Nhớ Trọng Khôi và vĩnh biệt tiếng cười Nghị Hách

Thứ tư, ngày 14/03/2012 13:33 PM (GMT+7)
Dân Việt - Có người nói nhìn thấy Trọng Khôi là nhìn thấy ông Nghị Hách của phim “Giông tố”, cái dáng thấp lùn, cái khuôn mặt phúng phính và chòm ria mép ngắn tủn ngủn không lẫn vào đâu được...
Bình luận 0
img
 

Sáng nay, 14.3, một tin buồn đến với làng sân khấu, NSND Trọng Khôi- một trong những cánh chim đầu đàn của Nhà hát kịch Việt Nam đã về cõi vĩnh hằng sau một cơn trọng bệnh ở tuổi 69.

Ông ốm đã nhiều năm nay, một vài lần chạm vào lằn ranh giữa sự sống và cái chết, nhưng Trọng Khôi vẫn mạnh mẽ bước qua, để đi làm phim và tiếp tục gắn bó với mấy chục mét vuông của cái bục gỗ sân khấu cuộc đời ông. Nhưng lần này, con người lạc quan ấy đã không thể gượng dậy được nữa.

Có người nói nhìn thấy Trọng Khôi là nhìn thấy ông Nghị Hách của phim “Giông tố”, cái dáng thấp lùn, cái khuôn mặt phúng phính và chòm ria mép ngắn tủn ngủn không lẫn vào đâu được. Bộ phim ấy của đạo diễn Nguyễn Mạnh Lãi sẽ không có được thành công như vậy nếu không mời được NSND Trọng Khôi vào vào vai diễn “đinh” của phim.

Diễn xuất tuyệt vời của ông, tiếng cười “dê già” của ông, khuôn mặt đểu giả của ông gần như đã che mờ tất cả những diễn viên khác. Và độc đáo nhất là tiếng cười, ông bảo chẳng học đâu xa, học chính từ mấy con dê đực thôi, lúc nó be toáng lên thế nào thì mình cười như thế. Có thể nói, cùng với vai Trương Ba, Vua Lia trên sân khấu kịch, vai Nghị Hách là một vai diễn để đời của Trọng Khôi trong điện ảnh.

NSND Nguyễn Trọng Khôi sinh năm 1943 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Sân khấu năm 1964, ông đầu quân cho Nhà hát kịch Việt Nam. Năm 1970, ông được đề bạt làm Phó đoàn biểu diễn của nhà hát. Đến năm 1972, ông làm trưởng đoàn. Năm 2000, Nguyễn Trọng Khôi được phong tặng danh hiệu NSND và giữ chức vụ Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Sau đó, ông chuyển sang công tác Hội, giữ chức Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Ấn tượng bởi vai diễn Nghị Hách của ông, có thời cánh nhà báo mới ra trường chúng tôi tưởng đâu ông ngoài đời chắc cũng rất gần với cái ông nghị ít chữ ấy. Thế nhưng mà bé cái nhầm, chúng tôi đã được “mở mắt” khi tới gặp ông trong ngôi nhà chật chội toàn sách là sách.

Giữa bốn bề sách đông tây kim cổ, NSND Trọng Khôi, tướng mạo phương phi, dáng đứng dáng đi đều... phục phịch lại có thể ngồi nói say sưa tới mấy tiếng đồng hồ về văn học, về nghệ thuật, và đặc biệt là kịch nghệ- mảnh đất mà ông đã gieo đời mình vào đó. Ông giảng hay hơn nhiều những giảng viên đại học chuyên nghiệp, bởi ngoài kiến thức uyên thâm, ông còn là một nghệ sĩ với những hỉ, nộ, ái, ố mà các nhân vật đã cho ông trải nghiệm trên sân khấu. Và từ ấy trở đi, gặp ông ở đâu, ngữ “ngựa non háu đá” như chúng tôi đều tự nhiên thấy khép nép, rụt rè. Và muôn phần yêu mến.

Ông không phải con nhà nòi, nhưng ông may mắn vì đã được học hỏi ở những bậc thầy của làng sân khấu như nhà thơ Thế Lữ và con trai ông, NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Dương Ngọc Đức những kỹ thuật diễn để khán giả không thấy ông đang diễn mà thấy rằng, đó chính là Trọng Khôi đang sống đời đau khổ của Vua Lia, sống trong oai hùng của Ghê-ooc-ghi Đi mi trôp trong “Đỏ và Nâu” hay hạnh phúc trong nỗi cô đơn của “Ông già và biển cả”.

Vai nào NSND Trọng Khôi cũng làm được, từ đểu giả, ít học chỉ nghĩ tới tình, tiền hay là một triết gia, ông vượt qua trở ngại của vóc dáng bên ngoài để biến cơ thể mình thành một khối bột dễ nhào nặn, dễ lấp đầy mọi góc cạnh của nhân vật. Xem Trọng Khôi diễn rồi mới thấy những “sao” trẻ ngày nay sao mà thể hiện nhân vật nông choèn choèn thế, cứ vui là cười, cứ buồn là gào khóc, và hễ phải suy nghĩ thì y như rằng sẽ nhăn nhó chau mày na ná như nhau.

Thế hệ của ông, những nghệ sĩ đích thực, đã trải qua đủ mọi thăng trầm, đã đúc kết tình yêu, niềm vui và cả nỗi khổ đau của mọi kiếp đời vào trong lòng mình, để gặp tình huống nào đó sẽ chỉ dễ dàng thò tay vào đó lấy ra, như lấy một viên kẹo nhỏ.

Làng sân khấu có những người như ông nhiều năm ở cương vị Chủ tịch Hội giống như một ngôi nhà có cái nóc vững chãi, ông trăn trở với sân khấu thể nghiệm, ông ủng hộ những tìm tòi của anh em nghệ sĩ và ông đau buồn khi thấy sân khấu đìu hiu, khán giả hững hờ. Nhưng một mình Trọng Khôi với bệnh tật đầy mình và tuổi già mỗi ngày chầm chậm tới thì làm gì được đây để nâng con thuyền sân khấu đang ngày một chìm dần? Và bởi thế mà người ta đồ rằng, những năm cuối đời, Trọng Khôi ít cười hơn hẳn cho dù với bạn bè, đàn em, ông vẫn luôn là cây hài để khích lệ tinh thần mọi người.

Đời không ai tránh được vòng xoay sinh lão bệnh tử, đời không ai là không có lúc phải xuôi tay đi về một cõi nào đó mịt mùng xa, nhưng sao không có một ngoại lệ nào cho ông, một nghệ sĩ đích thực đáng yêu và đáng kính nhường vậy? Giá ngày này đừng tới sớm, làng sân khấu còn có thêm được một “cây đa cây đề” bởi ông dù đã lâu không lên sân khấu nhưng vẫn giống như cái mỏ neo vô hình, là điểm tựa để níu giữ những ai còn có một tấm lòng.

Vĩnh biệt ông, vĩnh biệt tiếng cười Nghị Hách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem