Những thách thức với tân Bí thư Đà Nẵng

Thứ hai, ngày 09/10/2017 14:05 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh nội bộ Thành ủy có mâu thuẫn, tân Bí thư Đà Nẵng đối diện với bài toán đoàn kết cán bộ, xử lý những sai phạm đang tồn tại.
Bình luận 0

Video lễ công bố quyết định ông Trương Quang Nghĩa làm Bí thư Đà Nẵng.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chỉ ra nhiều thách thức với tân Bí thư Đà Nẵng khi tiếp quản công việc trong bối cảnh "Chủ tịch mắc khuyết điểm, Bí thư thì bị cách chức, Ban Thường vụ cũng bị cảnh cáo".

Làm việc "gấp ba người khác"

Thách thức lớn nhất, theo PGS Nguyễn Trọng Phúc là phải sửa chữa một cách thành thật và hiệu quả những khuyết điểm mà Trung ương đã chỉ rõ, mới mong tạo ra bước phát triển mới cho thành phố. Nếu không xử lý đúng đắn thì có khi lại dẫn đến những tác động tiêu cực khác.

img

Ông Trương Quang Nghĩa, tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Tùng

Ngày 7.10, Bộ Chính trị đã phân công ông Trương Quang Nghĩa - Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải đảm nhận chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thay ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức vì có nhiều vi phạm nghiêm trọng.

Ông cho rằng những khuất tất của người đứng đầu đảng bộ làm lộ ra việc sức chiến đấu, tính đảng của cấp ủy ở Đà Nẵng chưa cao, thấy sai không dám đấu tranh, thậm chí người đứng đầu lại chi phối lợi ích nhóm, có những chia rẽ bè phái.

"Nhiều người nhận định ông Nghĩa hiền quá, nhưng theo tôi hiền lành cũng là một phẩm chất tốt của người lãnh đạo, đâu cứ phải sắc sảo rồi nhiều khi lại quá trớn thì chưa chắc đã mang lại hiệu quả. Mỗi người đều có một phương pháp, phong cách làm việc, quan trọng nhất là phải tôn trọng, phát huy được trí tuệ tập thể và trách nhiệm của người đứng đầu thì sẽ thành công", ông Phúc nói.

Việc sử dụng đất đai, cấp phép khai thác bán đảo Sơn Trà để lại nhiều hậu quả, cho đến vấn đề môi trường, bức xúc của người dân thành phố... là những việc cụ thể mà tân Bí thư phải đối mặt. "Tôi tin còn rất nhiều người tâm huyết, lo lắng cho thành phố, chứ không đến mức vì một người đứng đầu mà thành phố Đà Nẵng đi xuống".

Lấy lại lòng dân

Ông Lương Minh Sâm, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, đánh giá quyết định kỷ luật của Ban Chấp hành Trung ương với lãnh đạo cao nhất của thành phố là kịp thời, không nên để kéo dài thêm khi tuần lễ cấp cao APEC cận kề. Sự cứng rắn, nghiêm minh của Trung ương đã giúp cho những thế lực ở Đà Nẵng bị hạn chế.

Ông nhận xét chưa bao giờ Đà Nẵng có tình trạng mâu thuẫn lớn như vừa qua, nên quyết định của Trung ương đã giúp Đà Nẵng giải tỏa được tư tưởng. "Ông Trương Quang Nghĩa có nhiều thuận lợi để xốc lại bộ máy, dễ xử lý công việc vì không liên quan đến các nhóm lợi ích".

img

Một góc đô thị ven biển của thành phố Đà Nẵng đang mọc lên chi chít khách sạn. Ảnh: Nguyễn Đông

"APEC là sự kiện cần tập trung toàn bộ công chức của thành phố và cũng là cơ hội để ông Nghĩa tập hợp, đoàn kết bộ máy lại", ông Sâm nhận định. Câu chuyện đất đai hay quy hoạch Sơn Trà sẽ sớm được làm rõ và nhiệm vụ của tân Bí thư là lấy lại được lòng dân để cùng xây dựng thành phố.

Ông Trần Thắng, Việt kiều Mỹ, Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam, thì đặt ra bài toán phát triển nguồn lực và kêu gọi đầu tư cho các lĩnh vực tiềm năng như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, dịch vụ bảo hiểm và ngân hàng...

"Ðà Nẵng vừa đi qua một chuỗi khó khăn về năng lực lãnh đạo và sự tín nhiệm của người dân sụt giảm, người kế nhiệm ở vị trí cao nhất cần có nhiều thời gian và tâm huyết để truyền cảm hứng, nhằm đưa ban lãnh đạo đi cùng một hướng vì lợi ích của người dân, vì một thành phố đáng sống", ông Thắng mong mỏi.

Cựu chiến binh Phan Văn Tải (quận Liên Chiểu) cho rằng thuận lợi lớn nhất với tân Bí thư Đà Nẵng là từng đảm nhận chức vụ trong bộ máy của thành phố, nhưng trải qua những chuyện vừa rồi, thách thức với ông Nghĩa là quản lý, đoàn kết cấp dưới, tạo sự đồng thuận trong dân.

"Chúng tôi chờ xem ông Nghĩa sẽ giải quyết công việc như thế nào", ông Tải nói.

Người dân Đà Nẵng không nên mặc cảm khi nhắc "thành phố đáng sống"

Theo PGS Nguyễn Trọng Phúc, người Đà Nẵng vẫn rất đang tự hào với thành phố của mình, từ quy hoạch đô thị, đến môi trường sống, luôn đi đầu trong những đổi mới, đừng vì những sai phạm của lãnh đạo mà mặc cảm. Danh xưng "thành phố đáng sống" mà mọi người dành cho Đà Nẵng là công sức của nhân dân đóng góp, chứ không riêng của người lãnh đạo.

Ngày xưa thời ông Nguyễn Bá Thanh, quan trọng là ông ấy tập hợp được trí tuệ, tập hợp được lòng dân. "Đừng vì những khuyết điểm của người lãnh đạo để rồi mặc cảm. Mọi người đến thành phố Đà Nẵng bây giờ vẫn tự hào. Sắp tới, quan trọng nhất là Đà Nẵng phải tổ chức thành công APEC, nơi cả nước gửi gắm niềm tin", PGS nói.

Nguyễn Đông (VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem