Trong thập kỷ vừa qua, nhiều vụ đại án tham nhũng, kinh tế đã được phát hiện, đấu tranh, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử, hàng loạt cán bộ chủ chốt, nguyên là lãnh đạo cấp cao vi phạm bị xử lý hình sự.


Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 2.

Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – là vụ án kinh tế lớn được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm tháng 01/2018 với bị cáo Đinh La Thăng và 21 bị cáo đồng phạm.

Quá trình điều tra cho thấy, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐ Thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), đã chỉ định Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng hơn 6,6 triệu USD, trên 1.312 tỷ đồng cho PVC để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích không đưa vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị cáo Đinh La Thăng còn chỉ đạo cấp dưới góp vốn trái pháp luật vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại dương (Oceanbank) gây thất thoát cho Nhà nước 800 tỷ đồng.

Bị cáo Đinh La Thăng phải chấp hành mức án là 30 năm tù.

Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 3.

Bị cáo Đinh La Thăng tại một phiên xét xử. (Ảnh: LĐ)

Cũng liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Đinh La Thăng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) và đồng phạm đã có hành vi "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "tham ô tài sản", xảy ra tại PVC.

Cụ thế, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng trái phép, để nhận tạm ứng tiền từ PVN và sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng này vào mục đích khác, không đưa vào Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.

Ngoài ra, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, rút 13 tỷ đồng từ Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân.

Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 4.

Vụ án Phan Văn Vĩnh (nguyên Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao), Nguyễn Văn Dương và đồng phạm phạm tội "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản", "Tổ chức đánh bạc","Đánh bạc", "Mua bán trái phép hóa đơn", "Rửa tiền", "Đưa hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và một số địa phương.

Đây là vụ án lợi dụng công nghệ cao, tổ chức đánh bạc qua mạng internet có quy mô và giá trị có thể xem là lớn nhất từ trước đến nay với 92 bị cáo phạm tội, trong đó có 2 cựu tướng Công an. Tổng số tiền thu lời bất chính từ game bài đánh bạc là gần 10 nghìn tỷ đồng, các bị cáo hưởng lợi trên 4.700 tỷ đồng.


Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 5.

Năm 2018, không chỉ bị khởi tố về tội "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước", bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Tức Vũ "nhôm"), cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 còn bị khởi tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản làm thất thoát 2.000 tỷ đồng trong vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Đông Á.

Ngày 9/8 năm này, Vũ "nhôm" tiếp tục bị khởi tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Vụ án này liên quan đến liên quan đến việc mua, bán các nhà, đất công sản tại địa bàn TP Đà Nẵng. 

Theo đó, Vũ "nhôm" đã thực hiện thâu tóm 22 nhà, đất công sản, 7 dự án bất động sản không đúng quy trình, trái pháp luật.

Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 6.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ. Ảnh: TTXVN

Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND Đà Nẵng từ 2006 - 2011, và khởi tố ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND Đà Nẵng từ 2011-2014. Cả hai ông đều bị khởi tố về hai tội danh: "Vi phạm quy định về quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và "Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lí đất đai" quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2006 - 2014, bị cáo Trần Văn Minh và bị cáo Văn Hữu Chiến bị cáo buộc đã có hành vi cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, các quy định về quản lý đất đai như: đồng ý chủ trương, ký ban hành nhiều văn bản và chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc giao đất, thu hồi, cho thuê, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển nhượng nhà, đất công sản tại TP.Đà Nẵng; giảm giá, giảm hệ số sinh lợi, chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng đất trái quy định của pháp luật đối với nhiều nhà, đất công sản và các dự án đầu tư xây dựng để tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ trục lợi trong việc mua bán, chuyển nhượng các nhà đất công sản và các dự án này. Con số thiệt hại lên tới hơn 22.000 tỷ đồng.

Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 7.

Bị cáo Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch HĐQT, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và đồng phạm phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Bị cáo Danh đã chỉ đạo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) và các bị cáo dưới quyền dùng tiền của VNCB đảm bảo cho 29 lượt công ty (do Danh thành lập, hoặc đi mượn) vay hơn 6.100 tỷ đồng tại ngân hàng Sacombank, BIDV và TPBank. Do các công ty của ông Danh không thể trả được nợ, đã khiến VNCB thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng. Vụ án này còn liên quan đến các bị cáo, bị can Trầm Bê, Hứa Thị Phấn và một số bị cáo khác.

Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 8.

Bị cáo Phạm Công Danh. (Ảnh: DV)

Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 9.

Một trong những vụ việc gây chấn động nhất đầu năm 2021 là đưa ra xét xử vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 10.

Nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng hầu tòa vì sai phạm liên quan đến đất đai. (Ảnh: nhandan)

Bản án nêu rõ, Sabeco được giao khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (diện tích 6.080m2) dùng sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và nộp tiền thuê đất hằng năm. Nhưng nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cùng các đồng phạm đã có ý kiến chỉ đạo về việc Sabeco góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco để thành lập liên doanh Sabeco Pearl đầu tư thực hiện dự án "Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê" tại khu đất trên.

Sau khi Sabeco thực hiện xong các thủ tục pháp lý đầu tư, trong đó có việc bổ sung chức năng officetel (mô hình kết hợp văn phòng cho thuê với khách sạn) và căn hộ ở cho dự án, Bộ Công thương chỉ đạo công ty này thoái toàn bộ vốn góp.

Các hành vi trên dẫn tới hậu quả quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng bị chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước.

Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 11.

Vụ Đại án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa, nhận hối lộ" xảy ra tại Tổng công ty viễn thông MobiFone được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố từ ngày 10/7/2018.

Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nhiều ý kiến cho rằng vụ án này xứng đáng đi vào "lịch sử tố tụng hình sự" Việt Nam không chỉ bởi số tiền hối lộ ước lên tới 6,2 triệu USD "lót tay", vụ án này còn có tới 2 cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông hầu tòa.

Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 12.

Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 13.

Theo cáo trạng, năm 2015, Tổng công ty viễn thông MobiFone (100% vốn nhà nước, cơ quan chủ quản là Bộ TT-TT) dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son đã mua 95% cổ phần của AVG.

Đáng nói, dù biết rõ dự án MobiFone mua lại AVG chưa được Thủ tướng quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng bị cáo Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo cấp dưới Trương Minh Tuấn (khi đó là Thứ trưởng) ký Quyết định 236 và chỉ đạo bị cáo Lê Nam Trà, Chủ tịch HĐQT MobiFone khi đó, cùng Tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải ký hợp đồng trị giá gần 8.900 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với thực tế, gây thiệt hại nhà nước gần 6.600 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Bắc Son bị TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên chung thân về tội "Vi phạm quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Nhận hối lộ" vào ngày 23/4/2020 vì có sai phạm nghiêm trọng trong vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG.

Số tiền 8.900 tỷ đồng đã được cựu Chủ tịch AVG giao nộp toàn bộ và khắc phục cả số tiền lãi phát sinh.

Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 14.

Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 15.

Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 16.

Vụ Đại án "Buôn lậu" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (viết tắt là Công ty Nhật Cường) được đem ra xét xử cũng là một trong những đại án tham nhũng lớn gây rúng động thị trường.

Theo Bản án sơ thẩm, trong thời gian từ tháng 1/2014 đến tháng 5/2019, Bùi Quang Huy (lúc đó là Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) đã trực tiếp và chỉ đạo các nhân viên Công ty Nhật Cường thực hiện hành vi giao dịch, mua bán trái phép tổng số 2.502 đơn hàng với 255.311 sản phẩm điện thoại di động và thiết bị điện tử, tổng trị giá thanh toán trên 2.927 tỷ đồng của 16 nhà cung cấp tại Hong Kong, Trung Quốc.

Sau đó, thuê các đường dây vận chuyển hàng hóa trái phép từ Hong Kong về Việt Nam giao cho Công ty Nhật Cường tiêu thụ.

Thông qua hệ thống các cửa hàng bán lẻ của Công ty Nhật Cường đã tiêu thụ được 254.364 sản phẩm, thu lợi bất chính 221 tỷ đồng.

Đồng thời, Bùi Quang Huy cũng là chủ mưu chỉ đạo nhân viên bỏ ngoài sổ sách kế toán tài sản, nguồn vốn hoạt động thực tế của Công ty Nhật Cường, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng, nhằm mục đích che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng.

Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 17.

Trong 3 vụ án cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị đưa ra xét xử thì có đến 2 vụ liên quan đến Công ty Nhật Cường. Ảnh: Xuân Trung

Trong quá trình điều tra vụ án tại Công ty Nhật Cường, để nắm được thông tin, tài liệu về quá trình điều tra vụ án, ông Nguyễn Đức Chung – cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã phạm vào tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước với vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Cũng liên quan đến công ty Nhật Cường, cuối năm 2021, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội cũng đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung mức án 3 năm tù vì tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong vụ án "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội và một số đơn vị liên quan.

Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 18.

Cũng trong năm 2021, hàng loạt các vụ án vi phạm về đấu thầu trong lĩnh vực y tế đã được phát hiện điều tra truy tố như vụ việc xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội.

Đặc biệt là vụ việc bắt giam Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Chưa dừng lại ở đó, những ngày cuối năm 2021, dư luận xã hội tiếp tục xôn xao khi Cơ quan điều tra của Bộ Công an tiếp tục phanh phui vụ án "thổi giá" Kit xét nghiệm Covid-19.

Theo đó, Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật.

Tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm Kit xét nghiệm Covid-19. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng Kit xét nghiệm Covid cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Kết quả điều tra bước đầu, Phan Quốc Việt và các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt Công ty Việt Á khai nhận: Quá trình kinh doanh và tiêu thụ Kit xét nghiệm Covid-19 do Công ty Việt Á sản xuất, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm Kit test Covid-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức Chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.

Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ Chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (Công ty liên danh, Công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.

Đến nay, Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh cùng nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ bị khởi tố, kỷ luật do liên quan sai phạm ở vụ Việt Á.

Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 19.

Từ trái sang, ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long là 2 Uỷ viên Trung ương đảng bị khởi tố, bắt giam ngày 7/6. Ảnh: T.L

Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 20.

Theo thông báo của C01, kết quả điều tra đến nay xác định từ ngày 1/9/2016 đến ngày 10/1/2022, bị can Trịnh Văn Quyết (nguyên Chủ tịch FLC) đã chỉ đạo người thân lập 450 tài khoản tại 41 công ty để mua bán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá 6 mã chứng khoán. 

Bị can Trịnh Văn Quyết bị xác định có mục đích thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng và gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 05 bị can, ra lệnh bắt 5 bị can để tạm giam về tội "Thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại Điều 211, Bộ luật Hình sự 2015.

5 bị can gồm: Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch HĐQT; Trịnh Thị Minh Huế, nguyên nhân viên Kế toán tổng hợp Công ty CP Tập đoàn FLC; Hương Trần Kiều Dung, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán BOS kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Công ty CP Tập đoàn FLC; Trịnh Thị Thúy Nga, nguyên Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc, Nguyễn Quỳnh Anh, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán BOS và đang tiếp tục củng cổ và làm rõ các đối tượng đồng phạm khác.

Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 21.

Công an khám xét tòa nhà FLC Twin Tower, 265 Cầu Giấy, Hà Nội tối 29/3. Ảnh: Q.N


Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 22.

Trong những tháng đầu năm 2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - C03) Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đỗ Anh Dũng, 61 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh), để điều tra tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại điều 174, bộ luật Hình sự.

Cùng tội danh này, C03 còn khởi tố, bắt giam 6 người khác thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh.

Bước đầu C03 cho biết trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Liên quan hoạt động của Tân Hoàng Minh, năm 2017, Thanh tra Bộ Xây dựng từng ban hành kết luận thanh tra 3 dự án vi phạm trong quá trình triển khai xây dựng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại Hà Nội gồm D'.Le Pont D' or Hoàng Cầu, D'. Palais Louis và D'. Le Roi Soleil Quảng An. Các vi phạm chính gồm: dự toán xây dựng công trình chưa đúng mẫu quy định trước khi phê duyệt; một số gói thầu, cán bộ tư vấn giám sát không thực hiện giám sát theo đề cương đã được chủ đầu tư chấp thuận và quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 23.

Dự án Summit Building Trần Duy Hưng thuộc Tân Hoàng Minh bị Bộ Công An xác minh. Ảnh: Minh Khôi

Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 24.

Tháng 4/2022, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Tô Anh Dũng – nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao - để điều tra về hành vi nhận hối lộ.

Trước đó, ngày 27/01/2022, Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố vụ án "nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao. Hành vi sai phạm của các bị can xảy ra trong quá trình xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.

Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 người gồm: Nguyễn Thị Hương Lan - cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Đỗ Hoàng Tùng - phó cục trưởng; Lê Tuấn Anh - chánh văn phòng của cục; và Lưu Tuấn Dũng - phó phòng bảo hộ công dân của cục này.

Ngày 25/3/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Quyết định Bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự "Đưa hối lộ", Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội "Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự, đối với Hoàng Diệu Mơ, sinh năm: 1980; tại: Quảng Bình. Nghề nghiệp: Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang điều tra mở rộng vụ án để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 25.

Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra lần 4 và đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang cùng 9 bị can liên quan đến sai phạm tại dự án khu dân cư ở Phước Kiển và khu dân cư Ven Sông.

Nhìn lại 12 đại án tham nhũng, kinh tế lớn trong 10 năm - Ảnh 26.

Ông Tất Thành Cang bị đề nghị truy tố trong sai phạm tại dự án đất công ở Phước Kiển (Nhà Bè), Ven Sông (đường Tân Phong, quận 7). Ảnh: Chinh Hoàng

Theo kết luận điều tra, tháng 11/2000, Công ty Tân Thuận là công ty có vốn nhà nước được UBND huyện Nhà Bè giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng dự án Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và được Văn phòng Thành ủy chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tháng 8/2016, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư với tỉ lệ 75:25 hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án Phước Kiển.

Lúc này, ông Trần Công Thiện - tổng giám đốc Công ty Tân Thuận - chỉ đạo cấp dưới thuê Công ty Kiểm toán và dịch vụ tin học TP.HCM ban hành chứng thư thẩm định giá xác định diện tích 32ha đất tại dự án trên có giá bình quân là 1,05 triệu đồng/m2.

Hội đồng xây dựng giá bất động sản kinh doanh của Công ty Tân Thuận họp và chỉ căn cứ duy nhất vào giá trong chứng thư thẩm định giá để xây dựng đơn giá chuyển nhượng là 1,25 triệu đồng/m2.

Tháng 6/2017, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng 32ha đất Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2 và nhận 374 tỷ đồng, tiền thuế VAT là 23 tỷ đồng.

Sau đó, hợp đồng bị hủy bỏ, Công ty Tân Thuận đã trả lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai 374 tỷ đồng, tiền thuế VAT là 23 tỷ đồng và tiền lãi suất là 21 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước 215,5 tỷ đồng.

Tương tự, đối với 32.967m2 đất thuộc khu IV dự án khu dân cư Ven Sông tại phường Tân Phong, quận 7, Công ty Tân Thuận cũng căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của Công ty Thương Tín, xác định giá trị bình quân khu đất này là hơn 17,6 triệu đồng/m².

Đến tháng 11/2017, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng toàn bộ khu đất này cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 20 triệu đồng/m², gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 283 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem