Những người bảo vệ Lễ đài ngày 2/9

Thiên Việt Thứ tư, ngày 02/09/2020 06:00 AM (GMT+7)
Ngày 2/9/1945, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình khai sinh cho Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Kể từ ngày giành chính quyền 19/8/1945 đến hôm Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập chỉ có gần 2 tuần, và với nhà nước non trẻ, việc bảo vệ an ninh cho lễ đài không hề đơn giản.
Bình luận 0

Khi đó, việc bảo vệ an ninh của lễ đài được chia làm 3 vòng. Ở vòng 1, người phụ trách là ông Chu Đình Xương - Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ. Ông Xương vinh dự được phân công trọng trách trực tiếp bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên khán đài trong suốt quá trình diễn ra buổi lễ.

Trong những thước phim còn lưu giữ tại Bảo tàng Công an nhân dân, có lẽ rất ít người biết được hình ảnh người đứng cạnh che ô cho Bác Hồ trên lễ đài lúc đó là ông Chu Đình Xương - một cựu tù cộng sản, từng bị giặc Pháp bắt giam tại nhiều nhà tù. Ông vượt ngục tháng 3/1945, từ nhà tù Sơn La trở về tham gia hoạt động cách mạng. Sau Tổng khởi nghĩa 1945, ông được Xứ ủy phân công làm Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ. Các trinh sát của Sở Liêm phóng đi xe đạp cùng chiếc ôtô Xitroem màu đen đón Bác từ Bắc Bộ Phủ ra lễ đài. Riêng ông Xương đứng che ô cho Bác trên lễ đài và trực tiếp bảo vệ Bác.

Những người bảo vệ Lễ đài ngày 2/9  - Ảnh 1.

Lực lượng bảo vệ lễ đài ngày 2/9/1945. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản

Vòng bảo vệ thứ ba cho lễ đài trong ngày 2/9/1945 là lực lượng dân quân, tự vệ đoàn, công an xung phong… đứng lẫn trong đội hình mít tinh với quần chúng. Họ cũng trang bị vũ khí và sẵn sàng hành động khi có sự phá hoại của kẻ xấu.

Ông Chu Đình Xương (sinh năm 1913, tại xã Thái Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1938. Sau sự kiện 2/9/1945, từ tháng 6 đến tháng 12/1946, ông Xương làm Thanh tra Sở Công an Trung Bộ. Từ tháng 12/1946 đến tháng 2/1950, ông làm Công an Liên khu V, kiêm ủy viên Tòa án quân sự Liên khu V. Từ tháng 3/1950 đến tháng 7/1954, ông làm Trưởng phòng 4 Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Từ năm 1955 do nhu cầu công tác ông chuyển sang làm việc tại Bộ Văn hóa.

Người được giao bảo vệ vòng hai là ông Nam Long (tức Trung tướng Nam Long). Ông Nam Long (sinh năm 1921 tại huyện Hòa An (Cao Bằng) - cũng là quê hương của nhiều chiến sĩ cách mạng lão thành như Hoàng Đình Dong, Hoàng Siêu Hải, Đàm Quang Trung… Cho nên việc ông Nam Long đến với cách mạng vào năm 1937 được xem như một tất yếu.

Năm 1941, cùng với ông Đàm Quang Trung, Vũ Lập, Hoàng Văn Thái, ông Nam Long được cử sang học quân sự tại Hoàng Phố (Trung Quốc) cho tới năm 1944 thì trở về. Về đến Tổ quốc, vừa lúc Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại Khu rừng Trần Hưng Đạo nên ông Nam Long và các đồng chí tham gia luôn. Trong bức ảnh thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, người cầm cờ đứng giữa chính là Vũ Nam Long, bên phải là ông Đàm Quang Trung.

Từ tháng 5/1945 ông Nam Long được cử làm đội trưởng đội bảo vệ Hồ Chí Minh. Cuối tháng 8, ông nhận nhiệm vụ tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội. Họ đi qua Bắc Kạn, Thái Nguyên và về đến Phú Thượng (làng Gạ) trọ ở đó một đêm. Hà Nội lúc này đã ngập cờ và hoa... Hôm sau xe đón mọi người đến nhà ông Trịnh Văn Bô tại 48 Hàng Ngang. Ông Nam Long đã luôn có mặt tại ngôi nhà lịch sử này để bảo vệ Bác. Ông là người đã chứng kiến đêm đêm khi chiếc máy chữ đánh tí tách, chính là lúc Hồ Chủ tịch viết bản Tuyên ngôn Độc lập.

Ngày 2/9/1945, phân đội của ông Nam Long được giao nhiệm vụ bảo vệ lễ đài và Hồ Chủ tịch ở vòng hai, tức là xung quanh lễ đài nhưng xa đội trinh sát một chút. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem