Hãy cẩn thận, nếu bạn cũng có những biểu hiện trầm cảm đó trong mùa thu, mùa đông thì rất có thể bạn đang bị một chứng bệnh: rối loạn cảm xúc theo mùa.
Trời buồn người có vui đâu
BS Lê Đình Sáng, bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Hà
Nội cho biết trong những tháng mùa thu và mùa đông, một số người mắc
phải các triệu chứng của bệnh trầm cảm, xuất hiện từ từ hay đột ngột.
Những triệu chứng này thường thuyên giảm khi mùa xuân đến và tiêu tan
qua những tháng hè. Với một số người, đây là một dấu hiệu cho thấy rằng
họ mắc rối loạn cảm xúc theo mùa. BS Sáng cho biết:
“Các triệu chứng rối
loạn cảm xúc theo mùa thường xuất hiện trong mùa thu và mùa đông, khi
có sự tiếp xúc ít hơn với ánh sáng mặt trời vào ban ngày. Các triệu
chứng trầm cảm có thể từ nhẹ đến trung bình, cũng có thể trở nên nghiêm
trọng. Những người làm việc nhiều giờ trong các toà nhà văn phòng ít cửa
sổ có thể trải nghiệm các triệu chứng này quanh năm, và một số cá nhân
có thể nhận thấy những thay đổi về tâm trạng trong giai đoạn thời tiết
âm u kéo dài”.
Tăng thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể cải thiện các triệu chứng rối loạn cảm xúc theo mùa.
Rối loạn cảm xúc theo mùa có thể khởi phát ở bất cứ lứa
tuổi nào, nhưng tuổi bắt đầu thường từ 18 – 30. Những tháng khó khăn
nhất đối với những người bị rối loạn cảm xúc theo mùa dường như là tháng
1 và tháng 2.
Các triệu chứng có thể bao gồm: mệt mỏi; mất sự quan tâm
thích thú với các hoạt động thường ngày; thu mình với đời sống xã hội,
tập thể; thèm ăn các loại thực phẩm có hàm lượng carbohydrat cao; tăng
cân. Những người mắc chứng rối loạn cảm xúc theo mùa có thể không biểu
hiện mọi triệu chứng trên.
Chẳng hạn mức năng lượng có thể bình thường
trong khi sự thèm muốn các thức ăn giàu carbohydrate lại rất mãnh liệt.
Đôi khi một triệu chứng có thể trái ngược với lệ thường, như sút cân đối
lập với sự tăng cân.
Ở một số ít trường hợp, sự tái phát hàng năm xảy
ra vào mùa hè thay vì mùa thu hay mùa đông, có thể nằm ở sự phản ứng với
nhiệt độ và độ ẩm cao. Trong thời kỳ này, chứng trầm cảm thường được
đặc trưng bởi sự mất ngủ, giảm cảm giác thèm ăn, sút cân và bối rối, lo
âu.
Cơ chế phát bệnh
Theo BS Sáng, rối loạn cảm xúc theo mùa được gắn với sự
mất cân bằng sinh hoá trong bộ não được thúc đẩy bởi sự rút ngắn thời
gian có ánh nắng ban ngày và thiếu ánh mặt trời vào mùa đông. Cũng giống
như ánh nắng mặt trời ảnh hưởng đến các hoạt động theo mùa ở loài vật,
rối loạn cảm xúc ở con người có thể là từ tác động của sự thay đổi ánh
sáng theo mùa.
“Khi các mùa thay đổi, con người trải qua một sự chuyển
đổi về đồng hồ sinh học nội tại hay nhịp sinh học gây ra cho họ sự lạc
bước khỏi thời gian biểu hàng ngày của mình”, BS Sáng giải thích.
Melatonin, một nội tiết tố có liên quan đến giấc ngủ,
cũng được gắn với rối loạn cảm xúc theo mùa. Nội tiết tố này (vốn liên
kết với bệnh trầm cảm) được sản xuất khi cấp độ bóng tối tăng lên. Khi
ngày ngắn hơn và tối hơn, melatonin được sản xuất nhiều hơn.
Các nhà
nghiên cứu đã chứng minh rằng ánh sáng chói tạo ra một sự khác biệt
trong hoá học của não, mặc dù cơ chế chính xác vẫn chưa được biết rõ.
Một vài bằng chứng gợi ý rằng nếu ai đó sống càng xa đường xích đạo,
người đó càng có khả năng gặp rối loạn cảm xúc theo mùa.
Điều trị cách nào?
Tăng thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể
cải thiện các triệu chứng của rối loạn cảm xúc theo mùa.
BS Sáng gợi ý:
“Điều này có thể thực hiện bằng cách đi ra ngoài dạo bộ trong khoảng
thời gian dài hoặc bố trí nhà ở hay chỗ làm việc hướng về phía nhiều ánh
nắng”.
Nếu các triệu chứng trầm cảm đủ nặng để ảnh hưởng một cách rõ
rệt đến cuộc sống hàng ngày, liệu pháp ánh sáng (phototherapy) là một
lựa chọn điều trị hiệu quả.
Loại hình trị liệu này có liên quan đến sự
tiếp xúc với ánh sáng rất chói (thường là từ một nguồn sáng huỳnh quang
đặc biệt) 30 – 90 phút mỗi ngày vào mùa đông. Các tác dụng trị liệu bổ
sung cũng được tìm thấy với các phiên trị liệu tâm lý, và trong một vài
trường hợp là chỉ định các thuốc chống trầm cảm.
Nếu bạn nghĩ rằng đang mắc phải rối loạn cảm xúc theo
mùa, điều quan trọng là cần có sự giúp đỡ của một chuyên gia y tế lành
nghề để chẩn đoán đúng bệnh. Bởi rối loạn cảm xúc theo mùa có thể bị
chẩn đoán nhầm thành chứng nhược giáp, hạ đường huyết, tăng bạch cầu đơn
nhân nhiễm trùng và các nhiễm trùng virút khác.
Với một vài người, rối
loạn cảm xúc theo mùa có thể bị lẫn lộn với các rối loạn nặng hơn như
giai đoạn trầm cảm nặng hay rối loạn lưỡng cực.
“Trường hợp người bệnh
cảm thấy chứng trầm cảm là nghiêm trọng hoặc nếu có ý nghĩ tự sát, hãy
tham vấn một bác sĩ chuyên khoa tâm thần ngay lập tức để được điều trị
hoặc tìm kiếm sự trợ giúp của một phòng cấp cứu gần nhất. Với quá trình
điều trị đúng đắn, rối loạn cảm xúc theo mùa có thể thuyên giảm tốt”, BS
Sáng nói.
Sài Gòn Tiếp thị (Theo Sài Gòn Tiếp thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.