúc nghĩ bất lực mà không biết làm gì" - ông Hùng nghẹn giọng nói.

Trong những ngày Hà Nội cách ly xã hội để phòng chống dịch, hai người đàn ông chỉ có thể quay vào quay ra trong căn phòng chừng 20m2. Thứ đáng giá nhất trong căn phòng ấy chính là chiếc tivi được anh công nhân cầu đường gửi tạm mùa dịch.

Hai chiếc xe với bộ đồ nghề của các ông vẫn nằm nguyên phía yên sau, lúc nào nhớ nghề lại tháo ra lau lau cho đỡ nhớ. 

"Mình ở trọ đây cũng mấy năm rồi, ở đây mọi người rất thương, không phân biệt là người gốc hay người ở trọ, thấy khó khăn là họ giúp. 

Chủ nhà cũng thương tình cho ở chịu chứ giờ dịch dã không đi làm được tiền đâu mà trả tiền trọ. Hết dịch, đi làm được mình sẽ kiếm tiền trả nợ ngay. Mình đang sức dài vai rộng mình cũng chẳng dám xin gì nhiều, ai cho gì chỉ biết cảm ơn thôi" - ông Oanh nói

Nghĩa xóm làng những ngày Hà Nội chống dịch.jpg

TP.Hà Nội tiếp tục thực hiện các biện pháp cách ly xã hội đến ngày 6/9 trên địa bàn toàn thành phố.

Khi nghe tin, ông Toàn – cán bộ về hưu ở ngách 113 ngõ 230 Định Công Thượng một lần nữa lại đi thống kê số hộ gặp khó khăn nơi mình ở.

Trở về nhà, mảnh giấy nhỏ trên tay ông Toàn ghi tên, tuổi, quê quán, tình trạng của 3 trường hợp khó khăn cần giúp đỡ. Một trong ba cái tên trên mảnh giấy là Nguyễn Thị Thu Hà (34 tuổi quê ở TP.Ninh Bình).

Orange Papercraft Funny Notebook (1).jpg

Chồng mất khi con trai mới được 7 tháng tuổi. Chị Hà lăn lộn làm thuê khắp nơi để kiếm sống, nuôi dạy con nên người.

Đầu tháng 7, người phụ nữ này đến ngõ 230 Định Công Thượng thuê trọ, đưa cậu con trai học hết cấp 2 lên Hà Nội chuẩn bị thi vào trường nghề. Lúc đấy, chị Hà làm phụ bếp cho một quán ăn gần Bến xe Mỹ Đình, lương 5 – 6 triệu đồng/tháng.

Chưa đầy 3 tuần sau, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, kéo dài đến tận bây giờ. Hà trở tay không kịp!

Khoản tiền trọ 1,8 triệu đồng/tháng giờ trở nên quá sức với người phụ nữ đơn thân đang nuôi con trai đến tuổi ăn học.

Khi đó, gạo sắp hết, trong túi Hà cũng chỉ còn hơn 700 nghìn đồng. Hà chia tiền sử dụng cho hai việc quan trọng. Một khoản dành để mua thuốc điều trị căn bệnh u nang buồng trứng, phần còn lại mua mì tôm ăn dần.

Cậu con trai đang tuổi ăn tuổi lớn được gửi sang nhà chị gái bên quận Thanh Xuân.

"Nó vẫn đang tuổi ăn, tuổi lớn. Tôi sợ rằng nếu như ở lại phòng trọ ăn uống kham khổ, phải ăn mì tôm con sẽ không chịu được, ảnh hưởng tới tâm lý sau này", Hà nói.

Nhiều ngày qua, Hà phải ăn mì tôm cho qua bữa trong phòng trọ rộng chừng 15 m2 trống huyếch, trống hoác.

Vật dụng đáng tiền nhất trong phòng là cái quạt điện - đồ được hàng xóm thương tình cho mượn.

Những ngày giãn cách xã hội, Hà ở trong phòng làm bạn với chiếc điện thoại, không đi ra ngoài. Mỗi ngày, Hà ăn hai bữa, trưa và tối với món ăn duy nhất từ những gói mì tôm pha vội.

Thịt, cá trong bữa ăn đối với Hà lúc này dường như là thứ gì đó rất "xa xỉ". Mớ rau cũng  chia ra để ăn được hai hoặc ba bữa.

"Ăn mì tôm nhiều đến phát ngán, nhưng vì đói nên vẫn phải ăn. Sau nhiều ngày ăn mì, cơ thể tôi bị nóng trong, đi tiểu bị buốt, đau rát", Hà tâm sự.

