Muốn hết COPD: Đừng hút thuốc

Thứ tư, ngày 20/03/2013 09:46 AM (GMT+7)
Dân Việt - Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hoàn toàn có thể dẫn đến bệnh tâm phế mãn, hậu quả suy tim rồi tử vong. Cho nên cần thiết phòng bệnh này bằng cách: Đừng hút thuốc.
Bình luận 0

Bỏ thuốc được những… 1 tuần

Tháng 5.2012, Bệnh viện 103 tiếp nhận một bệnh nhân bị bệnh hô hấp khá nặng. Ông vào bệnh viện với triệu chứng khó thở. Điều đặc biệt là ông khoảng gần 60 tuổi nhưng trông rất gầy và yếu. Hỏi ra mới hay, ông liên tục bị bệnh hô hấp ở nhà, đã phải chữa liên tục. Lần này nặng lắm mới phải đi viện.

Ông nói chuyện, chỉ cần ông hé miệng cười là chúng tôi nhận ngay ra ông là người nghiện chè thuốc. Vì răng, môi và ngón tay của ông nhuộm màu đặc trưng của những thứ này. Lần này ông vào viện nặng thật. Rất khó thở và khò khè liên tục. Thậm chí không thể tự đi được và phải có người giúp.

img
Thuốc lá, thuốc lào, yếu tố được cho là nguy cơ nhanh nhất dẫn đến bệnh COPD. Ảnh minh họa

Gặng hỏi ông về tình hình hút thuốc, ông đều từ chối. Ông khăng khăng khẳng định mình không hút thuốc. Ông không hiểu sao người ta nói hút thuốc thì bị viêm phổi và viêm phế quản nhưng ông không hút thuốc sao ông vẫn mắc bệnh này. Sau một hồi hỏi cặn kẽ, thì chúng tôi ngã ngửa ra bởi quan niệm rất hồn nhiên của ông: “Cháu” hút thuốc được 20 năm nay, nghiện đặc thuốc lá và thuốc lào. Nhưng “cháu” đã bỏ được 1 tuần nay rồi không hút nữa. Sao bệnh vẫn mắc?

Chúng tôi cố nhịn không dám cười. Ông nghiện thuốc 20 năm nay thì đó là một thành tích đáng ghi nhận vào thâm niên. Thời gian đấy đủ để cho phổi và phế quản của ông bị bệnh. Bỏ thuốc được 1 tuần sau 20 năm hút thuốc thì không thể thấm gì khi “rừng đã cháy mà chỉ tưới một ca nước cứu khô”.

Bệnh của ông rất nặng, khó thở, khò khè, tím tái. Thực hiện đo các chức năng hô hấp của ông thì mọi chỉ số đều giảm dưới ngưỡng bình thường. Đặc biệt là các chỉ số đo lưu lượng đường thở. Ông được chẩn đoán bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay còn gọi tắt là bệnh COPD.

Bệnh có nguồn gốc từ thuốc

Bệnh COPD là một bệnh khá nặng của hệ hô hấp. Ngay từ cái tên gọi cũng cho thấy sự tiến triển của bệnh. Đây là một bệnh tại phổi, có biểu hiện mãn tính với tính chất tắc nghẽn đường thở. Chính sự tắc nghẽn gây ra sự khó thở điển hình và trầm trọng. Và do bệnh mãn tính nên sự tồn tại của nó là kéo dài và không thể khắc phục hoàn toàn. Bên cạnh gây ra sự khó khăn cho hô hấp, sự tắc nghẽn trong đường thở còn gây ra sự cản thở tuần hoàn, mà lâu ngày nó dẫn đến suy tim. Vào giai đoạn cuối của bệnh, nạn nhân đồng thời bị cả hai bệnh: suy tim và suy chức năng hô hấp. Tình hình rất nặng và dễ tử vong.

img
Dừng hút thuốc để tránh nguy cơ mắc bệnh COPD. Ảnh minh họa

Chúng ta không thể chữa khỏi hoàn toàn cho người bệnh mà chỉ có thể đẩy lùi, khống chế, không cho các cơn bệnh cấp diễn xảy ra. Giúp nạn nhân sống chung với bệnh mà thôi.

Một trong các biện pháp “vàng” để không chế bệnh đó là ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ không cho tấn công và gây ra bệnh. Yếu tố đó là hút thuốc lá, thuốc lào, yếu tố được cho là nguy cơ nhanh nhất dẫn đến bệnh.

Mặc dù người ta không thể thí nghiệm và chứng minh rằng việc hút thuốc gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, vì điều này ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Song bằng các quan sát thống kê người ta thấy giữa chúng có một mối liên quan chặt chẽ đến mức khó tách rời.

Trong hầu hết những người bị bệnh hô hấp tại Việt Nam, đặc biệt là những người trung tuổi vùng nông thôn, đến trên 90% là hút thuốc. Những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại Việt Nam thì đa phần là có hút thuốc, thậm chí là hút thuốc lâu năm, nếu như không muốn nói là 100% số người bệnh hút thuốc.

Có một bằng chứng rõ ràng là hút thuốc càng nhiều lần trong ngày, hút thuốc càng lâu về số năm thì tần suất bị bệnh càng cao và mức độ bệnh càng nặng.

Thường thì những người nghiện thuốc lào, họ không thể nào hút một lần (một điếu hay một bi) trong một ngày. Mà đã hút là hút nhiều lần, thậm chí có thể lên tới 10-15 lần trong một ngày. Nếu như cuộc trò chuyện càng lâu và thời gian rảnh càng nhiều, họ có thể hút hơn thế nữa.

Với những người hút thuốc lá, một ngày họ có thể châm đến 20 điếu và đốt hết 1 bao nhẹ như không.

Hút thuốc tại sao lại có thể gây ra bệnh nhanh chóng? Đó là vì khói thuốc làm khô lớp niêm mạc bề mặt bảo vệ. Lớp này có tác dụng chống vi khuẩn và chất độc hại xâm nhập. Khói thuốc làm hỏng các tế bào niêm mạc phế nang, vì thế chức năng hấp thu và trao đổi khí rất kém.

Nhưng một điều tệ hại đó là khói thuốc, ngoài sự tác động bởi nhiệt, nó còn chứa vô vàn các chất “bụi” dưới dạng than nhỏ li ti như kiểu bồ hóng trong bếp. Lâu ngày, những chất này tích tụ và gây viêm mạn tính. Hệ hô hấp lúc nào cũng viêm, cũng tiết dịch.

Gặp điều kiện thuận lợi như lạnh, khói độc, nhiễm khuẩn, hệ hô hấp không thể đề kháng được, dẫn đến viêm trầm trọng. Và đó là đợt bùng phát của bệnh xảy ra.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không bỏ sót một thành phần nào trong những người nghiện thuốc. Bạn hút thuốc thì chắc chắn bạn sẽ bị bệnh trong nay mai. Nếu lúc trẻ bạn chưa bị thì lúc trung tuổi bạn sẽ bị. Nếu lúc trung tuổi chưa mắc thì về già sẽ bị. Càng hút thuốc hoàn toàn, hút theo kiểu hít vào miệng và thở ra mũi, thì càng bị bệnh rất cao. Sống trong môi trường không có thiết bị bảo vệ như nhà kín gió, điều hòa nhiệt độ thì thời gian khởi phát bệnh càng nhanh.

Do đó, trong các chiến lược ngăn chặn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, người ta không đặt phương án dự phòng bằng thuốc điều trị bệnh lên đầu. Mà tâm điểm vàng của chiến lược này đó là bỏ thuốc. Bỏ thuốc ngay từ hôm nay, ngay từ bây giờ, ngay từ lúc này để chưa khởi phát thì bệnh sẽ không bị bệnh, còn nếu đã bị rồi bạn sẽ dễ dàng khống chế hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem