Mafia châu Á: Hô mưa gọi gió

Thứ bảy, ngày 15/06/2013 07:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) – Không nổi tiếng như mafia Ý, nhưng những tổ chức xã hội đen ở châu Á như hội Tam Hoàng, Yakuza… đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm, và quy mô tội ác cũng như ảnh hưởng của chúng không hề nhỏ hơn.
Bình luận 0

Cách đây hơn một tháng (ngày 28.4), thế giới xôn xao trước tin tức các thành viên mafia châu Á mang búa chém người giữa phố thị Hong Kong (Trung Quốc). Vụ chém người chỉ hé lộ một phần vô cùng nhỏ trong thế giới ngầm đầy tội ác của các băng đảng mafia châu Á.

img
Hiện trường vụ chém người bằng búa của mafia Hong Kong hồi tháng 4

Ngang ngửa quân đội

Năm 2001, Hãng BBC của Anh khẳng định hội Tam Hoàng là tổ chức mafia lớn nhất thế giới. Theo thống kê chưa đầy đủ, hội Tam Hoàng có số thành viên chính thức vào khoảng 1,5 triệu người ở Trung Quốc đại lục và khoảng 2,5 triệu thành viên trên toàn thế giới, ngang với quân số của quân đội Trung Quốc - đội quân đông nhất thế giới. Người giàu nhất Ma Cao, ông trùm sòng bạc Stanley Hồ, từng bị Chính phủ Canada cáo buộc có liên quan đến hội Tam Hoàng, theo tạp chí Manila Standard.

Tiền thân của hội Tam Hoàng là Thiên Địa hội (hay còn gọi là Hồng Hoa hội). Biến tướng từ phong trào phản Thanh phục Minh, tổ chức này không những không bị xóa sổ theo thời gian, mà còn phát triển phủ rộng toàn thế giới, và liên quan đến nhiều hoạt động tội phạm như buôn bán ma túy, kinh doanh mại dâm, tổ chức bảo kê, bắt cóc, tổ chức vượt biên lậu, cờ bạc, kinh doanh băng đĩa lậu và nhiều hình thức lừa đảo khác...

Cũng theo BBC, hội Tam Hoàng được cho là nắm giữ tới 90% giao dịch thương mại heroin. Sau khi chính quyền Mao Trạch Đông quyết tâm trấn áp, hội này đã di chuyển phần lớn sang Hong Kong. Và từ đó, Hong Kong trở thành căn cứ hoạt động rầm rộ nhất của tổ chức tội phạm này với khoảng 50 băng đảng con. Từ năm 1997, Hong Kong được trao trả về CHND Trung Hoa quản lý, hội Tam Hoàng đã nhanh chân di chuyển địa bàn hoạt động sang Hoa Kỳ, Hà Lan, Canada và nhiều nước trên khắp thế giới.

Trong khi đó, mafia Nhật Bản, hay còn gọi Yakuza, có khoảng 90.000 thành viên, chia thành khoảng 3.000 băng nhóm khác nhau hoạt động khắp nơi trên lãnh thổ Nhật Bản và một số quốc gia khác. Các con số thống kê khác cho thấy sau Đệ nhị thế chiến, thành viên Yakuza lên đến 184.000, đông hơn cả quân đội Nhật Bản vào thời điểm lúc bấy giờ. Có 2 thuyết về nguồn gốc của Yakuza, một thuyết cho rằng tổ chức này ra đời từ những nhóm tội phạm nhỏ, chuyên bảo kê cho các chợ phiên, sau đó thì làm lính đánh thuê cho các sứ quân.

img
Một nhóm thành viên hội Tam Hoàng, Hong Kong

Thuyết thứ 2 nói Yakuza xuất phát từ samurai, đến thời kỳ Tokugawa, hàng chục vạn samurai không được sử dụng, dẫn tới nhiều người trong số này không có kế sinh nhai, chuyển thành đội quân chuyên cướp phá làng mạc. Tuy nhiên, các phần tử Yakuza hiện đại đã bác bỏ giả thuyết trên và tự nhận mình là con cháu của các Machi-yokko, những người chuyên bảo vệ các làng mạc, quê hương trước sự tấn công của bọn Hatamoto-yakko thất thường.

