Làng Bàu Đá thuộc Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 1 giờ đi xe máy. Làng nằm ở tả ngạn sông Kôn, xưa nay vốn được bao bọc bởi cánh đồng lúa, rặng tre. Cổng làng được xây kiên cố, đường bê tông uống lượn theo làng như một dải lụa.
Đến nhà thôn trưởng Nguyễn Văn Lưu (bà con hay gọi là Năm Bàu đá). Như tính tình thật thà hiếu khách của người Bình Định, khi biết chúng tôi đến thăm quan làng, xem cách nấu rượu, chú Năm liền lấy bình rượu rót mời chúng tôi liền 2 ly, một ly rượu Bàu đá gạo cỡ chừng 52
o và một ly rượu Bàu đá nếp cỡ chừng 50
o.
Trời ơi! Mới sáng đã uống 2 ly rượu đệ nhất tửu, tôi như người của rượu và cảm thấy trong rượu Bàu đá có lửa vậy. Chú Năm dẫn chúng tôi xuống bếp, nơi những giọt rượu trải qua nhiều công đoạn "2 đêm khô 3 đêm ướt" (thời gian ủ men), sau đó là nóng là lạnh để rồi thăng hoa thành những giọt rượu trắng trong, rót vào ly, tăm sủi lên miệng ly, kết dính như cấu trúc phân tử, như hoa nở từ miệng ly vậy.
Sau khi thăm quan nơi nấu rượu, chú Năm dẫn chúng tôi ra miếu Bàu đá, cũng là nơi dân làng tổ chức những ngày của làng như lễ thanh minh…
Miếu làng Bàu đá.
Miếu Bàu đá được trùng tu xây mới trên bờ của Bàu, ngày xưa dân làng lấy nước nấu rượu để có thương hiệu rượu Bàu đá “thiên hạ Đệ nhất tửu”.
Bàu ngày nay đã cạn, chỉ còn một dòng suối chảy qua. Trên nền Bàu là những ruộng lúa, ruộng ngô xanh mát mắt. Bà con nấu rượu bằng giếng đóng, nước lấy vừa sinh hoạt ăn uống hàng ngày, vừa để nấu rượu. Sau nhà là những lu đất đựng nước, tôi uống thử một ngụm, ngọt và mát tận ruột gan.
Ra miếu, tôi xin phép đốt nén hương và cầu mong thần làng, thần nghề phù hộ cho bà con làng nghề rượu Bàu đá sống được nhờ nghề truyền thống. Theo chú Năm, hầu như bà con trong làng nấu rượu là giữ nghề truyền thống, lấy công làm lãi là chủ yếu, lấy hèm nuôi heo. Nhưng xem ra, đây cũng là một vấn đề của làng nghề, đó là môi trường.
Sau khi tham quan miếu, vừa về nhà thì vợ chú Năm đã chuẩn bị sẵn dọn sẵn một bữa “lai rai”, bày lên chiếc chiếu trải dưới sàn nhà và mời chúng tôi, không thể thiếu bình rượu đầu hôm. Chú nói bây giờ chỉ mời các chú rượu nếp thôi, nhưng vừa nồng, vừa ngọt và vừa dịu.
Cảm động tấm lòng của chú, chúng tôi ngồi bên nhau, vừa thưởng thức món ăn, vừa “khà” một tiếng mỗi khi nhấp xong một ly rượu được chính chú Năm biểu diễn, rót ra từ chiếc bình. Tôi nhớ tới đoạn văn viết về thứ rượu có một không hai của đất này: tịch mịch và ngân vang, rượu Bàu đá gợi cho tôi mối liên hệ ruột rà giữa đất và người, giữa nhất thời và vĩnh cửu:
“
Ngần xanh như lửa và tuyết
Hay ngàn cánh hạc vỗ tâm can
Say với kiền khôn cho mãn giấc
Cõi mơ không bó ở ngai vàng”
Đã gần một giờ chiều, tạm biệt chú Năm và hẹn ngày trở lại, chúng tôi tự nhủ nếu có bạn bè gần xa thăm quê Bình Định nhất quyết phải chở lên “sào huyệt” này để thưởng thức.
Xa làng, nhưng trong tôi còn có hơi nồng của rượu, của tình người. Tôi mong có một ngày làng nghề phát triển theo hướng du lịch, bà con trong làng nấu rượu, bán rượu và hướng dẫn du khách, không phải nuôi heo lấy lãi, như thế vừa bảo tồn làng nghề phát triển một cách bền vững, vừa bảo vệ môi trường.
Đường vào Làng. Dòng sông Kôn. Bàu bây giờ chỉ còn dòng suối. Nhà bếp với những dụng cụ nấu rượu qua thời gian. Gạo và men chuẩn bị để nấu rượu. Lúa làng Bàu đá. Trên mâm cơm mời khách không thể thiếu ly rượu. Ly rượu Bàu đá được rót ra, sủi bọt. Miếu thở của làng Bàu đá. Bên trong miếu thờ.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn (Bài và ảnh: Hoàng Tuấn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.