11h, phút mặc niệm sau cùng được cử hành bên khu mộ phần. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thân quyến cùng toàn thể người dân địa phương cúi đầu tiễn biệt và thắp nén hương tưởng nhớ nguyên Thủ tướng.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói lời cảm tạ sau cùng tới các lãnh đạo, nguyên lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các lão thành cách mạng, nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo, đại diện ngoại giao cùng toàn thể nhân dân cả nước đã tới viếng, chia buồn, đưa tiễn nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về nơi an nghỉ cuối cùng.
Lúc 10h41, linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được hạ xuống phần mộ. Nguyên Thủ tướng được an táng bên cạnh mộ vợ.
Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thân quyến bỏ những nắm đất đầu tiên, nói lời vĩnh biệt lần cuối cùng với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Trước đó, các sư tăng kết thúc tụng niệm, chiêu độ cho linh hồn nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải siêu thoát. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình – Trưởng Ban Tổ chức lễ Quốc tang lên phát biểu. Ông Trương Hòa Bình nhắc lại, sau lễ truy điệu tại Hội trường Thống Nhất TPHCM, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân có mặt tại mảnh đất xã Tân Thông Hội làm lễ an táng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đưa tiễn ông về với lòng đất mẹ.
Đội túc trực linh cữu rời khỏi vị trí. Đội tưởng đội tiêu binh vào gấp quốc kỳ.
Lúc 10h23, lá quốc kỳ một lần nữa được phủ lên linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Nguyên Thủ tướng được an táng bên cạnh mộ vợ. Ngôi mộ phần đã được chuẩn bị sẵn ngay sau khi vợ ông mất, chờ ngày ông trùng phùng trở về đoàn tụ bên bà ở cõi an lạc.
Tháp tùng linh cữu nguyên Thủ tướng ra khu vực an táng là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Linh cữu được đội tiêu binh di quan tới khu vườn trong nhà, rước qua một cổng hoa trắng và cẩn trọng đưa tới khu an táng đã được chuẩn bị sẵn.
Dưới đây là một số hình ảnh người dân tới đưa tiễn cố Thủ tướng Phan Văn Khải:
Tập thể giáo viên, học sinh trường tiểu học tân thông đến tiễn đưa chú Khải. Ảnh: Nguyên Vỹ
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải mãi mãi là tấm gương sáng của nhân dân Củ Chi. Ảnh: Nguyên Vỹ
Nỗi niềm nghẹn ngào, tiếc thương có thể bắt gặp trên bất cứ đôi mắt nào của người đưa tiễn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiễn đưa linh cửu đồng chí Phan Văn Khải. Ảnh: Hữu Ký
Với người dân Củ Chi, ông Hai hoặc chú Hai vẫn là cái tên thân thương mà mọi người thường gọi cố Thủ tướng. Chị Huỳnh Thị Ngọc Hân, người dân ấp Tiền (xã Tân Thông Hội) bị tật nguyền (thần kinh - PV) từ nhỏ. Chị kể ngày trước ông Hai vẫn thường cho tiền để chị may đồ mới vì biết gia cảnh khó khăn.
"Trước ông Hai vẫn thường cho tiền để tôi may đồ do nhà rất khó khăn, nay ông đã đi rồi”, chị mếu máo khóc. Ảnh: Nguyên Vỹ
Nghe tới đây, hàng xóm lại khóc theo nức nở vì tình cảm trong sáng, ngây thơ của chị.
Bà Võ Thị Mô, trung đội trưởng trung đội du kích nữ Củ Chi cũng khóc nấc: “Biết bao giờ chúng con mới được gặp lại chú Hai nữa đây, chú ơi”. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo lời bà Mô kể, ngày đó trung đội của bà hơn 60 người đi kháng chiến chống Mỹ đã hi sinh hết 24 người. Chính cố Thủ tướng đã vận động kinh phí để đội du kích có tiền làm đám giỗ cho đồng đội. “Chú Hai nói, đội du kích nữ Củ Chi xứng đáng được phong anh hùng”, bà Mô kể.
Nhân dân nghẹn ngào khóc tiễn đưa chú Khải về trời.
“Chúng tôi chỉ có 1 lời duy nhất: Chú Khải sống mãi trong lòng người dân Củ Chi”, bà Mô chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.