Đó là những vấn đề mà người nông dân đang phải chịu đựng, đã được các đại biểu (ĐB) Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát chiều 12.6.
Nông dân đang “lỗ kép”
“Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp (NN) đã có sự đóng góp quan trọng cho nền kinh tế đất nước, nhất là kim ngạch xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, ngành NN đang đứng trước nhiều khó khăn, người nông dân đang bị “lỗ kép”, bởi một mặt doanh thu của nông dân (ND) đang bị suy giảm nghiêm trọng, trong khi chi phí đầu vào vẫn tăng. Bộ trưởng có giải pháp gì mới, đột phá giúp ND thoát khỏi tình trạng này?” - vừa nhận xét, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) vừa đặt câu hỏi với ông Phát về tình hình chung của ngành NN hiện nay.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phát thừa nhận: “Đúng là trước tình hình khó khăn hiện nay của NN, chúng tôi càng thấy rõ hơn những nguyên nhân và vấn đề đặt ra đối với ngành. Do đó, chúng tôi đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành và đã được Thủ tướng phê duyệt”. Còn liên quan đến ý kiến của ĐB Ngân về việc có cần một gói giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho nông dân hay không, Bộ trưởng Phát cho rằng, hiện khó khăn lớn nhất mà ngành NN đang gặp phải là lúa đang chín đầy đồng, trái cây, lợn gà, cá tra... rất nhiều trong khi việc tiêu thụ còn nhiều hạn chế. Do vậy, Chính phủ đã có chỉ đạo các ngân hàng tăng tín dụng cho nông dân để họ không phải bán lúa sớm để trả nợ ngân hàng, cũng như tiền mua giống, vật tư, phân bón.
ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) đặt câu hỏi: “Thời gian qua, ngành chăn nuôi trong nước còn rất nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, người nông dân làm mà không có lãi. Đâu là nguyên nhân và giải pháp của Bộ trưởng và Bộ NNPTNT?”. Về vấn đề này, ông Phát cho biết: “Chúng tôi đang chủ trương rà soát, cơ cấu lại ngành chăn nuôi, xác định những loại gia súc phù hợp với từng tiểu vùng. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng giống, phát triển vùng nguyên liệu trong nước... Nhìn chung, cần thực hiện đồng bộ tất cả các giải pháp trên”.
Không thể thu mua lúa gạo với giá cao hơn
Vấn đề sản xuất, thu mua tạm trữ lúa gạo đã được nhiều đại biểu “hâm nóng” trong buổi chiều qua tại nghị trường. ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi: “Theo chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo hiện nay, Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp để thu mua và họ được hưởng lợi từ phần lãi suất đó hàng trăm tỷ đồng. Vậy người nông dân được hưởng lợi bao nhiêu phần trăm?”.
ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) hỏi thẳng Bộ trưởng Phát rằng Bộ trưởng có đồng ý loại bỏ 2 Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không, vì ảnh hưởng quá lớn đến môi trường và Vườn quốc gia Cát Tiên. Ông Phát cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là nên hạn chế lấy rừng ở những khu vực rừng đặc dụng, ở khu vực xung yếu. Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ về ảnh hưởng của 2 dự án này một cách trung thực”. Còn Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nói: “Chúng tôi khẳng định, nếu tác động xấu đến môi trường và vườn quốc gia, chắc chắn Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội không xem xét”.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Việc mua tạm trữ lúa chỉ như một biện pháp hỗ trợ thị trường, chứ không phải là bao tiêu nông sản cho nông dân. Để hỗ thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo, các doanh nghiệp được cung cấp nguồn vốn tín dụng 7.000 tỷ đồng và thực tế phần hỗ trợ lãi suất 0% trong 3 tháng, doanh nghiệp chỉ được khoảng 200 tỷ đồng. Còn phần nông dân được là giá tăng lên khoảng 150 đồng/kg”.
Tuy nhiên, ông Phát cũng thừa nhận, hiện nông dân chưa được lãi 30% từ sản xuất lúa theo chỉ đạo của Chính phủ, bởi để nông dân có lãi 30% thì giá lúa tại ruộng phải là 5.400 đồng/kg, song hiện giá lúa khô IR 50404 mới chỉ đạt 4.550 đồng/kg, còn lúa hạt dài là 4.750 đồng/kg, nên đúng là bà con chưa có lãi. “Cái này phụ thuộc vào giá thế giới, bởi giá gạo xuất khẩu tại mạn tàu hiện mới là 6.950 đồng/kg, thì không thể thu mua với giá cao hơn cho nông dân được. Do đó, giải pháp là chúng ta cần gia tăng xuất khẩu”- ông Phát cho biết thêm.
Sau câu hỏi của ĐB Khá và phần trả lời của Bộ trưởng Phát vẫn còn tới 4 ĐB khác cũng hỏi liên quan đến vấn đề sản xuất lúa, tiêu thụ lúa gạo. Tuy nhiên, do thời gian làm việc đã hết, nên trong buổi sáng hôm nay (13.6), Bộ trưởng sẽ tiếp tục trả lời vấn đề này.
Lê Hân
Không trông chờ Bộ trưởng... kêu khóTôi thấy phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát về những khó khăn trong việc tìm đầu ra cho hàng hóa của nông dân là chưa thoả đáng. Dù là trồng trọt, chăn nuôi, hay đánh bắt hải sản... nếu thiếu vốn thì có thể mượn, hoặc làm với quy mô ít, nhỏ hơn, nhưng làm ra mà bán không có ai mua, hoặc giá quá thấp thì mới là điều đáng lo ngại. Chúng tôi không trông chờ việc Bộ trưởng kêu khó, mà trông chờ Bộ trưởng đưa ra giải pháp tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm mà ND làm ra. Đồng thời, Bộ NNPTNT cũng cần có nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể hơn nữa cho ND để giúp giảm bớt khó khăn, rủi ro trong quá trình sản xuất.
Nông dân Nguyễn Văn Hùng (xã Tịnh Kỳ, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi)
Mong sớm nhận được nhiều hỗ trợ
Qua theo dõi phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát về vấn đề chính sách mua tạm trữ lúa gạo, tôi thấy cách trả lời của Bộ trưởng có phần hơi “nước đôi”, nói chung chung chưa sát với tình hình thực tế. Qua phiên chất vấn này, người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung mong Chính phủ sớm có nhiều chính sách hỗ trợ thực tiễn, thiết thực hơn nữa để nhằm giúp người dân yên tâm sản xuất.
Nông dân Nguyễn Văn Tuấn (huyện Châu Thành A, Hậu Giang)
Chuyển biến còn chậm
Những vấn đề liên quan đến các tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giá cả nông sản… đều là những vấn đề không mới, đã được bàn tới trong rất nhiều năm nhưng chuyển biến trên thực tế rất chậm. Những vấn đề này tưởng rất dễ nhưng lại để kéo dài, đề nghị phải có biện pháp hữu hiệu. Những biện pháp được Bộ trưởng đưa ra chưa khắc phục được tình trạng này một cách triệt để và quyết liệt. Nếu Bộ vẫn thực hiện những biện pháp như hiện giờ thì đến kỳ họp sau, chắc Bộ trưởng sẽ lại tiếp tục bị chất vấn về những vấn đề cũ.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)
Tôi mới tạm hài lòng...
Theo tôi, ngành nông nghiệp phải đặt mình trong bối cảnh sản xuất hiện đại, tức là phải có dự báo chiến lược, phải có quảng bá thương hiệu đi liền với đó các hoạt động, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, có như vậy mới kích cầu được tiêu dùng. Bộ trưởng phải có những gói giải pháp giống như bên Bộ Xây dựng. Cho nên với câu trả lời của Bộ trưởng, tôi mới chỉ tạm hài lòng thôi.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM)
Công Xuân - Đức Khánh - H.P (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.