Trong các câu chuyện lịch sử được lưu truyền trong tổ chức, tổ tiên của Yakuza được khắc họa như các anh hùng thất thế, luôn đứng ra bênh vực những kẻ yếu và dân nghèo, giống như Robin Hood chuyên giúp đỡ những người nông dân khốn khó thời Trung cổ ở Anh.

Buôn lậu, mại dâm, cướp của, giết người

Khi mới thành lập, một số tổ chức ngầm có mục đích khá tốt, như hội Tam Hoàng là phản Thanh phục Minh, hoặc Tong là một tổ chức để giúp đoàn kết người Trung Quốc di cư chống lại sự “ăn hiếp”, kỳ thị của người bản xứ… Tuy nhiên, qua thời gian, khi tổ chức ngày càng lớn mạnh và các mục tiêu ban đầu bị mai một trong khi nhu cầu tài chính để phát triển ngày một lớn, các tổ chức này dần biến tướng và không từ mọi thủ đoạn để kiếm tiền, dù đó là các hoạt động phi pháp như ma túy, mại dâm, bắt cóc, cờ bạc phi pháp, đâm thuê chém mướn, buôn lậu...

img
Các thành viên của băng 14K

Trong các băng phái con của hội Tam Hoàng, có 4 băng đảng lớn nhất được gọi là “Tứ đại hắc bang”, gồm Tân Nghĩa An, 14K, Hòa Hợp Đào và Hòa Thắng Hòa. Theo tài liệu điều tra của cảnh sát các nước, băng 14K là phân nhánh lớn nhất của hội Tam Hoàng. Băng này từ lâu đã dính líu vào các vụ buôn lậu ma túy số lượng lớn tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó chủ yếu là heroin và thuốc phiện buôn lậu từ Trung Quốc hoặc các nước Đông Nam Á.

Đây là nguồn thu chính của băng đảng xã hội đen này. Bên cạnh đó, các thành viên của 14K còn tham gia vào nhiều hoạt động tội phạm khác, như đánh bạc bất hợp pháp, rửa tiền, buôn lậu vũ khí, bảo kê mại dâm, buôn người, tống tiền, làm hàng giả và cướp bóc… Hiện băng 14K hoạt động mạnh ở nhiều nơi, như các thành phố Los Angeles, San Francisco, Chicago ở Mỹ; Vancouver, Calgary và Toronto ở Canađa, Sydney (Úc) và London (Anh). Có thể nói, các hoạt động phạm pháp của băng 14K diễn ra khắp nơi trên thế giới, và không chừa một lĩnh vực nào, miễn là có thể kiếm tiền.

Với Yakuza Nhật Bản, mặc dù có thời gian chủ trương không dính líu tới ma túy, không buôn bán, sản xuất ma túy, nhưng gần đây chúng đã tham gia rất tích cực vào buôn bán ma túy. Ngoài ra, chúng còn chi phối phần lớn lĩnh vực cờ bạc tại Nhật.

Theo số liệu của cảnh sát Nhật, vào thời hoàng kim, Yakuza Nhật kiểm soát được từ 50 - 150 tỷ USD ngoài sự kiểm soát của nhà nước, thu lãi khoảng 16 tỷ USD mỗi năm. Chỉ tính riêng Inagawa, "ông trùm của mọi ông trùm", đã nắm trong tay gần 800 doanh nghiệp hợp pháp, thu về mỗi năm 200 triệu USD lợi nhuận, đồng thời được 119 ông trùm khác cống nạp liên tục mỗi người 1.300 USD mỗi tháng.

Thao túng chính quyền

Trong khi đó, một số tài liệu cho rằng băng Tân Nghĩa An - bang phái lớn nhất của hội Tam Hoàng - có mối liên quan trực tiếp đến chính quyền Trung Quốc. Ngoài các hoạt động ngầm ở Hong Kong, các báo cáo tình báo kể từ năm 1994 cho thấy dường như có dấu hiệu là băng Tân Nghĩa An chi phối chính quyền tỉnh Quảng Đông. Có tài liệu nói rằng tay chân của băng nhóm này đã từng có thời điểm còn chui sâu vào “làm tổ” chính quyền tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc đại lục.

Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Tân Nghĩa An là làm hàng giả, đánh bạc, ma túy, đưa người nhập cư bất hợp pháp, mại dâm, buôn lậu và tống tiền. Hoạt động làm ăn của băng này ở châu Âu và Mỹ, chủ yếu thông qua cộng đồng người Trung Quốc gốc Do Thái. Băng Tân Nghĩa An điều hành một số cơ sở khét tiếng trong giới ăn chơi Hong Kong ở các khu vực như Tsim Sha Tsui và Yau Ma Tei.

So với các tổ chức tội phạm như Cosa Nostra ở Ý, Mafia ở Mỹ, hội Tam Hoàng của người Hoa, thì Yazuka tại Nhật vẫn công khai hoạt động của mình, tại nhiều thành phố ở Nhật, các hội sở của chúng thường được thể hiện qua các logo và biển báo đặc trưng. Không những thế, Yakuza còn được xem là có mối liên minh chính trị lâu đời với những người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu cực đoan.

Ít người biết rằng, trong 2 thảm họa ghê gớm là động đất Kobe 1995 và động đất-sóng thần Tohoku 2011, Yakuza là những người đầu tiên gửi hàng cứu trợ đến cho các nạn nhân của thảm họa. Họ làm điều này một cách lặng lẽ và nhanh chóng hơn nhiều các quan chức chính phủ. Một nhà nghiên cứu về Yakuza cho biết họ làm điều này hoàn toàn vì thiện nguyện chứ không phải để quảng bá tên tuổi.

Tham gia chính trường là một “truyền thống” của Yakuza. Năm 1919, được Toyama thu nạp, những ông trùm Yakuza đã dẫn 60.000 "lính" của mình tham gia và làm lực lượng nòng cốt cho tổ chức Dai Nippon Kokusa-kai (Đại Nhật Bản túy hội) do nhà chính trị cực hữu này thành lập, đẩy nước Nhật trượt dài theo khuynh hướng phát xít. Trong vòng 15 năm, từ 1930 - 1945, Yakuza đã gây ra 29 vụ chính biến, ám sát 2 thủ tướng, 2 bộ trưởng, góp phần đưa nước Nhật nhảy vào vòng xoáy Chiến tranh thế giới lần thứ 2 trong tư cách là thành viên phe phát xít.

Đánh cảnh sát

Trong những bang lớn nhất của hội Tam Hoàng thì Hòa Hợp Đào là phân nhánh lâu đời nhất. Ngoài các “thị trường” làm ăn truyền thống từ các hoạt động đường thủy, trong đó có bảo kê các chợ cá ở Hong Kong cùng một số bến phà, hiện nay các hội viên của Hòa Hợp Đào làm đủ mọi nghề từ đâm thuê chém mướn, bảo kê nhà hàng, kinh doanh thị trường băng đĩa lậu cho tới hóa chất độc hại. Gần đây, Hòa Hợp Đào vươn cánh tay làm ăn sang nhiều lĩnh vực, trong đó đáng chú ý có lĩnh vực kinh doanh tàu du lịch, vui chơi giải trí, buôn lậu.

Với vị thế có thể nói là gần như độc tôn ở Hong Kong, các thành viên Hòa Hợp Đào giờ đây “coi trời bằng vung” và trong nhiều vụ còn ngang nhiên bao vây và thách thức cả cảnh sát. Điển hình là vụ ngày 19.5.2012, hai cảnh sát Hong Kong đang đi tuần gần một cửa hàng ở khu vực phía đông, bỗng nhiên có hai thanh niên mặt mũi bặm trợn xuất hiện, tự xưng là người của băng Hòa Hợp Đào, kiếm cớ gây sự định thủ tiêu tài liệu chứng cứ của hai viên cảnh sát.

Khi cảnh sát vừa phản ứng, lập tức có thêm một nhóm đầu gấu xuất hiện, khiến hiện trường càng thêm hỗn loạn. Một viên cảnh sát trong lúc xô xát bị đẩy ngã dúi dụi, nhân viên còn lại thì bị đánh tới tấp vào chân. Họ chỉ còn nước gọi điện thoại yêu cầu tăng viện.

Khi lực lượng hỗ trợ gồm 5 cảnh sát có mặt, họ vẫn không thể kiểm soát tình hình, ngược lại còn bị hơn 10 cô gái bao vây, vừa xô đẩy các cảnh sát, vừa ăn vạ với màn hô hào “cảnh sát đánh người”. 7 viên cảnh sát trong vòng vây của các thành viên Hòa Hợp Đào không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục yêu cầu cấp trên tăng viện. Nhận thấy tình hình nghiêm trọng, cảnh sát Hong Kong lập tức điều động 5 xe chuyên dụng và hàng chục nhân viên đến hiện trường mới kiểm soát được tình hình, bắt giữ 15 kẻ gây rối. Phía cảnh sát có 5 người bị thương, trong đó có một sĩ quan.

Kỷ luật máu

Có thể nói hiếm có một tổ chức mafia nào trên thế giới nghiêm khắc như Yakuza của Nhật Bản. Những tên lưu manh đầu đường xó chợ không dễ trở thành thành viên của Yakuza. Không đơn thuần chỉ là sự tàn ác và manh động, những kẻ muốn gia nhập Yakuza phải thực sự mang trong mình bản lĩnh hơn người. Thử thách đầu tiên đối với những kẻ được chọn vào hàng ngũ Yakuza là việc xăm mình. Những hình xăm cầu kỳ chiếm phần lớn diện tích cơ thể khiến khổ chủ vô cùng đau đớn. Nếu không thể vượt qua thử thánh này, kẻ đó không có tư cách gia nhập Yakuza.

Do hoạt động theo phương thức gia đình mà ông chủ chính là người cha, các thành viên của Yakuza phải tuyệt đối trung thành với người thủ lĩnh. Khi lễ kết nạp kết thúc, những thành viên của Yakuza có nghĩa vụ gắn bó cả cuộc đời với tổ chức và phải tuyệt đối trung thành. Không những vậy, cả gia đình của Yakuza đều phải có nghĩa vụ phục vụ tổ chức, phục tùng ông trùm. Nếu một Yakuza không may thiệt mạng, cả băng nhóm có trách nhiệm giúp đỡ, bao bọc gia đình của người đó.

Nhưng tất cả những thứ kể trên vẫn không khiến các băng đảng mafia “ngán” mafia Nhật Bản, mà chính là cách trừng phạt đầy “máu me” của họ. Một điều đặc biệt của các thành viên Yakuza giúp ta có thể nhận dạng dễ dàng đó là phần lớn đều có ngón tay út ngắn hơn bình thường hoặc mất hẳn. Nguyên do của điều này là theo luật của mafia Nhật, bất kỳ thành viên nào không hoàn thành lệnh cấp trên, lệnh của các ông trùm, đều phải tự chặt một đốt ngón tay út.

Những lần vi phạm sau sẽ lần lượt lấy đi những đốt tiếp theo của cả 2 ngón tay út và có khi ở những ngón khác. Chính vì thế, phần lớn thành viên Yakuza mang những bàn tay không nguyên vẹn. Tuy vậy, ngày nay, xăm mình và chặt ngón tay chỉ còn mang tính chất nghi thức. Theo thống kê trong những thành viên Yakuza hiện đại, có hơn 90% tên xăm mình, 43% tên có bàn tay cụt ngón, nhiều tên cụt 2 ngón và hơn nữa.

Tuy nhiên, có một điều rất lạ là dù thế nào đi nữa, dù có tham gia rất nhiều vào các hoạt động phi pháp nhưng Yakuza lại rất ít dính líu tới các vụ giết người hay thanh toán lẫn nhau. Bằng chứng là cả nước Nhật cũng chỉ ghi nhận được trên dưới 20 vụ giết người mỗi năm.

Theo Thế giới & Hội nhập

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem