Kỳ 2: Khóc cười với vết thương
Chuyên gia... đào tường khoét vách
Trong hơn 90 thương bệnh binh của Khoa 1 tại trung tâm, hầu như ai cũng có “tiềm năng” hay nguy cơ bỏ trốn. Có những người trốn đến vài chục lần, cứ khỏe là tìm cách vượt trại ra ngoài để đi hành quân. Dẫn đầu danh sách gây khó khăn cho các y bác sĩ ở Khoa 1 là anh Đinh Huy Cảnh, quê ở Nho Quan (Ninh Bình).
Anh Đinh Huy Cảnh, “chuyên gia đào tường khoét vách” ở trung tâm. Ảnh: G.T
Năm nay anh Cảnh 50 tuổi và đã ăn cơm ở trung tâm cũng hơn 20 năm. Kể về thương binh “cá biệt” này, bác sĩ Đinh Lệnh Dự (42 tuổi)- Trưởng khoa 1 vẫn còn cảm giác bất an khi 17 năm trước anh bước chân về đây làm việc: Anh Cảnh vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống quân ngũ, bố là đại tá quân đội nghỉ hưu, em trai hiện tại cũng đang phục vụ trong quân đội, còn anh Cảnh vốn là trắc thủ số 3 trong một tổ hợp tên lửa, thuộc Sư đoàn 361 Quân chủng Phòng không - Không quân. Anh Cảnh là một người có năng lực, được đưa vào dạng nguồn để đi học nước ngoài sau này về phục vụ trong quân đội, nhưng không hiểu vì nguyên nhân gì mà anh Cảnh phát bệnh, mất kiểm soát và có những cơn kích động đột ngột, vô cùng nguy hiểm. 20 năm qua, những chuyện anh Cảnh gây ra trong trung tâm có kể đến vài ngày không hết.
Câu chuyện nhớ nhất đó là biệt tài đào tường khoét vách của anh Cảnh, nhiều người không tận mắt chứng kiến thì không thể tin được. Vì những cơn kích động của anh Cảnh khá dày và lúc bị kích động thì anh rất hung hăng, đánh bất cứ ai, nên trung tâm phải bố trí cho anh một mình một buồng vì sợ nguy hiểm cho những thương binh khác. Trong một lần đi ăn cơm, anh Cảnh đã giấu được một chiếc thìa inox rồi đem về phòng. Chỉ với một cái thìa trong tay mà anh Cảnh đã đào tường, phá chắn song cửa sổ là sắt phi 20 chôn sâu vào tường được gia cố thêm mấy mũi que hàn, để chui ra ngoài và trèo tường trốn khỏi trung tâm. Cũng may là anh Cảnh trốn chưa xa thì nhân dân phát hiện báo với trung tâm để đón về.
Năm 1999 anh Cảnh lợi dụng lúc cán bộ quản lý đang giao ban để bỏ trốn. Chỉ bằng tay không mà anh Cảnh đã lật được tấm đan trên cống thoát nước từ trung tâm chạy ra ngoài, anh đã chui theo đường cống với ý định trốn ra. Trong khi đang ở dưới cống thì anh Cảnh bị phát hiện. Anh đã cố thủ trong cống và dùng tay đẩy toàn bộ những tấm đan bật khỏi đường cống để tìm đường chạy trốn.
Cả đời người ở trung tâm
Theo anh Lâm Quang Đạo - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan, trong tổng số 90 thương binh trung tâm đang nuôi dưỡng chữa trị chăm sóc, thì có tới 24 người bị thương hạng 1/4 thương tật trên 81%. Theo Điều 11 của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, sau khi họ mất vì vết thương tái phát sẽ được an táng trong nghĩa trang liệt sĩ như những người hy sinh trong chiến trường. Hầu hết trong số họ đã gửi gần như cả cuộc đời còn lại của mình ở trung tâm.
Tại Khoa 1 của trung tâm hiện nay có 2 thương binh hạng 1/4 được xếp vào diện sẽ công nhận là liệt sĩ sau khi mất bởi bị ảnh hưởng bởi quá nhiều vết thương. Sau nhiều năm điều trị, ông Trần Thanh Ngọ, năm nay 65 tuổi, quê ở Quảng Ninh, đã ổn định và tương đối tỉnh táo để có thể trò chuyện được. Năm 20 tuổi Trần Thanh Ngọ vào chiến trường B chiến đấu ở khu vực Tây Nguyên và bị chấn thương sọ não, thương tật trên 81% mất sức lao động hoàn toàn. “Theo tiếng gọi của Tổ quốc thì thanh niên chúng tôi lúc đấy ai cũng lên đường đánh giặc, mình không may bị thương được đưa về trung tâm ở đây điều trị. Hơn 40 năm qua, tôi đã được nhà nước chăm sóc, chế độ ăn uống thuốc men, ngủ nghỉ đều được đảm bảo, chẳng phải lo lắng gì. Chỉ có điều những khi trái nắng trở trời vết thương tái phát thì tôi đau lắm. Biết là trong lúc bị vết thương hành tôi có làm phiền mấy cháu y bác sĩ, nhưng đúng là tôi không muốn thế. Mình không điều chỉnh được hành vi nên có mắng chửi các cháu, hết cơn đau chúng tôi lại vui vẻ với nhau”.
Ông Ngọ bây giờ không gia đình, con cái. “Giờ tôi chỉ còn mong mình được sống khỏe vui với anh em đồng đội những ngày cuối đời, còn sau này nhắm mắt xuôi tay thì đã có trung tâm đứng ra lo liệu và cũng được ở trong nghĩa trang liệt sĩ. Người lính chúng tôi cũng có cuộc sống vui vẻ lắm, chiến đấu bên nhau để đánh giặc và được nằm cạnh nhau dưới suối vàng, làm trai đã có đóng góp xương máu cho đất nước kể thế vui cũng đủ rồi” - ông Ngọ xúc động tâm sự.
Ông Trần Thanh Nam (quê Hải Phòng) thì kịp lấy vợ và có con, nhưng do liên tục bị những cơn đau hành hạ nên ông đã chuyển vào sống tại trung tâm nhiều năm nay. Ông cho biết: “Tuy vợ và các con rất thương tôi nhưng sống ở gia đình không tiện, mình bệnh tật quanh năm sợ vợ con cũng không thể chăm sóc nổi vì không có chuyên môn, nên tôi phải vào trung tâm sống. Ở đây có thuốc men đầy đủ, các bác sĩ có chuyên môn nên mỗi khi chúng tôi bị đau thì được điều trị cắt cơn cũng nhanh hơn...”.
Tuy ở một khoa đến hơn 90 người nhưng anh Cảnh thường lặng lẽ chọn cho mình một chỗ ngồi riêng. Một đặc điểm rất dễ nhận ra anh Cảnh là trời hè nắng nóng 40 độ mà anh vẫn mặc áo ấm và đội mũ bông. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh nói: “Đầu rạn rồi phải đội mũ bảo vệ và cũng để phòng mảnh đạn rơi vào đầu”, còn những người quản lý ở trung tâm thì biết rằng trong đầu anh, lúc nào cũng thường trực ý nghĩ bỏ trốn.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.