Pink Paper Overthink Funny Notebook (2).jpg

Hàng xóm biết chuyện, thỉnh thoảng họ lại mang bát canh, trợ giúp mớ rau, miếng thịt cho Hà.

"Có hôm tôi mang cho chị ấy bát canh, lạc rang. Vừa nói dứt lời chị ấy khóc òa, nhìn cảnh đấy tôi cũng không cầm nổi nước mắt. Hoàn cảnh của Hà rất đáng thương", Phan Thị Viễn, hàng xóm của Hà kể.

Buổi tối, thỉnh thoảng nhớ con, Hà lại gọi điện hỏi thăm con. Trong cuộc trò chuyện, cậu con trai hỏi mẹ có ăn uống đầy đủ không, thiếu thốn gì không?

Nhưng Hà lại giấu chuyện. Hà nói với con là bên này đầy đủ, con không phải lo. Rồi hai mẹ con động viên nhau cố gắng vượt qua đợt dịch này.

Cuộc sống kham khổ, Hà suy nghĩ, nhiều đêm mất ngủ, sụt cân. Ông Toàn, cán bộ về hưu và một số người dân trong khu dân cư đã thông tin với Tổ trưởng tổ dân phố số 14 về một số trường hợp gặp khó khăn, đề nghị chính quyền giúp đỡ, chia sẻ.

Ít ngày sau, ngày 15/7, đại diện Tổ dân phố cùng ông Toàn đã đến tặng Hà 5kg. Cùng thời gian này, một tổ chức thiện ở Hà Nội cũng tặng cho Hà 10kg gạo. Có gạo ăn, Hà không còn phải ăn mì tôm nữa. Nhưng cuộc sống sinh hoạt của Hà vẫn thiếu nhu yếu phẩm khác, đó là mớ rau, lạng thịt hay con cá.

1.JPG

Đầu tháng 7, Hà thuê phòng trọ ở ngõ 230 Định Công Thượng với giá 1,8 triệu đồng/1 tháng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và biết hoàn cảnh khó khăn của Hà nên chủ phòng trọ đã không lấy tiền, cho Hà ở miễn phí. Ảnh: Nguyễn Đức

"Đến giờ thật sự tôi không còn tiền trong người. Ước mong lớn nhất của tôi lúc này là Hà Nội sớm hết dịch, tôi được đi làm trở lại ", người phụ nữ bị mất việc hơn 1 tháng nay chia sẻ.

Gia đình chị Nguyễn Thị H. (31 tuổi), chồng mất vì tai nạn hơn một năm trước, một mình nuôi 2 con ăn học; Anh Kiều Văn T. (47 tuổi), vợ mới mất được 1 tuần, hiện một mình "gà trống nuôi 3 con".

Ông Phạm Văn Hớn, Tổ trưởng Tổ dân phố số 14 kể, ông đã nắm được thông tin về trường hợp hoàn cảnh khó khăn ở trong khu vực. Sau khi biết hoàn cảnh, ông đã đề xuất và UBND phường Định Công trao tặng Hà 5kg gạo.

Ngoài ra, riêng ở Tổ 14, phường cũng đã trao tặng 73 suốt quà là gạo cho các hộ gia đình, người dân có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ông cũng đã lập danh sách gửi lên phường các trường hợp bị nghỉ việc, mất việc do dịch, đề nghị được hỗ trợ 1,5 triệu/1 trường hợp.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Định Công cho hay, trong đợt dịch này, đơn vị đã chuyển tới tay người dân gặp khó khăn gần 7 tấn gạo và các nhu yếu phẩm khác. Những người dân, người thuê trọ, học sinh sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch đều được hỗ trợ.

Về trường hợp hoàn cảnh của chị Hà, ông sẽ cho cán bộ rà soát, trường hợp khó khăn như vậy, chính quyền sẽ cung cấp, hỗ trợ thêm về nhu yếu phẩm.

Những ngày qua, các cấp ngành của TP Hà Nội đã trao hàng chục nghìn phần quà đến những người gặp hoàn cảnh khó khăn trong dịch Covid-19. 

Các nhóm từ thiện, hỗ trợ người yếu thế cũng được lập ra khắp thủ đô, liên kết, hỗ trợ những phận đời không may mắn. 

Trong tuần qua, Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cũng góp một phần nhỏ, cùng bạn đọc trao hơn 3.000 suất quà đến sinh viên, người lao động bị kẹt lại Hà Nội. Chương trình vẫn đang được thực hiện trên địa bàn TP.Hà Nội.






Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem