Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ký ức về tuổi thơ có gì làm chị nhớ nhất?
- Tuổi thơ của tôi trải dài trong chiến tranh. Những năm tháng đi sơ tán không bao giờ phai mờ trong ký ức của tôi. Bố tôi đi bộ đội, ở nhà chỉ có mẹ chăm 4 anh em cùng với bà ngoại. Khi đi sơ tán lần thứ nhất tôi còn rất nhỏ, mới 5 tuổi. Bốn anh chị em về quê ở với bà ngoại và các anh chị em họ. Hồi đó tôi đi sơ tán nhiều đợt, năm 1965 – 1966, giặc Mỹ ném bom miền Bắc lần thứ nhất, sau đó tôi về Hà Nội vào mỗi lần ngừng bắn. Đợt cuối cùng là khi B52 rải thảm Khâm Thiên.
Tôi là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh chị em. Khi còn nhỏ ở Hà Nội, mẹ xin cho tôi học trường phổ thông ở Khương Hạ, Định Công. Năm 1971, tôi khoảng 9-10 tuổi. Sáng tôi phải dậy từ 4h, dắt theo cậu em đi học. Từ gò Đống Đa đi bộ đến đình Khương Hạ là lớp của em trai, sau đó tôi đi đến gần Định Công là lớp của tôi. Hai chị em đi học bằng dép cao su. Thật ra đôi dép đó rất êm và chắc chắn nếu trời không mưa, nếu mưa dẫm xuống bùn dễ bị tụt quai. Có ngày mưa hai chị em dắt nhau ra hồ gần lớp học rửa chân, một lần tôi bị ngã lộn ùm suýt chết đuối. Thời đó trẻ con tự lập và làm được rất nhiều việc.
Một lần một đạo diễn điện ảnh người Mỹ casting diễn viên làm phim chiến tranh về Việt Nam, ông hỏi tôi có những kỷ niệm gì trong thời chiến tranh. Tôi đã trả lời ông: “Với tôi không phải là kỷ niệm, mà là những ký ức không bao giờ phai mờ trong tâm trí dù khi đó tôi còn rất nhỏ. Đó là những ký ức thật đẹp, là những khoảng thời gian đặc biệt không thể nào quên. Tôi nhớ nhất những ngày tháng khi chúng tôi đi sơ tán ở trong Chuông, khi tôi chỉ 6-7 tuổi. Cứ đến sáng chủ nhật là tất cả anh chị em chúng tôi dậy rất sớm ra bờ đê ngồi nhìn về phía Hà Nội. Khi ở cuối con đường xuất hiện một chiếc xe đạp thì đứa nào cũng hy vọng đó là bố mẹ mình vào thăm, mang thức ăn, gạo, mỳ, thực phẩm vì khi đó rất đói, và rất nhớ.
Tuổi thơ của chị có vẻ rất giống hình ảnh trong truyện “Quân khu Nam Đồng”?
- Vâng! Khá giống! Khu Nam Đồng ở ngay gần nhà tôi, khi học cấp 3 ngày nào tôi cũng phải đi qua và tôi rất ghét các bạn ở Quân khu Nam Đồng, thậm chí có rất nhiều bạn ở khu Nam Đồng học cùng lớp tôi nhưng tôi không thích lắm, tôi chỉ chơi với một số bạn. Bố tôi cũng là sĩ quan, cũng được phân nhà trong khu Nam Đồng nhưng bố tôi vẫn ở ngoài khu gò Đống Đa nhà tôi, vì bố bảo không thích ở tập thể và còn được ở cạnh nhà bà ngoại.
Tôi là con của sĩ quan quân đội nên cũng có phẩm chất của con nhà lính, bởi vậy các trò vè của các bạn ấy tôi rất biết. Khi đi học cấp 3 tôi rất ghét vì thấy các bạn nghênh ngang, ngang tàng, có vẻ cậy bố mẹ mình là sĩ quan quân đội nên hay bắt nạt các bạn không ở khu đấy.
Ngày xưa tôi định kiến như vậy, nhưng bây giờ tôi gặp lại các bạn rất tình cảm, đáng yêu thôi. Chúng tôi cũng hay ôn lại những kỷ niệm thời còn đi học và cười với nhau. Tác phẩm “Quân khu Nam Đồng” khá trung thực, nhưng còn có nhiều thứ chỉ có chúng tôi đã từng sống qua thời kỳ đó thì mới biết, vẫn còn thiếu nhiều lắm. Nhưng rất vui, thực ra đó là sự hồn nhiên của tuổi trẻ, nó rất trong sáng, ngang ngạnh, ương bướng, nhưng rất có chí khí, lành mạnh hướng về phía trước.
Ký ức về mẹ của chị trong những năm tháng chiến tranh như thế nào?
- Những năm tháng chiến tranh mẹ tôi ở lại Hà Nội vừa đi làm vừa học đại học, vừa chăm con ở nơi sơ tán, về nhà vẫn đan lát thêu thùa để có thêm tiền mua thức ăn đưa vào nơi sơ tán tiếp tế cho các con và bà ngoại. Bà ngoại tôi bị hen rất mệt nên mẹ còn phải chăm cả bà nữa. Mẹ tôi làm ở liên xã thủ công nghiệp Việt Nam, quản lý các hợp tác xã sản xuất thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, thảm cói, thêu thùa, đan lát thủ công. Đến giờ tôi cũng không thể hiểu được làm sao mẹ lại có thể hoàn thành được nhiều việc một lúc như vậy chỉ bằng một chiếc xe đạp.
Những đứa trẻ trong thời chiến tranh như chị phải làm những việc gì để giúp bố mẹ?
- Từ bé khoảng 5-6 tuổi chúng tôi đã phải làm việc nhà, đi sơ tán còn hái rau giúp nhà chủ ở nơi sơ tán. Nhiều khi phải dậy từ 4-5h sáng ra vườn hái rau giúp nhà chủ mang ra chợ bán. Khi ở Hà Nội thì chúng tôi phải làm thêm để tăng thu nhập cho gia đình như là cắt thảm, đan, móc áo len xuất khẩu, thêu thùa… Mẹ tôi nhận hàng về phân cho mọi người. Được nhận việc là hạnh phúc vì ngoài tem phiếu hàng ngày với lượng thực phẩm chỉ được phân phối thì công việc sẽ giúp có thêm một chút để cải thiện cuộc sống nên chúng tôi làm việc đó từ rất nhỏ. 6 tuổi là chúng tôi đã cắp 1 cuộn len ở nách, tay cầm kim đan ngoáy lia lịa vì để vẫn “chém gió” được với nhau thì phải đan rất giỏi, nhiều khi chúng tôi còn đan thi. Khi lớn lớn một chút là mẹ khoán một ngày phải đan được 1 cái tay hay 1 thân áo cho đúng ngày hẹn giao hàng, chính vì thế mà chúng tôi phải làm cật lực.
Trẻ con ngày đó không biết tiêu tiền mà chỉ biết mẹ bảo làm như thế là bữa cơm có thêm con tôm con cá mua của bà con bắt ngoài đồng, rồi mùa nào thức đấy mua được hoa quả trái cây, đong nhiều gạo hơn, cơm ít độn mì hơn. Để chúng tôi không phải ăn kham khổ nhiều thì chúng tôi bắt buộc phải lao động.
Mối quan hệ của những đứa trẻ với một người bố luôn xa nhà như thế nào?
- Lúc bé tôi không được gần bố, bố lâu lâu mấy tháng mới về thăm nhà một lần cùng mấy chú trong đơn vị trên một chiếc xe commăngca. Có lần các chú hỏi “Cháu học lớp mấy rồi?”, thì bố quay sang hỏi chúng tôi “Thế con học lớp mấy?”. Bố không bao giờ xem kết quả học tập của chúng tôi, bố tin vào mẹ, chủ yếu bố dặn dò mẹ chăm sóc các con. Thời đấy chỉ học lên lớp là được, còn học là nghĩa vụ của trẻ con rồi nên người lớn không phải quan tâm nhiều đến kết quả học tập của trẻ con như bây giờ.
Từ khi chuyển ngành ra ngoài quân ngũ bố tôi rất ngại đi xa, bố tôi bảo “Bố đi suốt cả cuộc đời rồi, không muốn đâu xa cả”.
Sau này có lúc chúng tôi muốn đưa bố chơi đây đó hoặc đi lại TP.HCM bố cũng không đi. Bố bảo bố đã tiếp quản TP.HCM, đã biết rồi nên không muốn đi. Bố đã trải qua kháng chiến chống Pháp, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó kháng chiến chống Mỹ, rồi chiến tranh biên giới phía Bắc bố đã đi gần cả cuộc đời.
Với chúng tôi bố là người rất yêu quý các con. Bố tôi là người sống rất tình cảm. Bố rất hay viết thư cho mẹ. Tôi còn nhớ nhất kỷ niệm khi chúng tôi còn bé, bố viết thư về nhắc mẹ đưa chúng tôi đi chơi nhân dịp Quốc khánh 2/9. Bố bảo mẹ đưa chúng tôi lên Bờ Hồ, đi quảng trường Ba Đình. Từ gò Đống Đa lên bờ hồ là đi tàu điện, nếu không chỉ có đi bộ. Thường mẹ đưa chúng tôi đi, nhưng khi bận mẹ phải nhờ mấy bà chị họ các bác, các dì đưa chúng tôi đi. Mẹ tôi không bao giờ làm trái ý của bố. Có lần chúng tôi không kịp lên tàu, bác và các chị cho chúng tôi đi bằng xích lô. Khi ngồi trên xích lô tôi đã khóc toáng lên vì sợ các xe cứ lao vào giữa mặt mình. Đó là lần đầu tiên tôi đi xích lô. Ngày ấy tôi rất nhát.
Chị thừa hưởng hình thức của ai trong gia đình và ảnh hưởng tính cách nhiều nhất của ai?
- Thực ra tôi xấu nhất nhà, hồi nhỏ không được bố quý bằng chị gái vì chị tôi rất xinh, rất giống bố, mũi dọc dừa, còn tôi ngày nhỏ mũi tẹt dí.
Trong gia đình tôi giống mẹ rất nhiều về tính cách. Tôi học được ở mẹ nhiều thứ, nhưng tôi lại sống tình cảm giống bố. Mẹ dạy từ nhỏ và câu cửa miệng của mẹ là: “Là con gái thì phải biết cái này, vụng về thế thì sau lấy chồng gia đình nhà chồng người ta chửi cho mà nghe!”. Mẹ là người nghiêm khắc, có ý chí và có sự quyết tâm nhất định, vì mẹ là người quán xuyến tất cả các công việc trong họ nhà tôi.
Tôi còn ảnh hưởng từ bà ngoại vì được bà trông nom từ bé. Bà ngoại tôi là con gái làng Ngọc Hà, bà là người chỉn chu, hy sinh tất cả mọi thứ cho con cái trong nhà. Bà có 8 người con, chưa kể mấy người cháu coi như con nuôi trong nhà. Nhà tôi các cô dì chú bác khi chưa xây dựng gia đình đã có khoảng 12 người.
Mẹ tôi là cũng người giúp bà ngoại chăm sóc việc đại sự cho toàn thể gia đình họ tộc. Mẹ đẹp hơn tôi, tôi về hình thức có lẽ giống bà ngoại. Bà cũng tin tưởng tôi vì tôi là người nghiêm túc từ nhỏ. Bà dạy tôi làm cỗ, bảo tôi như thế nào là tôi răm rắp.
Thời thanh niên chị có được coi là một cô gái đẹp không?
- Không! Mẹ tôi không bao giờ khen chúng tôi. Ngày xưa tôi đậm người, lại nghiêm túc nên trông có vẻ già. Tôi nghĩ mình không được coi là xinh. Bây giờ mọi người nói tôi trẻ là do tôi được tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ nên học được cách suy nghĩ phóng khoáng, ăn mặc, cư xử trẻ trung, thấy các bạn trẻ có nhiều cái hay thì tôi học thôi.
Bao nhiêu lâu chị mới nhận lời yêu người bạn thân là anh Đỗ Kỷ?
- Chúng tôi gặp nhau là cuối năm 1978, khi đó cả hai cùng đỗ vào lớp diễn viên khóa 1 Nhà hát Kịch Việt Nam. Chúng tôi đi học cùng đường. Hàng ngày tôi đi qua nhà anh để lên Nhà hát lớn, nhà anh ở phố Khâm Thiên, khi đi học về cũng vậy. Sau 3-4 năm chúng tôi mới bắt đầu yêu nhau, sau 10 năm mới cưới. Tôi chỉ nhớ trước khi anh đi nghĩa vụ năm 1982 thì chúng tôi đã yêu rồi, tôi không nhớ rõ là năm nào.
Khi anh đi bộ đội, chị và anh yêu nhau như thế nào?
- Thì chúng tôi viết thư. Giờ tôi vẫn còn giữ rất nhiều thư trong thời gian ấy. Trong lúc anh đi bộ đội, chúng tôi mang nguyên hai vở diễn tốt nghiệp “Cuộc chia tay tháng 6” và vở “Người đã lạc đội hình” lên tận đơn vị của anh diễn. Đơn vị của anh đóng quân ở biên giới phía Bắc là thị xã Hà Cối thuộc tỉnh Quảng Ninh. Anh đi bộ đội cùng các anh Trung Anh, Trọng Trinh và Quốc Khánh, nên khi vở diễn lên đến nơi các anh lại được cùng đóng với nhau.
Tôi còn nhớ có đêm diễn ở biên giới Móng Cái dưới chân cầu Ka Long, phía bên kia là biên giới Trung Quốc vẫn đang đánh nhau. Đạn bay vèo vèo chúng tôi dừng lại, tắt đèn chạy nấp vào nhà kho ở sân khấu ngoài trời. Khi yên ắng chúng tôi lại ra diễn tiếp, khán giả vẫn ngồi đó. Đêm diễn ấy chúng tôi phải dừng lại 5-6 lần như vậy. Khán giả khi đó rất khao khát được thưởng thức nghệ thuật, để xem được phim đã khó rồi nữa là một vở diễn sân khấu. Có đêm chúng tôi diễn thì trời mưa, mỗi bước chân của chúng tôi đi lại nước còn bắn tung lên. Thậm chí diễn viên chạy trên sân khấu bằng đất còn trơn ngã nhưng khán giả vẫn ngồi xem nên chúng tôi vẫn diễn, trừ những lúc mưa quá to thì dừng lại, ngớt chúng tôi lại ra diễn tiếp.
Tôi biết các cô chú diễn viên ở Nhà hát kịch còn vào Trường Sơn, đi vào tuyến lửa diễn rất vất vả để phục vụ bộ đội thời kháng chiến chống Mỹ, nên chúng tôi thấy như chúng tôi là bình thường. Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên.
Bây giờ cũng có những khó khăn…
- Mỗi thời có khó khăn riêng, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật khác nhau, khi đó có sẵn khán giả, còn bây giờ chúng tôi phải tìm đến khán giả. Làm nghệ thuật trong cơ chế thị trường giờ còn phải nghiêng sang giải trí nữa, đôi khi tính nghệ thuật nhẹ đi. Việc của chúng tôi là làm sao để tính nghệ thuật vẫn được chú trọng mà vẫn hấp dẫn được khán giả. Nhìn ra thế giới thì nhiều tác phẩm mang tính nghệ thuật cao vẫn được đông đảo khán giả đón nhận. Trăn trở của chúng tôi làm sao có các chương trình mang tính nghệ thuật đúng nghĩa, mang tính chất đỉnh cao, không mai một đi với sự phát triển của thời đại, vẫn tồn tại được lâu bền, để lại cho thế hệ sau những giá trị nhất định, bên cạnh những chương trình giải trí thuần túy.
Thủy của “Mùa ổi” là vai diễn chị được giải thưởng lớn nhất, còn vai diễn nào khiến chị thật sự thấy sướng nhất?
- Vai nào cũng đầy sự khó khăn khiến tôi trăn trở. Có vai rất thành công, ở lại mãi trong tim của mình. Nhưng đôi khi có những vai diễn mình cảm thấy được nhưng khán giả lại không. Ví dụ như vở “Con giống thủy tinh” của Mỹ. Lúc đó tôi đã 40 tuổi, tôi đóng một cô gái 20 tuổi thọt chân bị tự kỷ, mặc cảm với cuộc sống. Vai đó tôi rất thích. Vở diễn đó là của nước ngoài, khi diễn trong nước không ăn khách nhưng những người làm nghề và giới chuyên môn thì rất thích.
Vai Thủy trong “Mùa ổi” là vai mà từ đó tôi có cảm giác mình đã trưởng thành hơn trong nghề, tôi đã hiểu ra được rất nhiều, như thể là mình vừa tốt nghiệp qua một lớp diễn viên khác. Khi được làm việc với đạo diễn Đặng Nhật Minh, tôi đã học được rất nhiều. Trước đó tôi còn rất căng thẳng khi diễn, tôi rất sợ ống kính, sợ đóng phim và ngay cả diễn trên sân khấu nữa. Vậy mà sau đó tôi hiểu được sự sáng tạo nhiều khi không theo một lối mòn nào. Mình có thể đến với nhân vật bằng nhiều cách khác nhau, nhiều con đường khác nhau. Khi làm việc với bất cứ đạo diễn nào dù trẻ hay già tôi cũng đều cố gắng học hỏi ở họ một bài học nào đó.
Là diễn viên nhưng lại sợ sân khấu, sợ ống kính, và trước kia chị cũng suýt bị đuổi học nếu không được một cô giáo đứng ra bảo lãnh?
- Đúng vậy! Trước đây tôi rất nhát! Mới vào học được một học kỳ tôi nằm trong danh sách bị thải loại. Đào tạo khi đó khắt khe như vậy, cứ sau mỗi học kỳ sẽ loại bớt những người không có khả năng. Lớp tôi có 44 học sinh, cứ mỗi học kỳ lại loại 2-3 bạn, đến khi tốt nghiệp thì chỉ còn hơn 20 người.
Cô chủ nhiệm Phạm Thị Tần đã đứng lên xin được huấn luyện cho tôi một học kỳ nữa, vì thấy ở tôi có sự chân thực. Cô đã dùng phương pháp sư phạm đặc biệt để huấn luyện tôi. Với một người nhát và không đứng trước đám đông được như tôi, cứ lên trước tổ của tôi là mặt tôi tái mét, không làm được gì. Nhờ có cô, đến học kỳ 2 tôi đã có thể làm tiểu phẩm và trả bài tốt, không bị vào danh sách loại nữa. Từ đấy trở đi học kỳ nào tôi cũng có rất nhiều bài trả, tôi đã rất chăm. Và tới học kỳ 2 tôi không nằm trong danh sách bị đào thải. Khi ra trường tôi là 1 trong 6 người có điểm cao nhất, được ký hợp đồng chính thức và vào biên chế của nhà hát ngay đợt đầu. Nếu không có cô thì không có tôi ngày hôm nay. Năm nay cô gần 90 và thỉnh thoảng cô và tôi vẫn thăm nhau.
Bây giờ tôi cũng nói với các bạn trẻ là tôi không đề cao năng khiếu mà đề cao sự chăm chỉ và ý chí quyết tâm, tôi rút từ kinh nghiệm của bản thân. Năng khiếu tôi nghĩ mình chỉ có tí tẹo, nhưng qua quá trình rèn luyện và làm việc kiên trì tôi đã gặt hái được một chút thành công. Tôi không có năng khiếu nhiều như các bạn khác và không có nhiều điều kiện để làm việc tốt như các bạn khác, nên tôi phải khắc phục bằng ý chí, bằng việc đọc rất nhiều sách, làm việc hàng ngày cần mẫn.
Giai đoạn khó khăn nhất trong nghề nghiệp của chị là lúc nào? Có khi nào chị muốn bỏ nghề?
- Giai đoạn từ bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường là lúc rất khó khăn và tôi đã có ý định bỏ nghề. Khi đó tôi với anh Kỷ đã lấy nhau, sân khấu lúc đó dường như lặng xuống, đi diễn không còn khán giả sẵn như hồi chiến tranh chỉ cần đến diễn thôi, chăng một cái băngrôn là mọi người đã xếp hàng vòng trong vòng ngoài. Bắt đầu cơ chế thị trường thì gia đình nào cũng rất khó khăn. Nhà tôi cả hai cùng lương diễn viên hạng ba thấp nhất thì làm sao có thể sống.
Lúc đó tôi phải giở nghề cũ ra để may vá và đan lát. Tôi xin cái máy khâu Singer của mẹ, cũng là của hồi môn của tôi khi đi lấy chồng và làm thợ may. Tôi nhận may quần áo để lấy tiền chợ búa cơm nước. Tôi sinh cháu đầu trong giai đoạn đó. Có lúc tôi đã suy nghĩ muốn chuyển nghề khác vì quá khó khăn. Thời điểm đó tôi chỉ ao ước có đủ tiền để nuôi con. Tôi nhớ mình để dành được một khoản tiền để sinh con thì được 4 tháng là ăn hết. Cháu bước vào thời kỳ ăn dặm, ăn bột, mỗi ngày tôi chỉ dám mua một khúc xương cục về ninh lấy nước, cho một củ khoai tây, miếng cà rốt, su hào để nấu cháo cho con. Sau đó tôi với anh Kỷ lại cho thêm nước vào, cho chút mắm muối đun lần thứ 2 để hai vợ chồng ăn.
Tại sao cuối cùng chị vẫn không bỏ nghề?
- Có lẽ do nghiệp diễn đã đeo bám mình! Thời điểm đó, tôi cứ phải ngồi miệt mài đến 3-4 giờ sáng kì cạch với cái máy may, phải thùa khuyết, đơm cúc tất tật đều làm thủ công, tôi đã bị đau lưng và lúc đó tôi rất buồn. Tôi chỉ nghĩ là kiếm được việc gì lương đủ ăn thì sẽ bỏ nghề, nhưng cũng chưa bao giờ đi đâu kiếm cả và cũng không bỏ được nghề. Mỗi ngày cứ may xong một bộ quần áo thì tôi lại ôm lấy quyển sách vì tôi rất thích đọc sách. Kỳ cạch được một thời gian thấy rất nản. Anh Kỷ bảo: “Nếu em chăm chỉ thì việc may kiếm tiền rất tốt”, nhưng tôi nói: “Nhưng mà em không thích, nếu em thích nhiều tiền thì em đã không lấy anh”.
Và tôi chỉ may cho đủ tiền chợ hàng ngày, rồi lại ôm lấy đống truyện, đống sách để đọc. Ngày đó tôi đọc bất cứ thứ gì tôi vớ được. Chồng tôi cũng biết tính tôi và hai vợ chồng chấp nhận cuộc sống như thế. Đó cũng là thời điểm khủng hoảng của sân khấu, những tác phẩm lớn bắt đầu hiếm đi, người ta quay lại với những tác phẩm sân khấu rất nhỏ, chỉ có 5-6 diễn viên. Lúc đó cũng khó bỏ nghề vì tôi toàn đóng vai chính của nhà hát, vẫn phải đi công tác, làm may cũng không được liền mạch vì mỗi lần đi công tác vài tháng là chuyện bình thường. Đó cũng là cản trở cho việc mình đi kiếm một công việc gì khác. Cũng may là thời gian khủng hoảng đó qua đi rất nhanh. Cuối cùng tôi quay lại nghề diễn và nó vẫn cuốn hút tôi. Còn nếu chú tâm vào nghề may thì giờ tôi đã là một người khác rồi.
Ghi dấu ấn đặc biệt với vai mẹ chồng khó tính, chị đã từng là con dâu, cuộc sống làm dâu của chị như thế nào?
- Tôi cũng từng làm dâu, cũng sống với mẹ chồng. Lúc tôi mới lấy chồng cũng có những lúc khủng hoảng, có lúc mình không biết nói như thế nào. Một lần trong bữa cơm tôi gắp cho bà một miếng thịt gà, bà không nói gì và gắp miếng thịt ném viu ra góc mâm. Tôi ngỡ ngàng không hiểu làm sao, lúc đó cảm thấy nghẹn lại trong cổ và trong lòng nghĩ “Sao bà lại xử sự thế chứ?”. Rồi tôi chỉ rất nhẹ nhàng bảo: “Sao mẹ lại ném ra như thế này, mẹ không ăn thì để vào đây!”. Tuy nhiên sự tủi thân, uất ức đang dâng lên rất lớn trong tôi.
Tôi ăn thật nhanh hết bát cơm của mình và đi sang hàng xóm ngồi. Sau đó một lúc rất lâu, biết là bà ăn xong thì tôi mới lò mò về để dọn. Khi tôi quay về dọn mâm thì thấy bà đã ăn xong, xương để lung tung trong mâm. Tôi dọn đi và vẫn ấm ức lắm. Chiều anh Kỷ về tôi nói “Em gắp cho bà miếng thịt mà bà không ăn, bà vứt nó bay ra ngoài mâm. Em chẳng hiểu tại sao, em có làm gì đâu, bà không bằng lòng gì thì bà nói, tại sao bà lại làm thế! Nếu bà không thích ăn thịt gà thì bà bảo, nhưng sau thấy bà có ăn chứ có phải bà không ăn đâu…”. Anh Kỷ ớ ra bảo: “Ơ em không biết à, bà chỉ thích gặm cổ cánh chứ bà không thích ăn thịt, ai bảo em gắp cho bà miếng đùi”. Lúc ấy tôi mới nghĩ: “Ờ, thế mình không nghĩ ra” và mới nhận ra là mình vô tâm, không để ý đến sở thích của bà. Tất nhiên lỗi không phải ở riêng phần tôi mà cách hành xử của bà khiến ai cũng sốc.
Nhưng trước khi biết điều đó, ngay lúc rửa bát dọn dẹp xong xuôi, tôi phải lấy xe đạp đạp vòng quanh hồ Ha Le mất mấy vòng. Đi để cho xả ra, vì chạy về nhà gặp mẹ đẻ thì thể nào cũng khóc, kể xấu mẹ chồng như vậy không hay đã đành, mẹ đẻ cũng rất buồn vì con gái đi làm dâu không biết cách để xảy ra chuyện như vậy. Tất nhiên sau này tôi không giận gì hay suy nghĩ nữa, nhưng hình ảnh đó vẫn đọng lại mãi trong tâm trí, đến bây giờ vẫn nhớ để kể lại cho bạn thì chứng tỏ nó vẫn ở đấy. Tuy nhiên nó thành câu chuyện vui chứ không còn làm tôi ấm ức. Nhưng ngay thời điểm đó tôi đã hành xử như vậy. Nên tôi cũng rất thông cảm với các bạn trẻ khi mới về làm dâu.
Chị đã sống chung với mẹ chồng được bao nhiêu năm?
- Tôi làm dâu 9 năm, trong đó 4-5 năm bà bị tai biến, bà ở với tôi và tôi là người chăm sóc. Cũng may là xung quanh còn có các anh chồng và các chị dâu giúp đỡ. Bà có mấy năm nằm liệt một chỗ nhưng đầu óc vẫn tỉnh, trước khi mất bà bị hôn mê sâu một vài tháng.
Hồi đó không có giúp việc, tất cả đều phải tự làm, nên đối với tôi việc chăm sóc người ốm rất bình thường. Lúc đó không có điều kiện như bây giờ, không có bỉm, phải đóng cho bà bằng xô và giặt bằng tay. Anh Kỷ phải đi mua can nước gội đầu 5 lít để khi giặt đồ cho vào cho thơm. Nhiều người bảo sao tôi có thể làm được những việc đó, còn tôi thấy bình thường lắm.
Có lúc nào mẹ chồng thể hiện tình cảm với chị không?
- Tôi nghĩ là bà rất yêu tôi. Tôi cảm nhận được rất rõ. Có những đợt tôi phải đi công tác xa 1 tháng, trước khi đi tôi gói tất cả thuốc của bà chia ra từng ngày. Tôi ở cùng với mấy anh trai và mấy chị dâu nên nhờ các chị nấu cơm cho bà. Các anh chị ở sát vách và trên gác nhà tôi.
Đến lúc tôi về thì chị dâu mách là bà ghê gớm lắm, bà không ăn, có hôm bà lấy thìa ném vào mặt cháu. Tôi bảo với bà là “Bây giờ mẹ phải ăn chứ, mẹ khỏe thì bọn con mới đi làm được, con phải đi công tác mà mẹ lại không ăn thế này!”. Ngay ngày hôm sau tôi phải nấu một món bà rất thích. Bà thích những đồ mềm như là súp. Có những món tôi nấu và bà bảo khi tôi về làm dâu bà mới được ăn, thấy bà ăn ngon thì sau tôi hay nấu. Tôi hỏi bà ăn có ngon không, bà bảo “Mẹ ăn ngon lắm!”. Xong bà mới bảo câu này: “Chị ở nhà tôi còn ăn được 2 bát, chị mà đi vắng thì tôi chỉ ăn được một bát!”. Lúc đấy tôi biết bà rất yêu mình.
Trải qua cuộc sống làm dâu với đủ hỉ nộ ái ố, chị làm mẹ chồng như thế nào?
- Khi tôi thấy con dâu về nhà mình sống thoải mái thậm chí bừa bộn, nhắc nó dọn dẹp thì chỉ được chốc lát rồi đâu lại vào đấy, ban đầu tôi cũng hơi khó chịu. Về sau tôi cũng phải suy nghĩ lại: À thực ra ở nhà nó thế, thì khi ở nhà mình nó được như thế nghĩa là nhà mình chính là nhà nó. Chứ nếu nó không coi đây là nhà thì trông thấy mẹ chồng từ xa về là vội vội vàng vàng dọn cái này cái kia thì lại thành giả. Mình nghĩ đơn giản thế chứ không bắt ne bắt nét nữa.
Gần đây hình ảnh của chị có rất nhiều thay đổi, lúc thì đầm sang trọng, lúc thì vest hiện đại, khác với hình ảnh có phần giản dị trước kia là chiếc áo dài mỗi khi dự sự kiện quan trọng?
- Tôi từ trước vẫn thích áo dài, bây giờ có điều kiện hơn thì mình được phép thay đổi, được phép mặc nhiều loại trang phục. Tôi mặc đẹp anh Kỷ cũng thích, còn bảo là “Phải thế thì mới được đi cạnh anh chứ!”.
Các hãng thời trang thiết kế rất đẹp, mình chỉ cần biết chọn lựa cái gì phù hợp với mình, che đi những nhược điểm của mình, làm mình trẻ trung, năng động và khỏe mạnh hơn thì sẽ đẹp hơn. Tôi đã từng làm thợ may và tự thiết kế nên tôi rất thích thời trang, và giờ được sử dụng những sản phẩm của các bạn trẻ tôi rất khâm phục. Các bạn ấy đã xây dựng được những thương hiệu của Việt Nam. Có rất nhiều bạn trẻ tạo dựng được những thương hiệu áo dài rất nổi tiếng, có phong cách riêng. Sự sáng tạo của các bạn thật phi thường, tôi rất ngưỡng mộ. Khi ta thay đổi được, khiến ta khỏe khoắn hơn, trẻ trung hơn thì tại sao lại không làm. Trong nhà, chồng tôi, con dâu, con trai và cả các cháu nội đều thích tôi mặc đẹp.
Xin cảm ơn chị!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.